Trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết một số ý kiến ĐBQH đề nghị tiếp tục rà soát và làm rõ các quy định về hợp đồng bảo hiểm. Vì vậy, dự thảo Luật đã được rà soát, chỉnh sửa, bổ sung và quy định rõ một số nội dung như: sửa đổi quy định về quyền lợi có thể được bảo hiểm; hậu quả pháp lý của việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm…
Ông Vũ Hồng Thanh cho biết, nhiều ý kiến đề nghị xem xét, thắt chặt việc cấp phép hoạt động cho các tư vấn viên bảo hiểm của các công ty bảo hiểm.
Đồng thời có quy định chặt chẽ hơn đối với đại lý bảo hiểm là tổ chức tín dụng, tránh tình trạng ép khách hàng mua bảo hiểm kết hợp với giải ngân vốn vay hay đánh tráo khái niệm “gửi tiết kiệm” và “tham gia bảo hiểm”.
Mục đích nhằm hạn chế tình trạng này, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bên mua bảo hiểm, dự thảo Luật đã có quy định điều cấm về "Đe dọa, ép buộc giao kết hợp đồng bảo hiểm", quy định về những hành vi đại lý bảo hiểm không được làm.
ĐB Lê Minh Nam (Hậu Giang) góp ý nội dung liên quan đến các quy định về hợp đồng bảo hiểm. Ông cho rằng cần xem xét thống nhất về các thuật ngữ sử dụng khi ban hành quy tắc bảo hiểm, thông tin giới thiệu chào bán sản phẩm bảo hiểm và trong ký kết hợp đồng bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ.
Do bảo hiểm nhân thọ là loại hình bảo hiểm có tính chuyên môn sâu nên ĐB cho hay, phần lớn sản phẩm bảo hiểm nhân thọ được triển khai áp dụng theo cách thức thông lệ phổ biến của quốc tế. Vì vậy, một số thuật ngữ chuyên môn khi dịch ra tiếng Việt không có từ thông dụng quen thuộc và dễ hiểu. Điều này dẫn tới một số trường hợp người được bảo hiểm đọc nhưng chưa hiểu rõ cặn kẽ toàn diện các điều khoản cam kết, cho nên mơ hồ cả về quyền và nghĩa vụ dẫn đến nguy cơ có thể bị từ chối chi trả bảo hiểm, hợp đồng bị vô hiệu hoặc nhận được quyền lợi không được như mong đợi ban đầu.
Ông dẫn chứng về vụ việc mới được báo chí phản ánh một trường hợp là khách hàng "bị sốc" khi tất toán sớm ký hợp đồng bảo hiểm nhân thọ với mức đóng là 120 triệu nhưng khi thu về chỉ còn có 36 triệu, bốc hơi mất 70%. Khách hàng cho rằng bị lừa do doanh nghiệp đánh tráo khái niệm.
"Nếu khách hàng đã hiểu rõ nội dung cam kết thì rất có thể sẽ không mua bảo hiểm hoặc nếu mua mà phải nhận lại mức bồi hoàn thấp như thế chắc cũng không sốc và có những bức xúc đến như vậy", ông nhận định.
ĐB tỉnh Hậu Giang đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu để quy định tại luật nội dung yêu cầu thống nhất về thuật ngữ chuyên môn có tính chuẩn mực chung, được giải thích Việt hóa rõ ràng hoặc có thể quy định là các doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài phải giải thích rõ ràng, đầy đủ và có bằng chứng xác nhận việc bên mua bảo hiểm đã được giải thích đầy đủ và hiểu rõ các nội dung liên quan đến nghĩa vụ, quyền lợi khi giao kết hợp đồng bảo hiểm.
ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng nhấn mạnh vai trò quan trong trọng của hợp đồng bảo hiểm nhằm bảo vệ lợi ích hài hòa bình đẳng và quyền lợi hợp pháp chính đáng của người cung cấp dịch vụ bảo hiểm và người mua bảo hiểm, phù hợp với đặc thù của bảo hiểm hiện nay.
Tuy nhiên theo ông phân tích, nhiều người mua bảo hiểm khi ký hợp đồng bảo hiểm thường không đọc hoặc xem kỹ mà chỉ ký tên vào hợp đồng. Bên bán bảo hiểm thường ghi nội dung có lợi cho mình, nên khi có sự cố xảy ra thiệt hại bên mua là chủ yếu.
Góp ý về các hành vi bị nghiêm cấm, ĐB Đinh Văn Thê (Gia Lai) đề nghị bổ sung thêm hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đó là làm phiền, quấy nhiễu khách hàng dưới mọi hình thức, yêu cầu các đơn vị kinh doanh bảo hiểm tuân thủ các quy định về pháp luật thông tin và truyền thông.
Trong dự thảo Luật về trách nhiệm và hậu quả pháp lý do vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin, ĐB đề nghị quy định rõ những nội dung cần thiết mà khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh bảo hiểm, doanh nghiệp phi nhân thọ nước ngoài có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác và giải thích rõ cho người mua bảo hiểm để bảo đảm tính công khai, minh bạch, chính xác thông tin trước khi giao kết hợp đồng.
Trần Thường
Trong phiên thảo luận về dự thảo Luật Kinh doanh Bảo hiểm, Đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung quy định cấm trước thực tế người dân bức xúc vì bị nhắn tin, điện thoại làm phiền.