Ở phía Bắc, những trường dẫn đầu về đào tạo ngành Tài chính - Ngân hàng gồm Học viện Ngân hàng, Trường ĐH Ngoại thương, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Học viện Tài chính…
Ở khu vực phía Nam, những trường đào tạo ngành Tài chính - Ngân hàng được chú ý gồm Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM)…
Trong vài năm gần đây, dù không đứng đầu nhưng ngành Tài chính - Ngân hàng có điểm chuẩn ở mức cao, đa số trên 25 điểm đối với chương trình đào tạo đại trà.
Một số trường như Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, Viện ĐH Mở Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM, Trường ĐH Điện lực, Trường ĐH Kinh tế - ĐH Huế hay Trường ĐH Vinh cũng đào tạo ngành Tài chính- Ngân hàng. Điểm chuẩn vào các trường này thường thấp hơn.
Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Anh Vũ, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và Phát triển thương hiệu, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, nhìn nhận phổ điểm khối A00, A01 thi tốt nghiệp THPT năm 2023 không thay đổi nhiều so với năm 2022.
Trong đó, điểm môn Toán giảm nhẹ, điểm các môn như Lý, Hoá, Văn không thay đổi nhiều so với năm trước. Ở các trường đại học, chỉ tiêu xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT của ngành Tài chính - Ngân hàng không thay đổi nhiều.
Bên cạnh đó, năm nay cách tính điểm ưu tiên thay đổi. Thí sinh đạt điểm xét tuyển từ 22,5 điểm trở lên sẽ không được cộng tối đa ưu tiên, điểm càng cao mức cộng ưu tiên càng thấp. Theo Quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên sau khi quy đổi về thang 30 được xác định theo công thức: Mức điểm ưu tiên = [(30 - Tổng điểm đạt được)/7,5] x Điểm điểm ưu tiên theo quy định.
Từ những lý do trên, theo ông Vũ, xu hướng điểm chuẩn ngành Tài chính- Ngân hàng năm nay sẽ giảm nhẹ do với năm ngoái. Tại Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, ông Vũ nhận định: "Mặt bằng điểm chuẩn năm nay của trường sẽ không biến động nhiều, điểm chuẩn sẽ không tăng, có thể giảm nhẹ so với năm ngoái".
Ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc tuyển sinh, Trường ĐH Công Thương TP.HCM, cũng dự đoán điểm chuẩn ngành Tài chính - Ngân hàng sẽ bằng hoặc giảm và có thể giảm đến 2 điểm so với năm 2022. Lý do là điểm chuẩn của các trường đại học sẽ giảm và chỉ tiêu của các trường đại học xét tuyển từ thi tốt nghiệp THPT cũng tương tự như năm ngoái.
Mặt khác, các tổ chức tài chính và ngân hàng hiện nay nhiều hơn, các quỹ đầu tư tài chính lớn, mở rộng nên ngành Tài chính - Ngân hàng rất cần nhân sự có khả năng tiếng Anh giao tiếp.
Ngành Tài chính - Ngân hàng phần lớn xét tuyển khối A00, A01, D01... Trong khi đó, điểm thi tốt nghiệp THPT của khối A00 thấp hơn khoảng 0,5; khối A01, D01 cao hơn 0,5 điểm so với năm 2022 do điểm thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh năm nay cao hơn.
Hiện tại, nhiều trường đại học đã công bố điểm sàn xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT 2023. Trong khi nhiều trường đại học công bố điểm sàn ở mức khá cao, sát với điểm chuẩn năm ngoái, ở phía Nam một số trường có điểm sàn ở mức 15. Điều đáng nói là tại những trường này, điểm chuẩn năm ngoái không quá thấp.
PGS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cho rằng việc định điểm sàn phải dựa vào việc phân tích kết quả thi THPT ở khu vực phía Nam và điểm chuẩn 3 năm trước cùng với chỉ tiêu tuyển sinh.
Ông Dũng cho rằng: "Các trường đại học đưa điểm sàn quá thấp là vô trách nhiệm với thí sinh và xã hội". Theo ông Dũng, có thể nhà trường có mục đích thu tiền đăng ký nguyện vọng nhưng như vậy sẽ gây thiệt thòi cho thí sinh vì đa số các em đều thiếu thông tin và nghĩ điểm sàn đăng ký có thể đậu.
Vì vậy, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM khuyến cáo, thí sinh phải tìm hiểu kỹ khi đăng ký nguyện vọng, ít nhất là xem lại điểm chuẩn hai năm gần đây.