LTS: Tuần Việt Nam xin lược đăng mạch bài của PGS.TS Vũ Trọng Lâm - Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật về "Những giá trị thực tiễn của hệ thống lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua các tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng".
Hệ thống giải pháp về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Thứ nhất, tăng cường công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức.
Giáo dục tư tưởng, đạo đức cho cán bộ, đảng viên phải được coi trọng thường xuyên và phải kiên trì bởi vai trò của đạo đức - cái gốc của người cách mạng. “Điều rất cơ bản, rất then chốt có ý nghĩa quyết định cho mọi công việc, đó là phải làm sao giữ cho được, làm cho đúng theo tư cách, đạo đức, danh dự của người đảng viên, người cán bộ cách mạng, đặc biệt là những người lãnh đạo... Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống”.
Thứ hai, xây dựng, hoàn thiện thể chế để “không thể”, “không dám” tham nhũng.
Đồng chí Tổng Bí thư luôn nhấn mạnh đặc điểm của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là Nhà nước có hệ thống pháp luật hiện đại, chặt chẽ, và thực hiện nghiêm minh.
Vì thế, cần phải “đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật và tổ chức thi hành nghiêm túc, bảo đảm đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đất nước nhanh và bền vững”.
Đồng chí Tổng Bí thư cho rằng, để kiểm soát tốt quyền lực chính trị thì trước hết phải xây dựng được thể chế đầy đủ, chặt chẽ, làm căn cứ để thực hiện phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Người có chức, có quyền không thể tham nhũng được nếu có các quy định pháp lý chặt chẽ, đầy đủ, công khai, minh bạch và được kiểm tra, giám sát thường xuyên.
Vì vậy, đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu phải tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng; kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những “khoảng trống”, “kẽ hở” để “không thể tham nhũng”.
Đồng thời, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát chặt chẽ quyền lực, hoàn thiện quy chế nhằm kiểm soát quyền lực, “nhốt quyền lực trong lồng cơ chế”.
Đặc biệt là cần phải đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc phân cấp, phân quyền, phân công, phối hợp, gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát giữa các cơ quan, đơn vị thuộc Chính phủ, chính quyền các địa phương... với các cơ quan, đơn vị của Đảng, Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, hệ thống các cơ quan tư pháp và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; bảo đảm cả hệ thống tổ chức bộ máy luôn luôn vận hành một cách đồng bộ, thống nhất; tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, “quyền anh, quyền tôi”, “cua cậy càng, cá cậy vây”.
Thứ ba, kiên quyết xử lý tham nhũng không có “vùng cấm”, không có “ngoại lệ”, không có “hạ cánh an toàn”.
Với trách nhiệm Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Phú Trọng luôn quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách để “không thể, không dám, không muốn, không cần tham nhũng” và kiên quyết đấu tranh phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Đồng chí Tổng Bí thư nhiều lần khẳng định rõ và nhất quán quan điểm: Công tác phát hiện và xử lý tham nhũng được chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, tạo bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước trong chống tham nhũng.
Phòng, chống tham nhũng với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không bị tác động không trong sáng bởi bất kỳ tổ chức, cá nhân nào... Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, tiêu cực; xử lý đồng bộ kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính và xử lý bằng pháp luật hình sự đối với những người vi phạm, bất kể đó là ai.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng và xây dựng, chỉnh đốn Đảng chỉ làm “chùn bước” những ai có động cơ không trong sáng, đã trót “nhúng chàm” và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu kiến thức, kinh nghiệm và bản lĩnh”.
Thứ tư, phát huy vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Muốn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả, giải pháp quan trọng nữa là sự làm gương, nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Ngay bản thân đồng chí Tổng Bí thư cũng là một người mẫu mực nêu gương đạo đức thanh liêm, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu cán bộ, đảng viên phải nói đi đôi với làm.
Trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào. Việc xử lý nghiêm nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau xót, rất đau lòng, nhưng vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh kỷ luật của Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm và kiên quyết làm.
Kỷ luật một vài người để cứu muôn người và sẽ còn phải tiếp tục làm quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, kiên quyết loại bỏ những phần tử hư hỏng, thoái hóa về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, cục bộ, ưu ái tuyển dụng người nhà, người thân không đủ tiêu chuẩn. Phát huy dân chủ, nâng cao ý thức trách nhiệm, nêu gương, tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức.
Thứ năm, xây dựng đội ngũ cán bộ ngành thanh tra, kiểm tra đảng có đủ phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu được giao.
Tổng Bí thư cho rằng, người kiểm soát quyền lực cũng phải chịu sự kiểm soát quyền lực: Để hoàn thành nhiệm vụ kiểm tra, giám sát trong bối cảnh hiện nay, điều quan trọng quyết định là phải tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thanh tra, kiểm tra; phải tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra, kiểm tra đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Các cơ quan kiểm tra cùng với các cơ quan nội chính, thanh tra, điều tra, kiểm sát, xét xử phải thật sự là những “thanh bảo kiếm” sắc bén, có phẩm chất đạo đức trong sáng, trong sạch, chí công vô tư, có dũng khí đấu tranh ngăn chặn những việc làm sai trái, lợi ích nhóm, mưu lợi cá nhân.
Cán bộ thanh tra, kiểm tra phải là những chiến sĩ kiên cường, có bản lĩnh, nắm chắc các cơ chế, chính sách, Điều lệ Đảng, các quy chế, quy định của Đảng và Nhà nước; Đặc biệt là phải có dũng khí đấu tranh, chính trực và hơn ai hết phải liêm, phải sạch. Không liêm, không sạch thì không nói được ai, không kiểm tra, giám sát, không kỷ luật được người khác. Phải chống tiêu cực ngay trong các cơ quan và cá nhân những người làm công tác chống tiêu cực. Phải không ngừng nâng cao trình độ, kiến thức; luôn phấn đấu, rèn luyện tác phong công tác, không kiêu ngạo, không say sưa với thành tích, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, tâm huyết, kiên quyết và trách nhiệm cao trong nghề nghiệp; phải thực sự gương mẫu trong cuộc sống và công tác, thực sự công tâm, khách quan, đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Phải là những “Bao Công” trong thời đại mới. Nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát trong thời gian tới hết sức nặng nề. Cán bộ thanh tra, kiểm tra luôn phải đối mặt, đấu tranh với những sai phạm, tiêu cực của đồng chí, đồng đội và cả những người thân; luôn phải đấu tranh với chính mình để không phạm phải những cám dỗ đời thường. Đó là thách thức không nhỏ.
Để xây dựng được đội ngũ “Bao Công”, đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu phải tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Xây dựng, hoàn thiện các quy chế, quy định để ngăn ngừa có hiệu quả sự tác động tiêu cực, không lành mạnh vào hoạt động của các cơ quan này.
Đặc biệt, phải xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thật sự có bản lĩnh, thật sự liêm chính, trong sạch; không chịu bất cứ sức ép không trong sáng nào của tổ chức, cá nhân; bất cứ sự cám dỗ, mua chuộc nào của những kẻ phạm tội. Có chính sách đãi ngộ hợp lý, tạo động lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nỗ lực phấn đấu, toàn tâm, toàn ý với công việc. Phải phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Thứ sáu, phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là “chống giặc nội xâm”, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa khó khăn, phức tạp, lâu dài; phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục, “không ngừng”, “không nghỉ” ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực; thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự; với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm. Đồng chí yêu cầu Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội không chỉ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, đoàn viên mà còn phải tiếp tục chủ động tham gia sâu hơn, toàn diện, hiệu quả hơn và động viên nhân dân tích cực tham gia vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Phát huy vai trò tích cực trong tham gia kiểm soát quyền lực, giám sát để quản lý xã hội công khai, minh bạch.
Thúc đẩy sự phát triển và tiến bộ trong xã hội Việt Nam
Phát triển và tiến bộ xã hội luôn được đặt ra cùng với sự tồn tại của con người, của nhân loại trong quá trình sống. Phát triển và tiến bộ xã hội phản ánh sự vận động đi lên của xã hội loài người.
Việc chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với Việt Nam, không chỉ mang mục tiêu kinh tế đơn thuần, mà hơn thế, là mục tiêu mang tính xã hội: ngày càng làm cho mỗi người dân Việt Nam có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, mọi người có cơ hội phát triển những năng lực của mình.
Ở một chừng mực nhất định, ngoài mục tiêu kinh tế, Việt Nam đã đạt được những thành tựu xã hội đáng tự hào. Đó là vấn đề giảm nghèo, gia tăng các cơ hội cho mỗi người dân trong việc tiếp cận các dịch vụ cơ bản của xã hội, hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học. Chỉ số phát triển con người cũng ngày càng tăng.
Những thành công trên là do sự lãnh đạo sáng suốt, nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật của Đảng Cộng sản Việt Nam; sự đồng lòng, quyết tâm, ủng hộ tích cực của các tầng lớp nhân dân; bên cạnh đó, không thể không kể đến vai trò của các nhà lãnh đạo, người đứng đầu, của những nhà trí thức... Những nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua các tác phẩm của đồng chí Tổng Bí thư đã góp phần thúc đẩy sự phát triển, tiến bộ trong xã hội Việt Nam đương đại, thể hiện ở chỗ:
Thứ nhất, góp phần cung cấp tri thức đúng đắn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng về tính tất yếu của sự phát triển tiến lên chủ nghĩa xã hội của loài người nói chung và ở Việt Nam nói riêng; góp phần chỉ rõ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Thứ hai, nhận thức được tính tất yếu của sự phát triển, đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; những khó khăn, phức tạp trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia, hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, thực hiện tốt các chính sách xã hội, bảo vệ môi trường; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, vươn lên thoát nghèo... Nhờ đó, trong thời gian qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường; chỉ số phát triển con người ngày càng cao, đặc biệt là có sự phát triển cao so với thu nhập. Việt Nam cũng thành công trong việc đạt mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, trong đó có một số mục tiêu đạt trước thời hạn.
Có thể khẳng định rằng, các tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã góp phần làm sâu sắc hơn, cụ thể hơn sự sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình vận dụng, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; đồng thời, góp phần tổng kết, phát triển lý luận của Đảng về đổi mới, tiếp tục xây dựng hệ thống lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Hệ thống nhận thức lý luận đó đã góp phần quan trọng không chỉ cung cấp những luận cứ khoa học về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, mà còn góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, đưa đất nước phát triển ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh và hạnh phúc.
Xem lại bài 1: Những giá trị lý luận thực tiễn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng