Trên cương vị người đứng đầu Đảng và Nhà nước, ông đã chọn gặp các doanh nghiệp nhỏ và vừa thay vì các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp FDI hay các tập đoàn tư nhân lớn.
Hơn hết, trong lịch sử chưa từng có một cuộc gặp như vậy của một Tổng Bí thư với đại diện của khu vực doanh nghiệp tư nhân.
Khu vực kinh tế này đã trở thành trụ cột lớn nhất của nền kinh tế qua các con số: chiếm tỷ trọng 50% GDP, 35% tổng thu ngân sách và tạo việc làm cho 50% tổng số lao động ở nước ta, vượt lên trên các tỷ lệ tương ứng của cả khu vực doanh nghiệp nhà nước lẫn doanh nghiệp FDI.
Tại cuộc gặp, ông nhắc lại tinh thần của các Nghị quyết là doanh nghiệp là động lực phát triển của nền kinh tế và nhấn mạnh: Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt và tạo những điều kiện tốt nhất cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hoạt động và phát triển. Ông chia sẻ về tình trạng có không ít doanh nghiệp vẫn đang căng mình với những khó khăn trong điều kiện cạnh tranh gay gắt và thúc giục đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục vươn lên mạnh mẽ.
Bản thân cuộc gặp và sự động viên qua lời nói của người đứng đầu Đảng và Nhà nước đang được hy vọng sẽ mang lại làn gió mới đối với khu vực doanh nghiệp vốn đang trải qua giai đoạn trầm luân nhất vì rất nhiều biến cố, cả trong lẫn ngoài nước, như đã đề cập trong hai bài viết trước (Điểm "trung tâm" trong bài viết đầu tiên của Tổng Bí thư Tô Lâm và Nhận thức về kỷ nguyên mới của dân tộc).
Trong nỗ lực hưởng ứng tinh thần đó, chúng tôi đặt câu hỏi với nhiều chuyên gia kinh tế, các nhà hoạch định chính sách: Đâu là điểm chốt chính để tạo đột phá, giải phóng nguồn lực của xã hội nhằm thoát khỏi tình thế hiện nay?
Câu trả lời chung là, bây giờ cần khơi dậy tinh thần khát khao tự do kinh doanh ở khu vực tư, khát khao làm việc ở khu vực công mà xã hội đã từng có trước đây, tạo ra động lực phát triển nhanh chóng.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung nhìn nhận: “Một thời xã hội từng có tinh thần cháy bỏng về kinh doanh nhưng giờ thì khác. Hệ thống Nhà nước trì trệ vì phải tập trung kiểm điểm, thanh tra, kiểm tra; không ai dám làm gì cả”.
Ông khẳng định, vai trò nhà nước vẫn đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, vì vậy cần nhanh chóng tháo gỡ tình trạng trì trệ của khu vực Nhà nước.
Ông Cung khẳng định thêm, khu vực tư cũng đang rất trì trệ, niềm tin kinh doanh đang rất thấp. Điều này thể hiện rõ trong Báo cáo của VCCI, theo đó mức độ lạc quan của doanh nghiệp ở mức thấp nhất so với những năm trước. Cụ thể, chỉ 27% doanh nghiệp sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh trong năm 2024 và 2025, giảm đáng kể từ con số 35% của năm 2022. Con số 27% này cũng thấp hơn cả mức đáy trước đây là năm 2012-2013 khi nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với tác động kép của khủng hoảng tài chính toàn cầu cùng với những bất ổn kinh tế vĩ mô trong nước.
Ông Cung nói: “Lãnh đạo là người có tài hùng biện, liên tục có những bài phát biểu khích lệ tinh thần kinh doanh, từ đó tạo sự thay đổi. Bên cạnh đó, bỏ bớt thanh tra, kiểm tra và có một số chỉ đạo như bỏ cấm xuất cảnh doanh nhân nợ thuế, tháo gỡ một vài vụ án không đáng liên quan đến doanh nhân”.
“Những hành động nhỏ như vậy nhưng có tác động rất lớn về mặt tâm lý xã hội”, ông nói thêm.
Cấm doanh nhân nợ thuế xuất cảnh được quy định tại khoản 1 Điều 21, Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết về một số điều của Luật Quản lý thuế. Nhiều địa phương đã công bố danh sách dài các doanh nhân nợ thuế xuất cảnh và danh sách này có thể tới đây sẽ dài thêm trong bối cảnh tình trạng nợ thuế ngày càng trầm trọng hơn khi doanh nghiệp khó khăn hơn. Bộ Tài chính cho biết, số nợ thuế là gần 164 nghìn tỷ đồng, đến cuối năm 2023.
Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên nhận định: “Chế tài cấm doanh nhân xuất cảnh vì nợ thuế là nghiêm khắc quá mức và gây tổn hại, đổ vỡ cho nền kinh tế nhiều hơn là lợi ích mà nó mang lại.
Các doanh nhân bị công khai về danh tính cấm xuất cảnh thì còn đối tác nào dám chơi và làm ăn với họ nữa. Không được xuất cảnh thì họ làm sao tìm thêm đối tác, đơn hàng mới để phục hồi sản xuất, mở rộng thị trường, có doanh thu để trả nợ thuế, đóng thuế! Như vậy là họ bị tước mất cơ hội để phục hồi sản xuất, kinh doanh”.
“Tôi cho rằng quy định này lợi bất cập hại, nhất là khi nền kinh tế đang trong giai đoạn cực kỳ khó khăn”, ông Thiên nói.
“Chuyện hình sự hóa các quan hệ dân sự cũng đáng bàn. Bắt một doanh nhân đi tù thì doanh nghiệp của họ phá sản, cả hệ sinh thái bị tác động, người lao động mất việc làm. Vì vậy, chính sách cần thiết kế theo hướng phạt thật nặng để họ không dám làm, không thể làm.
Ví dụ, khi soạn thảo Luật Chứng khoán, các chuyên gia đã kiến nghị tội thao túng chứng khoán cần phạt gấp cả 1000 lần số tiền hưởng lợi. Tuy nhiên, kiến nghị này không được tiếp thu và Luật quy định số tiền phạt chỉ là 500 triệu đồng. Thao túng chứng khoán giả sử được lợi tới mức 100 tỷ đồng thì mức phạt 500 triệu đồng chả thấm tháp gì cả.
Những sai phạm về kinh tế cần được xử lý bằng các biện pháp kinh tế để thu hồi các khoản tiền bị chiếm đoạt phi pháp. Các chế tài cần phải được quy định nặng hơn nhiều số tiền, của bị chiếm đoạt để ngăn chặn việc tái diễn trong tương lai và làm bài học cảnh tỉnh. Chế tài kinh tế thật nặng sẽ làm người có ý định “lừa đảo”, dù thông qua hợp đồng, sẽ không dám “lừa đảo” nữa”.
Tất nhiên, để “không hình sự hóa quan hệ kinh tế dân sự” còn cần thêm nhiều yếu tố khác như cải cách nâng cao hiệu quả, hiệu lực và niềm tin của giải quyết tranh chấp hợp đồng và thủ tục phá sản doanh nghiệp; thành lập toà án kinh tế cấp liên huyện, vùng không gắn và phụ thuộc cấp hành chính; thiết lập thể chế phù hợp, nhất là trong Bộ Luật Hình sự, đồng thời nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả của bộ máy và hoạt động thi hành án.