Tại buổi làm việc của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội với Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội mới đây về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đào tạo trình độ tiến sĩ, nhà trường xin cơ chế đặc thù cho các giảng viên có danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân được tính tương đương học vị thạc sĩ, tiến sĩ để phù hợp ngành nghề đào tạo.
Thông tin này ngay lập tức thu hút sự quan tâm của dư luận.
Trao đổi với VietNamNet chiều 7/3, ông Nguyễn Đình Thi, Hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội cho hay, đã có những hiểu nhầm trong việc đề xuất của nhà trường.
Đề xuất của trường muốn được tính tương đương, chứ không phải “phiên ngang”, rằng nghệ sĩ ưu tú/nghệ sĩ nhân dân là có học vị thạc sĩ/tiến sĩ.
Theo ông Thi, nhà trường cũng không đề xuất tất cả nghệ sĩ nhân dân được tính tương đương tiến sĩ, mà chỉ đề xuất cho nghệ sĩ nhân dân giảng dạy ở Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, để nhằm đáp ứng quy định mỗi ngành học phải có 5 tiến sĩ.
“Chúng tôi hoàn toàn hiểu rất rõ học vị khác với danh hiệu ra sao và cũng không hề có ý xin một học vị cho các nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân. Để có được học vị thạc sĩ, tiến sĩ phải qua quá trình đào tạo bài bản, bảo vệ luận văn,... còn danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân là ghi nhận sự cống hiến.
Đề xuất đó chỉ để nhằm áp dụng, tạo điều kiện cho việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh và để đáp ứng quy định khi mở mã ngành mới (yêu cầu phải có 5 tiến sĩ) đối với các ngành nghệ thuật. Chứ hoàn toàn không có ý thay thế trong công tác đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ. Bởi đào tạo sau đại học, tiến sĩ phải theo quy chế chung của Bộ GD-ĐT”, ông Thi nói.
Ông Thi giải thích thêm, khi xác định chỉ tiêu của một ngành đào tạo liên quan đến đội ngũ giảng viên cơ hữu.
Ông Thi cho hay, như Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội hiện chỉ có 168 biên chế, vì vậy quy định đòi hỏi số lượng giảng viên cơ hữu mỗi ngành theo quy định khiến trường gặp khó.
Nếu được tính giảng viên là nghệ sĩ nhân dân tương đương tiến sĩ thì cũng giảm bớt sức ép các trường đặc thù này.
“Ở một số cơ sở đào tạo nghệ thuật, việc nghệ sĩ nhân dân tham gia giảng dạy trong quá trình đào tạo cũng là cần thiết. Do đó, để đảm bảo đội ngũ, theo chúng tôi, nên ghi nhận cả những người có danh hiệu nghệ sĩ nhân dân. Bởi họ là những người có rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực và việc dạy cho sinh viên có kỹ năng nghề là việc vô cùng quan trọng”, ông Thi nói.
Trường đề xuất giảng viên có danh hiệu nghệ sĩ nhân dân được coi tương đương học vị tiến sĩ để đáp ứng tiêu chí cần 5 tiến sĩ theo quy định khi mở ngành đào tạo, đảm bảo điều kiện chất lượng đào tạo, xác định chỉ tiêu cho các ngành theo Thông tư 08 của Bộ GD-ĐT.
Đề nghị tính tương đương là để các nghệ sĩ nhân dân được tham gia vào quá trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Chứ hoàn toàn không có nghĩa nghệ sĩ nhân dân được hưởng các chế độ như tiến sĩ về lương bổng,...
"Đề xuất không hề có ý định tranh thủ việc đạt được học vị tiến sĩ bằng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân”, ông Thi khẳng định.
Ông Thi cho biết thêm, thực tế, đề xuất này không mới và từng được đưa ra hơn cách đây hơn một năm, khi trường cùng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xây dựng dự thảo nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật nói chung, trong đó có nhà trường.
Hiện, Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội đã và đang đào tạo được 7 khóa tiến sĩ, với 2 chuyên ngành: Lý luận và lịch sử nghệ thuật sân khấu và Lý luận lịch sử phê bình nghệ thuật điện ảnh – truyền hình. Tính đến nay, trường có 3 khóa tiến sĩ đã tốt nghiệp.