Chợ 4.0 xin chào!
Sống gần chợ Phù Cát, mỗi ngày, chị Nguyễn Thị Thương (trú thị trấn Ngô Mây) đều ra chợ để lựa tôm, cá, thịt và những thực phẩm tươi ngon về chế biến bữa ăn cho gia đình. Chị Thương cho biết, khi đi chợ, chị không phải mang túi xách lỉnh kỉnh để đựng ví tiền mà chỉ cần cầm điện thoại theo để quét mã QR thanh toán nhanh chóng.
“Việc chuyển khoản diễn ra vài giây, rất tiện lợi. Sau khi giao dịch xong tại quầy hàng, tôi chỉ cần biết số tiền cần thanh toán là lấy điện thoại quét mã mà không cần phải móc ví, đếm tiền. Việc này vừa đảm bảo vệ sinh khi mua ở những mặt hàng như tôm, cá, thịt, mà tôi còn đỡ lo ngại trộm cắp khi phải lấy tiền ra trả”, chị Thương chia sẻ.
Việc lắp đặt các mã QR, thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt đã diễn ra tại chợ Phù Cát gần 2 tháng nay. Ban đầu, người dân và các tiểu thương tại khu chợ này còn tâm lý e ngại vì phương pháp mới mẻ và chưa biết thao tác. Tuy nhiên, sau khi được chính quyền, các lực lượng đoàn thể đến tuyên truyền, vận động, hầu hết các tiểu thương mà người dân đều đã thực hiện.
Chị Hà Thị Thanh Trà (45 tuổi), tiểu thương kinh doanh các mặt hàng giày dép, mũ nón tại chợ Phù Cát cho biết, chị tham gia thực hiện lắp mã QR, thanh toán không dùng tiền mặt từ khi chương trình được triển khai. Đến nay, các khách hàng đến mua hàng tại cửa hàng chị đã thành thói quen, hầu hết đều thực hiện theo hình thức thanh toán quét mã QR.
“Sử dụng cách thanh toán này rất nhanh chóng, tiện lợi. Người dân dễ dàng thanh toán, tiểu thương chúng tôi cũng không cần phải chuẩn bị nhiều tiền lẻ để trả lại. Tiền vào tài khoản, cuối ngày tổng lại là xong. Việc thanh toán cho bạn hàng lấy hàng cũng dễ, không phải chuẩn bị nhiều tiền mặt theo, khỏi sợ mất cắp”, chị Trà thông tin.
"Đốm lửa" nhỏ tiếp tục lan rộng
Để thực hiện “chợ 4.0 - thanh toán không dùng tiền mặt” tại chợ Phù Cát, UBND huyện Phù Cát đã đầu tư gần 120 triệu đồng lắp đặt wifi công cộng cho người dân sử dụng miễn phí tại khu vực chợ Phù Cát; đồng thời, phối hợp với ngân hàng và các đơn vị liên quan hỗ trợ người dân lắp đặt mã QR cho từng tiểu thương.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND huyện Phù Cát cho biết, chợ Phù Cát là chợ trung tâm, sầm uất nhất của huyện. Để triển khai “Chợ 4.0 - thanh toán không cần tiền mặt” tại đây, UBND huyện đã chỉ đạo các lực lượng văn hoá thông tin, đoàn thanh niên, ban quản lý chợ thường xuyên tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cho người dân cách thức sử dụng.
Đồng thời, chỉ đạo cho các cán bộ, công chức, viên chức gương mẫu đi đầu trong việc sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt; ngành giáo dục tổ chức tuyên truyền cho học sinh từ đó lan toả đến các bậc phụ huynh.
“Phù Cát là vùng nông thôn, chúng tôi phải chọn các nơi có điều kiện để triển khai, có sản phẩm cụ thể để người dân thấy được lợi ích. Sau đó, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, vận động nâng cao số lượng hộ sử dụng. Từ "đốm lửa" nhỏ tiếp tục lan rộng ra. Không chỉ tiểu thương buôn bán trong chợ mà cả khách hàng cũng có giao dịch”, ông Hưng chia sẻ.
Ngoài thực hiện chợ 4.0 ở chợ Phù Cát, UBND huyện Phù Cát cũng đã hướng dẫn một số địa điểm kinh doanh, chủ yếu là nhà hàng và quán cà phê lớn phối hợp với ngân hàng in mã QR code, triển khai thanh toán không dùng tiền mặt.
Huyện Phù Cát đặt mục tiêu mở rộng phạm vi vận động thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt ra toàn huyện.
Đẩy mạnh thanh toán điện tử
Theo Sở Công Thương tỉnh Bình Định, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh Bình Định về triển khai các quy định đẩy nhanh thực hiện các mục tiêu chuyển đổi số trong xu thế số hóa và chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, đến nay, Bình Định đã cơ bản hình thành hạ tầng kỹ thuật để người dân và doanh nghiệp sử dụng thanh toán không tiền mặt.
Sở Công Thương đã phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị triển khai thực hiện “Chợ công nghệ bình thường mới - Chợ 4.0” tại 8 chợ trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, gửi các văn bản đến các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh bán lẻ tuyên truyền, khuyến khích, hướng dẫn thực hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt trên môi trường trực tuyến và trực tiếp tại các địa điểm kinh doanh khi trao đổi, mua bán hàng hoá, dịch vụ...
Việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt tại các điểm bán hàng, đặc biệt là các chợ được sự đồng thuận của người dân. Đến nay, đã có tổng cộng 855 điểm chấp nhận thanh toán qua ví điện tử, với gần 1.500 lượt giao dịch.
Ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Định cho biết, tại Bình Định, phương thức thanh toán qua thẻ ngân hàng và trực tuyến qua ứng dụng điện tử là phổ biến hơn cả, được nhiều người dân từ thành thị đến nông thôn lựa chọn. Thanh toán trực tuyến không chỉ được tích hợp trên các ứng dụng ngân hàng mà nhiều đơn vị còn xây dựng ví điện tử để thuận tiện cho người tiêu dùng, nổi bật có thể kể đến MoMo, Zalo Pay, Viettel Pay...
Thời gian tới, Sở Công Thương tăng cường vận động, khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức liên quan, nhất là các cơ sở bán lẻ hàng hoá, dịch vụ trên địa bàn chấp nhận, sử dụng phương tiện thanh toán điện tử. Đồng thời, động viên người tiêu dùng sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt và hỗ trợ khách hàng thực hiện các dịch vụ thanh toán điện tử khi có giao dịch.
“Sở Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị, tổ chức liên quan trong tỉnh triển khai thực hiện các giải pháp đẩy mạnh phát triển thanh toán điện tử trong thương mại điện tử. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan giải đáp thắc mắc, xử lý khiếu nại nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng trong thanh toán không dùng tiền mặt”, ông Tổng nói.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Định có tổng số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt (thanh toán qua Internet banking, Mobile banking, ATM, POS, quầy giao dịch NHTM...) là 24.888 nghìn món, với tổng giá trị giao dịch là 340.324 tỷ đồng; có 240 máy ATM và 1.719 máy POS đang hoạt động. 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán (POS) hoặc cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng. |