Chính môi trường ở Tạp chí Học tập trước kia và nay là Tạp chí Cộng sản đã tôi rèn nên phẩm chất đó, môi trường mà những phát triển mới của lý luận đều được nghiên cứu. Không những thế, vấn đề là vận dụng vào điều kiện nước ta như thế nào phải được nghiên cứu một cách khoa học và thấu đáo.
Cả cuộc đời gắn bó với Tạp chí, từ nghiên cứu viên đến Tổng Biên tập, có thể nói ông là người được “đắm chìm” trong môi trường lý luận và chịu trách nhiệm trước Đảng về mặt lý luận. Không chỉ có vậy, lý luận phải từ yêu cầu của thực tiễn và tiếp theo phải chỉ đạo thực tiễn.
Sau này khi đã là Uỷ viên Bộ Chính trị, ông lại tiếp tục phụ trách về lý luận về công tác khoa giáo của Đảng. Khi là Tổng Bí thư với trọng trách Trưởng Tiểu ban Văn kiện, khi làm việc với Tổ Biên tập, ông nhiều lần nhắc “viết văn kiện phải ở tầm văn kiện, chứ không phải là một báo cáo thông thường”.
Theo ông, “cái gì đã chín, đã rõ thì chúng ta khẳng định trong văn kiện, cái gì chưa chín, chưa rõ thì làm thí điểm chứ không nên vội đưa vào văn kiện, không nên quá cầu toàn”.
Có thể nói, những vấn đề lý luận của cách mạng Việt Nam trong suốt quá trình xây dựng và phát triển đã được Tổng Bí thư nghiên cứu được tập hợp trong tác phẩm "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam".
Bằng lập luận chặt chẽ, phân tích sâu sắc, chắt lọc từ thực tiễn phong phú, Tổng Bí thư đã tổng kết lịch sử phát triển của thế giới đương đại cũng như thực tiễn cách mạng Việt Nam được các thế hệ lãnh đạo của Đảng vạch ra, từ đó khẳng định một cách khoa học về con đường duy nhất đúng cho sự phát triển của đất nước - đó là con đường xã hội chủ nghĩa.
Độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội
Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là đường lối cơ bản, xuyên suốt của Đảng, là nguyên lý thành công của cách mạng Việt Nam và cũng là điểm cốt yếu trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh. Đi lên chủ nghĩa xã hội là yêu cầu khách quan, là con đường tất yếu duy nhất đúng để đạt được tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân Việt Nam.
Đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn khẳng định vai trò nền tảng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đặc biệt nhấn mạnh tính khoa học, tính cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tính dân tộc cũng như quan điểm về vai trò, sứ mệnh của nhân dân trong tư tưởng Hồ Chí Minh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam “điều hết sức quan trọng là phải luôn luôn kiên định và vững vàng trên nền tảng tư tưởng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin - học thuyết khoa học và cách mạng của giai cấp công nhân và quần chúng lao động” .
Nhưng chủ nghĩa Mác - Lê nin phải trên cơ sở sáng tạo. Kiên định trên cơ sở sáng tạo và sáng tạo phải trên cơ sở kiên định. Tính khoa học và cách mạng triệt để của chủ nghĩa Mác - Lênin, và những giá trị bền vững phải tiếp tục thực hiện.
Tuy nhiên chúng ta cần tiếp thu, bổ sung một cách có chọn lọc trên tinh thần phê phán và sáng tạo những thành tựu mới nhất về tư tưởng và khoa học để chủ nghĩa, học thuyết đó luôn luôn tươi mới, luôn luôn được tiếp thêm sinh lực mới, mang hơi thở của thời đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống. Và đó chính là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đây không phải là sự lắp ghép cơ học mà cái cốt lõi là những lý luận phải phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là đường lối cơ bản, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam và cũng là điểm cốt yếu trong di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh” khẳng định kết luận sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc “chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập cho dân tộc, mới có thể đem lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc thực sự cho tất cả mọi người, cho các dân tộc”.
Vì vậy, đi lên chủ nghĩa xã hội vừa phù hợp với quy luật khách quan, vừa phù hợp với khát vọng của nhân dân ta và thực tiễn đất nước ta, vừa phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.
Tuy nhiên, đi lên chủ nghĩa xã hội từ một nước lạc hậu phải thế nào là cả một vấn đề lý luận gai góc. Mỗi quốc gia, dân tộc có những đặc điểm phát triển kinh tế - văn hoá riêng. Đảng ta khẳng định: Nước ta nhất thiết phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, nhưng bỏ qua cái gì mới là điều cốt yếu.
Chúng ta chỉ “bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa tức bỏ qua chế độ áp bức, bất công, bóc lột tư bản chủ nghĩa; bỏ qua những thói hư tật xấu, những thiết chế, thể chế chính trị không phù hợp với chế độ xã hội chủ nghĩa, chứ không phải bỏ qua cả những thành tựu, giá trị văn minh mà nhân loại đã đạt được trong thời kỳ phát triển chủ nghĩa tư bản. Bởi suy cho cùng, chủ nghĩa tư bản cũng chỉ là một nấc thang mà trong đó có cả những văn minh của nhân loại trước đó tạo ra.
Nhấn mạnh tính cách mạng khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
Tổng Bí thư luôn nhấn mạnh việc phát triển lý luận dựa trên cơ sở thực tiễn, vừa bảo đảm tính kiên định với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vừa sáng tạo, phù hợp với tình hình mới.
Trước sự khủng hoảng và sau đó là sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và các nước Đông Âu, ngay từ năm 1986, Việt Nam đã chủ động tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, hoàn thiện dần từng bước mô hình mới về chủ nghĩa xã hội với những mục tiêu và phương tiện xác định để từng bước đạt tới mục tiêu đó.
Dựa trên cơ sở nghiên cứu lý luận khoa học, trước hết là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, kết hợp với tổng kết thực tiễn đổi mới của Việt Nam và khái quát lý luận mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra những phác họa về mô hình chủ nghĩa xã hội của Việt Nam.
Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” nhân kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2021), trả lời cho câu hỏi “Chủ nghĩa xã hội là gì?”, Tổng Bí thư viết: “Cho đến nay, mặc dù vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục đi sâu nghiên cứu, nhưng chúng ta đã hình thành nhận thức tổng quát: Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ, có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiên tiến, phù hợp, có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”.
Đối với vấn đề kinh tế, Đảng ta xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “một kiểu kinh tế thị trường vừa tuân theo những quy luật của kinh tế thị trường, vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội, thể hiện trên cả ba mặt: Sở hữu, tổ chức quản lý và phân phối”.
Thật ra, các thế lực thù địch xuyên tạc cho rằng đây là một kiểu lắp ghép không tương thích, lệch lạc kìm hãm sự phát triển, nhưng như Tổng Bí thư nói phải trên cả 3 mặt: Sở hữu, tổ chức quản lý và phân phối. Chúng ta vẫn tuân thủ đầy đủ quy luật của kinh tế thị trường, nhà nước chỉ phân phối “lợi nhuận” theo định hướng, nhà nước không tham gia vào khâu tổ chức sản xuất và sở hữu của nhà đầu tư. Hiện chúng ta có nhiều thành phần kinh tế, việc tôn trọng các thành phần kinh tế đã được nhà nước thừa nhận trong luật.
Di sản mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại trong việc hoàn thiện và củng cố nền tảng lý luận của Đảng là vô cùng quan trọng, góp phần làm rõ lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, tạo sự thống nhất tư tưởng trong toàn Đảng và toàn xã hội, "trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt", phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc"
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nhấn mạnh và quan tâm đến việc tổng kết thực tiễn, đánh giá đầy đủ, chính xác thực tiễn, giải đáp kịp thời những vấn đề lý luận do thực tiễn đặt ra, từ đó xây dựng một nền tảng lý luận phù hợp với thực tiễn cách mạng.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Viết Thông, nguyên Tổng thư ký Hội đồng lý luận Trung ương: Là trưởng tiểu ban văn kiện trình Đại hội XII, Tổng Bí thư có nhiều chỉ đạo sâu sắc, có nhiều điểm mới so với các văn kiện trước đó. Dẫn chứng về kinh tế, nếu Đại hội XI lần đầu tiên khẳng định phải đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, thì đến Đại hội XII đã nhấn mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế như thế nào.
"Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nhiều ý tưởng mới trong lý luận và một trong những thành tựu lý luận của Đảng ta là đưa ra khái niệm nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Tương tự, Nhà nước pháp quyền XHCN cũng mang dấu ấn của Tổng Bí thư", ông Thông nói.
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chúng ta cần xây dựng một xã hội tốt đẹp, trong đó: i/ sự phát triển thực sự vì con người; ii/ sự phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội; iii/ một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn; iv/ sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai; v/ một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân. Đó chính là những giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội.
Lý luận phải gắn với thực tiễn và từ thực tiễn soi sáng lý luận, đó là yêu cầu không chỉ khi ông là Tổng Biên tập một Tạp chí lý luận lớn nhất của Đảng mà khi làm TBT ông luôn chỉ đạo phải Tổng kết thực tiễn, từ thực tiễn mới khái quát thành lý luận. Trăn trở từ thực tiễn để áp dụng cho phù hợp đó là phong cách lý luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.