Văn Miếu - Quốc Tử Giám là khu di tích lịch sử văn hóa đặc biệt quan trọng, nằm giữa Thủ đô Hà Nội, là biểu tượng muôn đời của văn hiến và trí tuệ Việt. Với bề dày gần 1000 năm, trường đại học đầu tiên này đã đào tạo hàng ngàn các bậc đại khoa, hiền tài cho đất nước. Với vai trò là một trung tâm giáo dục lớn nhất của nước ta thời xưa, nơi đây đã hun đúc nên bao truyền thống văn hóa, giáo dục quý báu, trong đó có truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo.
82 bia tiến sỹ tương ứng với 82 khoa thi từ năm 1484 đến 1780, ghi tên các vị đỗ đại khoa tại các khoa thi. Đây là những bản tư liệu gốc duy nhất hiện còn ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám, được coi là một trong những di sản văn hóa vô giá của cha ông để lại.
Chúng ta có thể tìm thấy tên tuổi của nhiều danh nhân từng được nhắc đến trong các sách sử Việt Nam như: Nhà sử học Ngô Sĩ Liên - Tiến sĩ năm 1442 đã soạn bộ sách Đại Việt sử ký toàn thư; nhà bác học Lê Quý Đôn - tác giả của Đại Việt thông sử, Kiến văn tiểu lục, Vân đài loại ngữ…; nhà chính trị, ngoại giao lỗi lạc Ngô Thì Nhậm đỗ Tiến sĩ khoa 1775, đã giúp vua Quang Trung chiến thắng quân Thanh trong trận Ngọc Hồi - Đống Đa lịch sử… Điều đặc biệt, qua các tấm bia đá này, chúng ta không chỉ biết đến thân thế sự nghiệp của các sử thần Việt Nam mà chúng ta còn được hiểu hơn về mối quan hệ bang giao giữa các nước vùng Đông Nam Á.
Trong số 1.304 tiến sĩ được khắc tên trên 82 bia đá, Hà Nội có 225 vị từng được cử đi sứ sang Trung Quốc vào các triều Minh (1368-1644), triều Thanh (1644-1911). Lê Quý Đôn (1726-1784) đỗ tiến sĩ năm 1752, đã để lại nhiều ấn tượng khi đi sứ sang Trung Quốc. Ông đã tiếp xúc, giao lưu, trao đổi về văn chương, học thuật với các học giả, nhà thơ Trung Quốc và Triều Tiên. Tri thức và tài văn chương của Lê Quý Đôn được các sứ thần Triều Tiên và Trung Quốc ca ngợi.
Giá trị và nét độc đáo của 82 bia Tiến sĩ chính là những bài văn khắc trên bia. Những bài ký trên bia Tiến sĩ được viết bằng chữ Hán với những cách viết khác nhau, khiến cho mỗi tấm bia như một tác phẩm thư pháp. Những bài văn bia này phần lớn đều do những danh nhân văn hóa, trí thức lớn của đất nước soạn, nên về cơ bản là những tác phẩm vô giá, góp phần làm nên truyền thống văn hóa, giáo dục của Việt Nam.
Bia Tiến sĩ Văn Miếu có bài ký ghi lịch sử các khoa thi và triết lý của triều đại về nền giáo dục và đào tạo, sử dụng nhân tài, coi “nhân tài là nguyên khí quốc gia”, là nguồn gốc sự hưng thịnh của đất nước. Điều này đã được thể hiện rõ ngay ở tấm bia đầu tiên (khoa 1442): “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí vững thì thế nước mạnh và thịnh, nguyên khí kém thì thế nước yếu và suy, cho nên các đấng thánh đế minh vương không ai không chăm lo xây dựng nhân tài”. Tấm bia năm 1448 lại nhắc “Nhân tài đối với quốc gia quan hệ rất lớn” và “Phải có đào tạo sau mới có nhân tài”. Nhiều tấm bia sau cũng nhắc đi nhắc lại ý “nhân tài là nguyên khí quốc gia”.
Các vị vua nhà Lê, nhà Mạc đã dựa vào Nho giáo, sử dụng tri thức Nho giáo để đào tạo và tuyển chọn nhân tài. Tiêu chuẩn “Hiền”, “Tài” để tuyển chọn cũng theo quan niệm của Nho giáo. Nhà nước lấy thi cử làm cách thức chủ yếu để tuyển chọn nhân tài. Năm 1484, vua Thái Tông nhà Lê xuống chiếu: “Muốn có nhân tài trước hết phải chọn người có học, phép chọn người có học thì thi cử làm đầu”. Năm 1499, vua Lê Hiến Tông cũng có sắc dụ rằng: “Nhân tài là nguyên khí của Nhà nước, nguyên khí mạnh thì trị đạo mới thịnh, khoa mục là đường thẳng của quan trường, đường thẳng mở thì chân nho mới có”... Bia các năm 1556, 1604, 1703, 1763, 1772 nhấn thêm ý “phải vun trồng, bồi dưỡng nhân tài”. Những điều trên đây cho thấy rằng, chủ trương phát triển giáo dục, trọng dụng nhân tài, đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước là một chủ trương được coi trọng hàng đầu, cực kỳ quan trọng đối với bất kỳ thời đại nào trong quá trình xây dựng và phát triển quốc gia cường thịnh.
Hệ thống 82 bia tiến sỹ còn là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, phản ánh nghệ thuật điêu khắc của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam. Mỗi bài ký trên bia là một áng văn chương mẫu mực, thể hiện tư tưởng triết học, sử học, những quan điểm về giáo dục, đào tạo và trọng dụng nhân tài.
Tháng 3/2010, 82 bia tiến sỹ tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Tháng 7/2011, 82 bia tiến sỹ lại được công nhận là Di sản tư liệu thế giới trên phạm vi toàn cầu. Tháng 5/2012, toàn bộ di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám được Chính phủ công nhận là di tích quốc gia đặc biệt.
Đến tháng 1/2015, 82 bia tiến sỹ tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám lại một lần nữa được Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia.