Sáng 7/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Đẩy nhanh quá trình phát triển và áp dụng công nghệ vào đời sống 

Trao đổi với VietNamNet, đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) đề xuất nhiều ý kiến mới tập trung về chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ tại Đà Nẵng.

Theo bà Yên hiện nay, việc phát triển và đảm bảo nguồn nhân lực cho lĩnh vực công nghệ cao là một vấn đề hệ trọng, không chỉ ở Việt Nam mà còn cả ở các quốc gia khác trên thế giới.

W-Tạ Thị Yên.jpg
Đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên). Ảnh: Hoàng Hà

“Qua nghiên cứu cho thấy một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới đang áp dụng cơ chế “thị thực vàng” để thu hút nhân tài từ các ngành nghề đến với đất nước mình và góp phần giải quyết vấn đề nhân lực tay nghề cao”, nữ đại biểu tỉnh Điện Biên nói

Bà dẫn chứng gần đây nhất, vào đầu tháng 5 vừa qua, Chính phủ Thái Lan vừa phê duyệt loại thị thực đặc biệt dành cho các chuyên gia làm việc tại Hành lang Kinh tế phía Đông của Thái Lan.

Loại thị thực đặc biệt này có giá trị trong 10 năm, cho phép người sở hữu xuất, nhập cảnh Thái Lan nhiều lần. Ngoài ra, các chuyên gia cư trú và làm việc tại Hành lang Kinh tế phía Đông còn được hưởng mức thuế thu nhập cá nhân đặc biệt.

Hiện nay, dự thảo nghị quyết đã bao gồm các chính sách đặc thù về việc thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng, cũng như thí điểm các chính sách ưu đãi về miễn thuế thu nhập doanh nghiệp và miễn thuế thu nhập cá nhân đối với tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt trong hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.

Từ đó, đại biểu đề xuất việc chỉnh lý dự thảo nghị quyết, xem xét thí điểm chính sách “thị thực vàng” và việc ưu đãi thuế thu nhập đối với những cá nhân nước ngoài có chức vị, học vấn cao sinh sống, làm việc trong Khu thương mại tự do Đà Nẵng, các khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, không gian đổi mới sáng tạo do ngân sách thành phố đầu tư.

“Việc này sẽ góp phần thu hút tài năng công nghệ cao trên toàn thế giới đến với Đà Nẵng, đẩy nhanh quá trình phát triển và áp dụng công nghệ vào đời sống trên địa bàn thành phố, cũng như trên cả nước”, bà Yên phân tích.

Theo đại biểu Tạ Thị Yên, đây cũng là những cách thiết thực để thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, đưa Đà Nẵng thành trung tâm công nghệ và đổi mới sáng tạo hàng đầu Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung.

Thu hút chuyên gia đầu ngành đến Đà Nẵng

Tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ về nội dung này, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, có 76 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến với không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, trí tuệ, trách nhiệm.

Hầu hết các ý kiến tán thành với Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội.

Trong đó có một số ý kiến cũng đề nghị Quốc hội cho phép thí điểm chính sách "thị thực vàng" đối với thành phố Đà Nẵng. Điều này có nghĩa là cho phép quyền cư trú và làm việc hợp pháp đến 5 năm cho chuyên gia và gia đình họ để thu hút chuyên gia làm việc tại các doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư chiến lược hay doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực mới nổi.

Bên cạnh đó cũng có ý kiến đề nghị bổ sung thêm một số chính sách để thu hút nhà đầu tư chiến lược như: Tăng thời gian cư trú, miễn visa nhập cảnh.

Nhiều ý kiến cũng nhất trí với dự thảo nghị quyết về thí điểm quyết định mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học, người tài năng của thành phố. Chính sách này sẽ tạo điều kiện cho thành phố thu hút thêm nguồn nhân lực chất lượng cao.

tranchicuong.jpg
Phó Chủ tịch thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường. Ảnh: QH

Phó Chủ tịch thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường cho biết, một trong những mong muốn vượt trội của thành phố là hình thành, phát triển công nghiệp bán dẫn. 

Để phát triển ngành này, nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố quyết định nên cần thu hút chuyên gia đầu ngành trong nước và trên thế giới đến Việt Nam và Đà Nẵng nghiên cứu, giảng dạy và khởi nghiệp.

Hiện Chính phủ đang xây dựng đề án đào tạo 50.000-100.000 nhân lực cho phát triển ngành bán dẫn. Đà Nẵng cũng đang xây dựng chính sách với một số cơ chế mang tính chất đặc thù để phát triển công nghiệp chất bán dẫn, trong đó tập trung vào việc thiết kế, kiểm thử, đóng gói. Đây những khâu hết sức quan trọng của ngành công nghiệp này.

Bên cạnh đó, việc sản xuất chip bán dẫn cũng là một trong những yếu tố được quan tâm nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung. 

Công nghệ chip bán dẫn vi mạch và trí tuệ nhân tạo đều là lĩnh vực mới và khó, nhiều nước và khu vực có nền công nghiệp phát triển trên thế giới như: Mỹ, EU đều thận trọng và phải dựa trên sự phát triển của công nghiệp này để ban hành các khung pháp lý.

Ở Việt Nam, Chính phủ đã giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng, hoàn thiện và bổ sung các văn bản pháp luật về giao dịch điện tử, thiết kế, thiết lập và chia sẻ dữ liệu, các khung thể chế thử nghiệm.

Bộ Thông tin Truyền thông đã dự thảo các quy định này và khuôn khổ pháp lý cho chip bán dẫn, vi mạch tại dự thảo Luật công nghiệp công nghệ số dự kiến sẽ trình Quốc hội trong kỳ họp tháng 10.