Có thể thấy, giá trị gia đình Việt gắn liền với đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội qua hàng ngàn năm lịch sử, và hiện nay, gắn liền với sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Gia đình không chỉ là cái nôi sinh thành, nuôi dưỡng, giáo dục các thế hệ trẻ, mà còn là một chủ thể trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ XHCN.

Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị nhân văn được giữ gìn và phát huy, thì gia đình Việt cũng đang đối mặt với những vấn đề biến đổi giá trị.

giadinh.png

Từ những vấn đề đặt ra về biến đổi gia đình trong quá trình phát triển, GS, TS. Hoàng Bá Thịnh, Đại học Quốc gia Hà Nội đã gợi ý một số giải pháp chính sách phát triển gia đình Việt Nam trong xu thế mới như sau:

Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác gia đình: Các cấp ủy đảng, chính quyền, công đoàn và các đoàn thể xã hội cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác gia đình. Cần lồng ghép công tác gia đình vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và kế hoạch 5 năm của các bộ, ban, ngành, địa phương, từ trung ương đến cơ sở.

Tiếp tục củng cố và ổn định các cơ quan: Tổng cục Dân số (Bộ Y tế), Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch); Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) và các cơ quan thuộc lĩnh vực này ở các cấp, đặc biệt là ở cấp huyện và cấp cơ sở; đẩy mạnh việc đào tạo cán bộ để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước và phối hợp liên ngành về công tác gia đình.

Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về gia đình: Cần rà soát lại hệ thống pháp luật, chính sách liên quan đến gia đình; sửa đổi, điều chỉnh và hoàn thiện cho phù hợp với quá trình phát triển của xã hội và sự biến đổi gia đình. Xây dựng, phát triển hệ thống dịch vụ xã hội liên quan đến gia đình, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của các loại hình gia đình hiện nay.

Mở rộng và nâng cao hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; bảo đảm cho các gia đình có cơ hội tiếp cận sự bảo trợ của Nhà nước, ổn định cuộc sống, chăm lo giáo dục con cái và chăm sóc người cao tuổi.

Đa dạng quan điểm về gia đình: Bên cạnh quan niệm về gia đình theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 “Gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa họ với nhau theo quy định của Luật này” (khoản 2, Điều 3), cần có những quan niệm đa dạng về gia đình cho phù hợp với thực tiễn sinh động với nhiều dạng thức mới hiện nay (gia đình độc thân, gia đình đồng tính, làm mẹ đơn thân, sống chung không kết hôn...).

Những dạng thức mới này có được xem là gia đình hay không có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ với những nhà hoạch định chính sách, với chính gia đình, mà cả với nhà quản lý, lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu gia đình. Các chính sách về gia đình không chỉ giới hạn theo luật pháp, mà cũng cần có chính sách xã hội phù hợp với các dạng thức mới.

Xây dựng gia đình phải luôn gắn với sự nghiệp giải phóng phụ nữ: Bạo lực gia đình, mất cân bằng giới tính khi sinh là những biểu hiện của bất bình đẳng giới vẫn đang hiện diện. Do vậy, xây dựng gia đình và công tác gia đình cần phải gắn liền với sự nghiệp giải phóng phụ nữ, với tiến trình bình đẳng giới.

Để làm được điều này, không nên xem gia đình là lĩnh vực riêng của ngành nào, mà cần có quan điểm coi những vấn đề của gia đình là vấn đề của cộng đồng, xã hội. Các chính sách xã hội, các phong trào xã hội không nên tạo ra gánh nặng, vai trò kép đối với người phụ nữ, người vợ, người mẹ trong gia đình.

Cần đặc biệt quan tâm xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình, đặc biệt là tư tưởng coi thường phụ nữ. Hạn chế và tiến tới chấm dứt nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Nam giới, cộng đồng, gia đình và xã hội tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ làm tốt vai trò của họ và có cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp.

Đa dạng hóa các loại hình tuyên truyền và nâng cao chất lượng truyền thông, giáo dục gia đình: Trong bối cảnh phát triển của công nghệ thông tin, với sự đa dạng của các phương tiện truyền thông, cần kết hợp các loại hình truyền thông để tuyên truyền, giáo dục hiệu quả.

Cần chú ý sử dụng loại hình truyền thông, phương tiện truyền thông và nội dung truyền thông phù hợp với gia đình ở từng vùng, miền, dân tộc khác nhau. Nội dung giáo dục gia đình cần cung cấp các kiến thức, kỹ năng sống, như kỹ năng làm cha mẹ, kỹ năng ứng xử giữa các thành viên trong gia đình và với cộng đồng... Giáo dục và vận động các gia đình tự nguyện, tự giác, tích cực thực hiện nếp sống văn minh, không trọng nam khinh nữ, không lựa chọn giới tính khi sinh.

Vận động các gia đình tích cực tham gia xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước, Quy chế Dân chủ ở cơ sở; phát triển các hình thức tổ hòa giải, các câu lạc bộ gia đình tại cộng đồng; giữ gìn và phát huy văn hóa gia đình và truyền thống tốt đẹp của dòng họ; xây dựng tình làng nghĩa xóm, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, nhắc nhở, động viên nhau thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Trong giáo dục, phải kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam gắn với xây dựng những giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển. Chú ý đến đặc thù văn hóa gia đình các dân tộc thiểu số trong tuyên truyền, giáo dục.

Tăng cường công tác nghiên cứu, điều tra, khảo sát toàn diện về gia đình: xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến gia đình, triển khai những nghiên cứu khoa học về gia đình một cách hệ thống để có cơ sở đề xuất chính sách xã hội về gia đình.

Nghiên cứu xây dựng các mô hình gia đình Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; áp dụng các kết quả nghiên cứu để giải quyết những thách thức trong lĩnh vực gia đình và dự báo những biến đổi về gia đình trong thời kỳ mới.

Cần xây dựng một trung tâm dữ liệu quốc gia về gia đình, phục vụ quản lý nhà nước về gia đình, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, giảng dạy về gia đình Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Ngô Huyền và nhóm PV, BTV