3 cách tra cứu điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023
Phổ điểm ổn định
Sau khi Bộ GD-ĐT công bố phổ điểm, GS Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội), nhìn nhận phổ điểm năm nay về cơ bản giữ được ổn định như năm ngoái. Điều này không gây nên sự xáo trộn lớn đối với các thí sinh và phụ huynh cũng như công tác xét tuyển vào đại học.
Phân tích cụ thể từng môn, GS Đức cho rằng có thể thấy một số điểm nhấn trong năm nay. Với môn Toán, nếu như năm ngoái có 21% thí sinh từ điểm giỏi (từ 8 trở lên) năm nay tỉ lệ này đã có sự điều chỉnh, phân hóa tốt hơn khi chỉ hơn 15%.
Môn Vật lý, năm ngoái, tỉ lệ thí sinh đạt điểm 8 trở lên là 22,74 %, năm nay giảm còn 21,3%. Môn Hóa học, tỉ lệ điểm giỏi của năm ngoái là 27,8%, năm nay chỉ 22,6%.
Đối với môn Lịch sử, năm ngoái, tỉ lệ điểm giỏi là 18%, năm nay chỉ còn 13% cho thấy sự cải thiện bởi bởi năm 2021 chỉ đạt 5,43 %. Riêng môn Ngữ văn, nếu tính từ điểm 7 trở lên, năm ngoái chiếm 42% năm nay tỉ lệ này chiếm 46%.
Đối với môn Tiếng Anh, năm 2021 tỉ lệ điểm giỏi chiếm gần 20%, năm 2022 tỉ lệ điểm giỏi là 11,9% năm nay là 15,03%, cho thấy đề thi đã sự điều chỉnh rất phù hợp và về cơ bản giữ được sự ổn định.
Môn Giáo dục Công dân, năm ngoái số điểm giỏi chiếm 61,85 %, năm nay chiếm 61%. Đây cũng là môn có nhiều điểm 10 hơn năm ngoái nhưng thực tế thí sinh đạt điểm 8 trở lên lại giảm và cơ bản ổn định ở mức 61%.
TS Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD-ĐT), cũng cho rằng điểm một số môn có sự cải thiện tốt hơn 2 năm gần đây. Ví dụ như phổ điểm của môn Lịch sử, về hình dáng đẹp hơn so với hai năm trước. Các môn Toán, Vật lý, Hóa học tính ổn định khá cao.
Môn Giáo dục công dân có nhiều điểm khá giỏi là điều đáng mừng. Ông Ngọc đề xuất đối với phổ điểm môn tiếng Anh, Bộ GD-ĐT nên phân tích đến từng vùng, từng trường học để xem như thế nào. Trên cơ sở đó mới có một kết luận và các đề xuất chính xác về dạy và học ngoại ngữ.
Các trường đại học có thể yên tâm xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp
Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, GS Nguyễn Văn Minh, cho rằng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT cho một tín hiệu rất tích cực. Điều đó khẳng định được việc ổn định của kỳ thi, đồng thời có sự phân hóa là cơ sở cần thiết mặt khác đây là kỳ thi tốt nghiệp nên đòi hỏi một mặt bằng chung.
Đơn cử như môn Lịch sử, đã có những cải tiến về theo cách dạy, cách học, kiểm tra, đánh giá nên tín hiệu rất đáng mừng. Với môn Giáo dục công dân nhiều người cho rằng môn này điểm cao quá nhưng theo ông Minh đây là một tín hiệu đáng mừng, thể hiện mức độ dân trí của các học sinh đang tăng lên và là nền tảng rất cần thiết để cùng nhìn nhận những môn cần cải tiến.
Cụ thể như môn tiếng Anh, kết quả thi sẽ đặt ra yêu cầu cần cải thiện về cách dạy, cách học, kiểm tra, đánh giá cũng như đầu tư về ngoại ngữ cho các vùng miền khác nhau, tức là tác động để chúng ta điều chỉnh về mặt chính sách. Đó là một trong những đơn cử để thấy rằng kỳ thi tốt nghiệp THPT đạt được kết quả và có nhiều tín hiệu tích cực, tiến bộ so với trước đây.
Theo Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, đây là kỳ thi tốt nghiệp nên ở mức độ em nào đạt được là có thể tốt nghiệp chứ không phải là một cuộc thi để chọn lọc. Qua đây cho thấy, sự điều chỉnh của đề thi không phải do các yêu cầu này, yêu cầu kia mà do yêu cầu để các em có một trình độ nhất định để trở thành công dân ra ngoài xã hội, đây là mục đích tối thượng.
Tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, ông Minh cho hay, hơn 70% chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT.
GS Trần Đình Đức cũng nhìn nhận những tín hiệu về kết quả kỳ thi THPT năm nay cho thấy đề thi đã có sự điều chỉnh, có sự phân hóa rõ rệt, đặc biệt là những môn thi thuộc lĩnh vực STEM; sự phân hóa, sự điều chỉnh của năm nay tốt hơn so với năm ngoái.
Theo chủ trương của Bộ GDĐT, kỳ thi sẽ giữ mức ổn định đến năm 2025, do đó, các trường đại học vẫn sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 như một kênh để tuyển sinh. Về điều này các trường đại học có thể yên tâm.
Điểm chuẩn đại học sẽ giảm 1-2 điểm
Theo ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Công thương TP.HCM, so sánh với năm 2022 điểm các trung bình của các môn năm nay thấp hơn khoảng 0,4 điểm, trừ môn Tiếng Anh và Ngữ văn cao hơn năm ngoái 0,3 điểm. Điều này đúng với dự đoán ban đầu là điểm thi năm nay sẽ ít có điểm 10 ở các môn học như Toán, Vật lý, Hóa học, Tiếng Anh và đề thi có tính phân hóa cao hơn năm ngoái.
So sánh với năm ngoái, ông Sơn cho hay khối chủ đạo xét tuyển đại học số thí sinh đạt 29 - 30 ít hơn năm ngoái, còn mức điểm từ 15 trở lên tương tự như năm ngoái. Từ đó, ông Sơn dự đoán là điểm chuẩn năm nay sẽ thấp hơn năm ngoái khoảng từ 1 - 2 điểm, ở các khối A00, A01, D01 và giảm tối đa khoảng 1 - 1,5 điểm ở khối B00, C00.
"Một số ngành sẽ có biến động một chút về điểm xét tuyển và có lẽ sẽ không tăng đối với khối khoa học tự nhiên. Thậm chí, tỉ lệ % chỉ tiêu của các phương thức tuyển sinh khác có thể tăng lên nên có thể giảm từ 0,5 - 1 điểm"- GS Trần Đình Đức dự đoán
Còn TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, nhấn mạnh phổ điểm các tổ hợp chính để xét tuyển đại học như: A00, B00, C00, A01… chủ yếu nằm nhiều ở mức 20-24 điểm. Do vậy những ngành năm ngoái có điểm trúng tuyển ở mức 20 đến 25, năm nay sẽ giảm khoảng 1 điểm.
Năm nay sẽ hiếm có ngành điểm chuẩn trên 28, ngoại trừ một số ngành đặc biệt như y dược. Với những ngành năm ngoái có điểm chuẩn dưới 20, năm nay có thể nhỉnh hơn một chút. Còn những ngành xét tổ hợp D96 có môn Giáo dục công dân, điểm chuẩn năm nay sẽ nhỉnh hơn năm ngoái 0,5-1 điểm.
Tra cứu điểm chuẩn đại học năm 2023 nhanh trên VietNamNet