Sáng 20/3, trường ĐH Giao thông vận tải tổ chức lễ kỷ niệm 62 năm ngày thành lập và chúc mừng các giảng viên được trao tặng Huân chương Độc lập, danh hiệu nhà giáo ưu tú và chiến sĩ thi đua cấp Bộ.
GS.TS Nguyễn Ngọc Long, Hiệu trưởng trường ĐH Giao thông vận tải cho hay, từ năm 2021, nhà trường đã xây dựng, hoàn thiện chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030 xác định sứ mạng là “đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ chất lượng cao theo xu thế hội nhập, có trách nhiệm xã hội nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành giao thông vận tải và đất nước”.
Theo ông Long, nhà trường xác định tầm nhìn đến năm 2030 sẽ trở thành trường đại học đa ngành theo định hướng nghiên cứu, khẳng định vị thế hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực giao thông vận tải, có uy tín và chất lượng ngang tầm châu Á.
Tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GD-ĐT) cũng công bố quyết định của Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng ba cho thầy giáo, PGS.TS Lê Văn Học (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Giao thông vận tải) vì những đóng góp lớn trong suốt cuộc đời công tác, cống hiến vì sự nghiệp giáo dục, đào tạo của trường và đất nước.
Cùng đó, 5 giảng viên của Trường ĐH Giao thông vận tải cũng được đón nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú, gồm: PGS.TS Lê Hoài Đức (Phó hiệu trưởng nhà trường), PGS.TS Trần Ngọc Hiền (Trưởng Khoa Cơ khí); PGS.TS Nguyễn Thị Mai (Trưởng Khoa Khoa học cơ bản); PGS.TS Ngô Đăng Quang (Trưởng Khoa Kỹ thuật xây dựng); PGS.TS Nguyễn Duy Tiến (Trưởng Phòng Khoa học công nghệ).
Cũng nhân dịp này, 8 cán bộ, giảng viên khác của trường cũng được trao tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp bộ. Trường ĐH Giao thông vận tải thành lập năm 1962 theo Quyết định số 42/CP ngày 24/3/1962 của Thủ tướng Chính phủ.
Năm 1990, nhà trường đã thành lập Cơ sở II, nay là phân hiệu của trường ĐH Giao thông vận tải tại TP.HCM để đáp ứng nhu cầu đào tạo cán bộ kỹ thuật cho ngành giao thông vận tải và ngành bưu chính viễn thông ở các tỉnh phía Nam.
Từ năm 2009, thực hiện Đề án đổi mới giáo dục đại học Việt Nam, nhà trường đã chủ động chuyển đổi mô hình đào tạo niên chế sang học chế tín chỉ, lấy người học là trung tâm của quá trình đào tạo.
Từ chỗ chỉ có 4 đơn vị trực thuộc khi bắt đầu xây dựng trường ở bậc đại học, đến nay trường đã có 1 phân hiệu tại TP.HCM, 11 khoa, 1 bộ môn trực thuộc và 22 đơn vị phòng, ban, xưởng, trung tâm, 2 phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc gia và nhiều phòng thí nghiệm, thực hành khác.
Từ chỗ chỉ đào tạo tập trung cho lĩnh vực giao thông vận tải, đến nay trường đã trở thành một trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực với 31 ngành đào tạo bậc đại học, 12 ngành đào tạo thạc sĩ và 10 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ với gần 28.000 sinh viên và học viên các hệ. Nhà trường có gần 1.200 cán bộ, viên chức, trong đó có khoảng 900 thầy cô giáo, với tỉ lệ khoảng 15% là các giáo sư, phó giáo sư; trên 40% có trình độ tiến sĩ.
Qua 62 năm thành lập, nhà trường đã đào tạo được hàng vạn kỹ sư, cử nhân, hàng ngàn thạc sỹ, tiến sỹ. Ghi nhận những đóng góp nổi bật của nhà trường, Đảng và Nhà nước đã dành tặng cho tập thể trường nhiều huân, huy chương cao quý: Danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân (2011); Danh hiệu Anh hùng Lao động (2007); Huân chương Hồ Chí Minh (2005); 2 Huân chương Độc lập Hạng Nhất (2000 và 2015); 3 Huân chương Lao động Hạng Nhất (1982,1990, 2020).
Đến năm 2023, trường ĐH Giao thông vận tải là một trong 15 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam được xếp hạng trong bảng xếp hạng các trường đại học châu Á của tổ chức Quacquarelli Symonds; đồng thời là trường duy nhất đào tạo lĩnh vực giao thông vận tải ở Việt Nam được xếp hạng trong bảng xếp hạng này (vị trí 750).