Như VietNamNet đã thông tin, ngày càng xuất hiện nhiều vụ lừa đảo chuyển tiền nhắm đến người Việt Nam. Trong những vụ việc này, các đối tượng xấu đều sử dụng tài khoản ngân hàng “ma”, không chính chủ để tẩu tán tài sản đánh cắp được. Sự xuất hiện của những chợ đen mua bán tài khoản ngân hàng không chính chủ cũng đã tạo ra một kẽ hở lớn, tiếp sức để những kẻ tội phạm mạng thực hiện hành vi lừa đảo.
Thận trọng với lừa đảo bằng tài khoản ngân hàng không chính chủ
Chia sẻ với VietNamNet, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho biết, người tiêu dùng và các tổ chức tín dụng đều sẽ phải thận trọng, cảnh giác hơn với câu chuyện tài khoản ngân hàng không chính chủ. Trên thực tế, ngành công an và các tổ chức tín dụng cũng đã có nhiều kiến nghị, khuyến cáo liên quan đến vấn đề này với các khách hàng.
Theo TS Cấn Văn Lực, người dân cần phải để ý, thận trọng hơn khi nhận được các cuộc gọi, tin nhắn đáng ngờ, nhất là khi nội dung các cuộc gọi liên quan tới vấn đề tài chính, chuyển tiền hay thông báo người thân đang cấp cứu.
“Trong những trường hợp đó, người dân cần chủ động gọi điện tới đường dây nóng của các ngân hàng hoặc tiến hành tham khảo chéo bằng nhiều kênh khác nhau để xác thực thông tin”, TS Cấn Văn Lực nói.
Trước những nghi ngại có vấn đề liên quan đến khâu xác thực người dùng của các ngân hàng, TS Cấn Văn Lực cho rằng, điều này là không hẳn bởi sự tồn tại của các tài khoản ngân hàng không chính chủ có nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, cơ bản vẫn là do sự nổi lên của các hoạt động lừa đảo trên môi trường mạng.
Các ngân hàng cần thường xuyên đưa ra khuyến cáo với khách hàng. Bản thân mỗi tổ chức tín dụng cũng cần tự sàng lọc, làm sạch lại cơ sở dữ liệu và khâu xác thực điện tử (eKYC) sao cho chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, theo TS Cấn Văn Lực, chúng ta cũng không thể làm quá chặt đến mức ảnh hưởng đến việc phát triển các ngân hàng số.
“Chúng ta muốn đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số thì phải tìm kiếm được điểm cân bằng. Giả sử có sai sót xảy ra, nếu những sai sót này chỉ tồn tại ở một vài trường hợp thì chúng ta vẫn có thể chấp nhận được”, TS Cấn Văn Lực chia sẻ.
Bán thông tin danh tính là tự hại chính mình
Nói về gốc rễ của câu chuyện tài khoản ngân hàng không chính chủ, theo chuyên gia bảo mật Ngô Minh Hiếu, đa phần các ngân hàng đang xác thực danh tính điện tử tự động, hoặc thông qua một bên thứ 3. Để giải bài toán tài khoản ngân hàng không chính chủ, nên siết chặt hơn nữa đối với việc xác thực điện tử.
Thay vì giao cho máy hoàn toàn, các ngân hàng có thể kết hợp xác thực bằng người thật, tức là dùng nhân viên kiểm tra việc eKYC có chính xác hay không. Bên cạnh yêu cầu xác thực bằng hình ảnh, video, các ngân hàng có thể bổ sung thêm bước thu âm giọng nói của người mở tài khoản hay đặt một vài câu hỏi nhất định để xác minh danh tính. Chỉ có như vậy, việc xác thực điện tử mới chặt chẽ hơn.
Các ngân hàng cũng cần áp dụng công nghệ để giảm thiểu hoạt động giao dịch bất thường. Ví dụ như một tài khoản mới mở nhưng ngay lập tức nhận được cả trăm triệu hoặc hàng tỷ đồng thì cần lập tức đặt dấu hỏi. Trong những trường hợp đó, phía ngân hàng nên xác minh danh tính chủ tài khoản một lần nữa nhằm đảm bảo đây là “tiền sạch”.
“Nếu tài khoản A mỗi ngày chi tiêu trung bình vài trăm nghìn đến vài triệu đồng, bỗng một ngày đẹp trời chủ tài khoản quyết định rút hết toàn bộ tiền gửi, giao dịch này nhiều khả năng có vấn đề. Ngân hàng nên trì hoãn việc thực hiện giao dịch rồi tìm cách liên hệ xác minh lại để tránh khoản tiền bị gửi vào túi những kẻ lừa đảo”, ông Hiếu đưa ra ví dụ.
Kẻ xấu sẽ thường xuyên nghĩ ra các chiêu trò mới nhằm thực hiện hành vi của mình, trong đó có việc lôi kéo, thuê các bạn sinh viên hoặc những người có thu nhập thấp bán thông tin danh tính để lập tài khoản ngân hàng ảo.
Một số bạn trẻ, hoặc những người thiếu sự hiểu biết thường vì món lợi trước mắt mà coi nhẹ, từ đó bán đi thông tin danh tính của mình. Việc bán thông tin danh tính cũng tương tự như hành vi tiếp tay cho kẻ lừa đảo, đồng thời cũng tự làm hại chính mình.
Đưa ra khuyến nghị, chuyên gia bảo mật Ngô Minh Hiếu cho rằng, người dùng tuyệt đối không chia sẻ thông tin, hình ảnh nhạy cảm của mình trên không gian mạng, không bán, cho mượn CMND hoặc CCCD của mình. Không nên vì một khoản tiền nhỏ mà bán thông tin danh tính cá nhân cho người khác.
Khi bán thông tin cá nhân, hậu quả để lại sẽ rất lớn. Người bán có thể dính líu tới pháp luật, tới các cơ quan chức năng... Họ cũng có thể bị các ngân hàng đánh điểm tín nhiệm tài chính rất xấu. Thậm chí, nếu kẻ xấu sử dụng danh tính mua được để vay tiền tín dụng đen, người bán danh tính còn có thể bị phía cho vay cắt ghép hình ảnh rồi bôi nhọ, chạy quảng cáo để đòi nợ trên mạng.