Tại Việt Nam đã có các di sản tư liệu thế giới được công nhận như: Bia Tiến sĩ tại Văn Miếu, Châu bản triều Nguyễn, Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế và Mộc bản triều nguyễn... Đây là những di sản tư liệu này ghi chép những thông tin đặc biệt quý giá từ quá khứ.
Mộc bản triều Nguyễn là công trình mang tính bách khoa, vô giá, độc nhất và mang đậm dấu ấn thời cuộc. Dưới triều Nguyễn, do nhu cầu phổ biến rộng rãi các chuẩn mực, các điều luật của xã hội, triều đình đã cho khắc nhiều bộ sách sử và các tác phẩm văn chương để ban cấp cho các nơi. Mộc bản từ đó được ra đời. Đây là những tài liệu gốc độc bản, là những tấm gỗ khắc chữ Hán hoặc chữ Nôm ngược để in ra thành sách được dùng phổ biến ở Việt Nam trong thời kỳ phong kiến. Tất cả các bản thảo nói trên đều được đích danh hoàng đế ngự lãm, phê duyệt bằng bút tích trước khi giao cho những người thợ tài hoa nhất trong cung đình khắc lên gỗ quý.
Loại gỗ phổ biến nhất dùng làm ván khắc là gỗ thị. Loại gỗ này có ưu điểm là chất liệu gỗ rất dai, mềm và mịn, khó bị nứt nẻ nên chữ khắc trên đó sẽ không bị lệch. Còn theo sách Đại Nam nhất thống chí, mộc bản còn được chế tác từ "cây nha đồng, tục danh là sống mật, sớ gỗ trắng, sáng ngời như ngà voi". Thợ khắc mộc bản được lựa chọn từ các địa phương trong cả nước có nghề chạm khắc gỗ nổi tiếng, kỹ thuật khắc hoàn toàn là thủ công.
Trong hồ sơ di sản, Mộc bản triều Nguyễn đánh giá như sau: 34.555 tấm mộc bản, “chế bản” của 152 đầu sách với nhiều chủ đề khác nhau như lịch sử, địa lý, chính trị-xã hội, quân sự, pháp chế, giáo dục, văn thơ... Tài liệu mộc bản có nhiều tác phẩm quý hiếm như "Đại Nam thực lục", "Đại Nam nhất thống chí", "Khâm định Việt sử thông giám cương mục", "Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ"..., ngoài ra còn có các tác phẩm "Ngự chế văn", "Ngự chế thi" do các vị hoàng đế nổi tiếng như Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức sáng tác.
Kho tàng mộc bản triều Nguyễn có nội dung đa dạng, phản ánh mọi mặt xã hội Việt Nam dưới thời Nguyễn. Về lịch sử: có 30 bộ sách, gồm 836 quyển; ghi chép về lịch sử Việt Nam từ thời Hùng Vương dựng nước cho đến triều Nguyễn. Về địa lý: có 2 bộ sách, gồm 20 quyển; ghi chép về địa lý đã thống nhất ở Việt Nam và ghi chép về Hoàng thành Huế. Về chính trị - xã hội: có 5 bộ sách, gồm 16 quyển; ghi chép về sách lược của các triều đại phong kiến Việt Nam. Về quân sự: có 5 bộ sách, gồm 151 quyển. Về pháp chế: có 12 bộ sách gồm 500 quyển; ghi chép về các điển chế và pháp luật triều Nguyễn. Về tư tưởng, triết học, tôn giáo: có 13 bộ sách, gồm 22 quyển; ghi chép về phương pháp tiếp cận kinh điển Nho gia. Về văn thơ: có 39 bộ, gồm 265 quyển; ghi chép thơ văn của các bậc đế vương và Nho gia nổi tiếng Việt Nam. Về ngôn ngữ văn tự: có 14 bộ sách, gồm 50 quyển; giải nghĩa Luận ngữ bằng thơ Nôm.
Hiện nay, toàn bộ khối tài liệu đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước tại số 2, Yết Kiêu, phường 5, thành phố Đà Lạt,tỉnh Lâm Đồng.
Với những giá trị đặc sắc về văn bản, nghệ thuật của mộc bản triều Nguyễn, ngày 31/7/2009, cùng với 34 tư liệu khác, Mộc bản triều Nguyễn là tư liệu đầu tiên của Việt Nam được công nhận là Di sản tư liệu thế giới thuộc Chương trình ký ức Thế giới của UNESCO.