Nhiều bất cập trong các quy định gây khó khăn trong quá trình thực hiện đã được lãnh đạo các Sở GTVT, cơ sở đào tạo nêu ra tại Hội nghị tăng cường quản lý, phòng, chống tiêu cực và nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe do Cục Đường bộ Việt Nam tổ chức mới đây.
Theo đó, tại văn bản Hướng dẫn số 09/VBHD-BGTVT ngày 9/6/2022 của Bộ GTVT quy định, cơ sở đào tạo xây dựng chương trình học phải tập trung, liên tục (học lý thuyết), học theo nhóm (học thực hành) trong khoảng thời gian cố định...
Tương tự, tại Thông tư 38/2019 cũng quy định, từ ngày 1/5/2020, các cơ sở đào tạo lái xe ô tô phải ứng dụng công nghệ để nhận dạng và theo dõi thời gian học lý thuyết môn học pháp luật giao thông đường bộ đối với học viên.
Các học viên sẽ phải học lý thuyết tập trung với thời lượng 90 giờ. Cơ sở đào tạo lái xe phải lắp đặt thiết bị theo dõi thời gian học lý thuyết đối với học viên học lái ô tô (trừ hạng bằng B1).
Hệ thống thiết bị bao gồm máy điểm danh bằng công nghệ thẻ từ, thẻ chip hoặc nhận dạng vân tay, khuôn mặt để kiểm tra, ghi nhận thời gian học của học viên.
Ông Bùi Quế Thịnh, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng GTVT Trung ương 1 cho rằng, với thời gian học lý thuyết 5 môn là 168 giờ, trong đó các hạng B2, C phải học tập trung, điểm danh bằng thẻ từ vân tay và nhận diện bằng khuôn mặt tại cơ sở đào tạo đã gây khó cho các học viên.
Theo ông Thịnh, cơ sở đào tạo đủ điều kiện và thực hiện nghiêm quy định nhưng đối với người học, việc phải đến để điểm danh, học tập trung là thách thức lớn.
“Nhiều người có nhu cầu học đã đến trung tâm đăng ký nhưng khi nhận được thông báo phải học tập trung và điểm danh thì bỏ cuộc”, ông Thịnh nêu.
Cũng liên quan đến nội dung này, ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, thời gian học tập trung đối với hạng B2 là 140 giờ sẽ rất khó cho sinh viên, cán bộ, công chức học tập trung đầy đủ theo yêu cầu.
Sở dĩ đưa ra nhận định này, ông An dẫn chứng hiện có khoảng 80% người học lái xe không có nhu cầu lấy GPLX để kinh doanh vận tải, do đó việc giám sát đối với người học là không khả thi.
Nên nới lỏng khâu đào tạo, siết chặt phần thi sát hạch
Để tạo điều kiện người học trong bối cảnh công nghệ phát triển, ông Bùi Quế Thịnh, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng GTVT Trung ương 1 đề xuất cho phép học viên có thể học trực tuyến, khi hết môn học viên đến trung tâm làm bài kiểm tra. Đạt yêu cầu mới được dự thi phần sát hạch.
Tương tự, ông Bùi Hòa An cũng cho rằng hình thức học trực tuyến sẽ tháo gỡ khó khăn cho học viên. Theo ông An, cơ quan quản lý chỉ cần làm tốt công tác sát hạch, đúng quy định, đảm bảo chất lượng.
Đồng tình với quan điểm này, chia sẻ với phóng viên VietNamNet, TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia cho rằng phần học lý thuyết nên chuyển sang hình thức học trực tuyến.
Dẫn chứng tại Mỹ, ông Tạo cho biết, một số tiểu bang cũng cho phép học viên tự học lý thuyết tại nhà. Sau khi đỗ phần thi lý thuyết thì học viên mới được thi thực hành. Phần thi lý thuyết và thực hành được giám sát rất chặt.
Trước thực trạng này, ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho biết sẽ rà soát lại tất cả các văn bản quy phạm pháp luật để sửa đổi những điểm còn bất cập, đảm bảo khoa học, phù hợp với thực tiễn.
Theo đó, Cục Đường bộ sẽ nghiên cứu, rà soát lại các quy định để quản lý đào tạo theo hướng mở đầu vào và siết đầu ra.
“Việc đào tạo sẽ theo hướng mở, tạo điều kiện tối đa cho người học nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng. Trước mắt sẽ rà soát lại chương trình, thời gian đào tạo để loại bỏ các nội dung bất hợp lý, trùng lắp. Hình thức học sẽ kết hợp trực tuyến với tập trung. Có thể không cho phép học online toàn bộ nội dung lý thuyết nhưng sẽ cho phép học online những nội dung phù hợp”, ông Cường cho hay.