Sáng 26/10, tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội, Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (TPHCM) cho biết, ông từng kiến nghị bỏ quy định kỷ luật đảng viên sinh con thứ 3, để phù hợp với tình hình mới. Bởi trong xã hội hiện đại, gia đình nào cảm thấy không nuôi được con tự họ đã sinh ít con. Chỉ gia đình nào đủ điều kiện nuôi con tốt mới sinh nhiều con.

Năm 2023, mức sinh của Việt Nam là 1,96, trong khi mức sinh thay thế lý tưởng là 2,1 con trên mỗi phụ nữ. Ông cho biết cách đây 7 năm, Trung ương yêu cầu giữ vững tổng tỷ suất sinh thay thế nhưng đến nay đã không giữ được.

Ông nêu một trong các chỉ tiêu Trung ương đề ra là tổng tỷ suất sinh tăng nhưng trong báo cáo kinh tế - xã hội chưa có.

0be707e72be393bdcaf2.jpg
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân. Ảnh: Quốc hội

"Chúng tôi thiết tha đề nghị bổ sung chỉ tiêu tổng tỷ suất sinh của cả nước vào báo cáo kinh tế, xã hội của Quốc hội và giám sát. Nếu chúng ta làm được 2 năm thì mới có cơ sở đưa vào chỉ tiêu 5 năm tới. Đây là vấn đề hệ trọng quốc gia vì liên quan đến phát triển con người…", đại biểu Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ.

Theo ông Nhân, "chúng ta xác định con người là trung tâm, tất cả vì con người, con người là động lực. Trong chăm lo con người thì chăm lo cuộc sống là rất quan trọng". 

Ông Nhân cũng mong muốn Chính phủ sớm công bố mức sống tối thiểu và tiền lương đủ sống tối thiểu cho gia đình 4 người. Lương đủ sống tối thiểu là một người đi làm nuôi được người phụ thuộc và nuôi được con. Theo ông, từ đó mới nâng được tỷ suất sinh, mỗi gia đình có 2 con. 

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) cho biết, Việt Nam đang nỗ lực nâng tỷ suất sinh nhưng cho tới giờ, đảng viên sinh con thứ 3 vẫn bị kỷ luật.

"Chúng ta phải xem lại các quy định trong quản lý cán bộ, đảng viên. Chưa kể sắp đến kỳ bổ nhiệm, có con thứ 3 là coi như xong", bà Lan đề nghị.

3cfbcabed1ba69e430ab.jpg
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan. Ảnh: Quốc hội

Theo đại biểu, chủ trương đảng viên không sinh con thứ 3 ở giai đoạn trước phù hợp nhưng hiện nay "khi chúng ta thay đổi về quan điểm thì rất cần những thay đổi về chính sách, về các điều lệ cũng như quy định, đặc biệt là cho đảng viên, cán bộ".

Cũng nói về tỷ suất sinh, đại biểu Trần Đức Thuận (Nghệ An) nêu tình trạng già hóa dân số khi Việt Nam chuẩn bị vào kỷ nguyên già hóa dân số. Năm 2017, Trung ương đã có Nghị quyết 21 về chính sách dân số trong tình hình mới, ngày 15/8 vừa qua, Chính phủ có Chỉ thị 27 về tăng cường công tác dân số, trong đó giao cho Bộ Y tế rà soát để nâng tỷ lệ sinh.

Về chiến lược lâu dài, đại biểu đề nghị có chính sách để nâng tỷ lệ sinh. "Nhiều người nói với tôi vấn đề sinh đẻ 2 con chỉ tập trung vào đối tượng đảng viên", ông Thuận đặt vấn đề nên có chính sách mới hay không.

Việt Nam đang tiến tới con đường già hóa dân số, đại biểu nhấn mạnh, nếu không có giải pháp kịp thời thì sẽ giống như các nước đang trải qua giai đoạn già hóa. 

202110251410078475_Đại biểu Trần Đức Thuận.jpg
Đại biểu Trần Đức Thuận. Ảnh: Quốc hội

Nghị quyết 21 của Trung ương nêu rõ "đề cao tính tiên phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện chủ trương, chính sách về công tác dân số, nhất là sinh đủ 2 con, chú trọng nuôi dạy con tốt, gia đình hạnh phúc, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội".

Chỉ thị 27 của Thủ tướng về tăng cường thực hiện công tác dân số trong tình hình mới nêu công tác dân số hiện nay có những tồn tại, hạn chế, bất cập như: Mức sinh thay thế chưa thực sự bền vững; chưa có giải pháp đồng bộ, toàn diện thích ứng với già hóa dân số; tuổi thọ trung bình cao nhưng số năm sống khỏe mạnh thấp; chất lượng dân số chậm được cải thiện...