Năm 2022, tăng trưởng GDP đạt 8,02%, sang năm 2023 giảm xuống còn 5,02% và 6 tháng đầu năm 2024 đạt 6,44%.
Với mức tăng trưởng khá như trên trong nửa đầu năm 2024, Chính phủ dự tính tăng trưởng năm nay có thể đạt được từ 6,5-7%, cao hơn mục tiêu đề ra là 6-6,5%.
Sự phục hồi kinh tế năm 2022-2023 chủ yếu nhờ khu vực dịch vụ luôn duy trì mức tăng trưởng cao (tăng 10% năm 2022, 6,82% năm 2023 và 6,64% trong sáu tháng đầu năm 2024).
Bên cạnh đó, khu vực công nghiệp và xây dựng có xu hướng phục hồi mạnh từ quý III/2023 đến nay. Tăng trưởng giá trị gia tăng sản xuất công nghiệp đạt 6,86% quý IV/2023 và 7,7% trong 6 tháng đầu năm 2024, tức là cao hơn tăng trưởng GDP cùng kỳ.
Như vậy, xét về động lực tăng trưởng, kinh tế Việt Nam duy trì được kết quả tăng trưởng như hiện nay trước hết nhờ khu vực dịch vụ (với vai trò đang giảm dần) và khu vực công nghiệp trong 3 quý gần đây.
Bên cạnh đó, cần nhắc đến vai trò của khu vực nông lâm ngư nghiệp. Trong 6 năm (2014-2019) tăng trưởng trung bình/năm của khu vực này là 2,67%; trong đại dịch (2021-2022) là 2,98% và từ năm 2023 - tháng 6/2024 là 3,38%. So với trước đây, hiện nay khu vực nông lâm nghiệp và thuỷ sản cũng đã đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Những điểm lạ trong bức tranh kinh tế
Tuy vậy, có một số điểm lạ của các chỉ số kinh tế trung gian trong mối quan hệ trực tiếp với tăng trưởng GDP.
Trước hết, về mối quan hệ giữa tăng giá trị sản xuất công nghiệp (IIP) và tăng giá trị gia tăng (VA) công nghiêp. Diễn biến thực tế về mối quan hệ giữa tăng trưởng IIP và VA cho thấy, tăng trưởng IIP luôn cao hơn tăng trưởng VA công nghiệp.
Trong giai đoạn 2016-2019, tăng trưởng trung bình/năm của IIP và của VA tương ứng là 9,05% và 8,14%; trong hai năm Covid-19 (2020-2021) tương ứng là 4,1% và 3,92%; năm 2022 là 7,8% và 7,69%.
Tuy nhiên, bước sang năm 2023 tăng trưởng IIP chỉ bằng ½ so với tăng VA (1,5% và 3,02%); trong quý I/2024 tăng trưởng IIP tiếp tục thấp hơn so với tăng VA (tương ứng là 5,9% và 6,47%); quý II/2024 mối quan hệ này quay trở lại trạng thái “bình thường” với tốc độ tăng IIP và VA công nghiệp tương ứng là 9,5% và 8,55%.
Thứ hai, về quan hệ tăng trưởng của khu vực dịch vụ, thông thường tăng trưởng VA của khu vực dịch vụ tính theo giá so sánh năm 2010 thấp hơn mức tăng doanh thu khu vực dịch vụ đã loại trừ yếu tố giá và thấp hơn tốc độ tăng doanh thu dịch vụ theo giá hiện hành.
Năm 2020, tốc độ tăng tương ứng của khu vực dịch vụ là 2,34%; -1,2% và 2,6%; tương tự năm 2021 là 1,22%; -6,2% và -3,8%. Như vậy, trong thời kỳ đại dịch, tốc độ tăng VA khu vực dịch vụ theo giá 2010 cao hơn tốc độ tăng doanh thu dịch vụ theo giá hiện hành và doanh thu dịch vụ đã loại trừ yếu tố giá.
Sang năm 2022-2023, diễn biến mối quan hệ về tốc độ tăng khu vực dịch vụ trở lại bình thường. Năm 2022, VA khu vực dịch vụ theo giá so sánh tăng 10%; doanh thu dịch vụ theo giá hiện hành tăng 19,6% và đã loại trừ yếu tố giá tăng 15,6%. Trong năm 2023, tốc độ tăng của khu vực dịch vụ tương ứng là 6,82%; 9,6% và 7,1%.
Tuy vậy, sáu tháng đầu năm 2024 mối quan hệ này lại trở về “bất thường”. Quý I/2024 VA dịch vụ tăng 6,2%, cao hơn mức tăng doanh thu dịch vụ đã loại trừ yếu tố giá là 5,1%. Trong sáu tháng đầu năm, VA khu vực dịch vụ là 6,64%, cao hơn tăng doanh thu dịch vụ đã loại trừ yếu tố giá là 5,7%.
Như vậy, sau khi VA công nghiệp tăng cao bất thường (khi IIP công nghiệp tăng thấp trong năm 2023 và quý I/2024), thì đến VA khu vực dịch vụ cũng tăng cao bất thường.
Ngoài ra, như trên trình bày, tăng trưởng khu vực nông lâm nghiệp và thuỷ sản trong thời gian gần đây cũng cao hơn đáng kể so với trước đây. Những biến động bất thường nói trên xảy ra trong thời kỳ kinh tế gặp khó khăn, tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu đã định.
Bài 2: Những nghịch lý trong bức tranh kinh tế