Những dữ liệu được trang Tanks-encyclopedia.com chia sẻ cho thấy, Bộ Quốc phòng Mỹ vào đầu thập niên 1940 sau khi thu thập tin tình báo về loại pháo phản lực phóng loạt BM-13 được Liên Xô sử dụng để chống lại quân Đức tại Mặt trận phía Đông, đã giao nhiệm vụ cho Cục Quân khí Mỹ chế tạo một loại vũ khí tương tự “nhằm tăng cường hỏa lực cho bộ binh”.
Kỹ sư Victor Hawkins làm việc tại Cục Quân khí Mỹ sau đó đã phác thảo nguyên mẫu về loại pháo phản lực đầu tiên dành cho quân đội nước này. Nhưng thay vì lắp dàn phóng hỏa tiễn trên xe tải giống như pháo BM-13 của Liên Xô, vị kỹ sư này đã sử dụng xe tăng M4 Sherman để làm bệ phóng.
Theo thiết kế của ông Hawkins, dàn hỏa tiễn lắp trên xe tăng Sherman được đặt tên là T34 Calliope có tổng cộng 60 ống phóng lắp cách nóc xe tăng khoảng 1m, với tổng trọng lượng 835kg. Bên trong mỗi ống phóng sẽ có một tên lửa chứa chất nổ với đường kính 114mm. Góc bắn của loại vũ khí này nằm trong khoảng -12 đến 25 độ, với tầm bắn tối đa đạt 4km.
Khi cần thiết, dàn hỏa tiễn T34 Calliope có thể được tháo bỏ khỏi xe tăng M4, và kíp chiến đấu dễ dàng điều khiển khí tài như một cỗ xe tăng thông thường.
Dù ra mắt vào năm 1943, nhưng mãi đến tháng 3/1945, pháo T34 Calliope mới được quân đội Mỹ sử dụng lần đầu để chống lại quân đội Đức ở châu Âu. Khi đó, các sư đoàn thiết giáp Mỹ dưới sự chỉ huy của Tướng Smith Patton Jr (1885-1945) được lệnh công phá phòng tuyến đối phương ở bang Saarland thuộc miền tây nước Đức. Tại đây, các khẩu pháo T34 Calliope đã chứng minh tính hiệu quả trong chiến đấu tới mức quân Đức coi khí tài này là “một mục tiêu có giá trị”.
“Một trong những người đồng đội thân thiết nhất của cha được giao nhiệm vụ điều khiển chiếc xe tăng có lắp pháo T34 Calliope. Một hôm, anh ấy điều khiển cỗ xe này cùng một số xe tăng M4 khác đi qua một con đường. Rủi thay, nơi đó đã bị quân đội Đức mai phục từ trước. Binh sĩ đối phương chờ tới khi xe tăng M4 gắn pháo T34 Calliope xuất hiện liền tập trung hỏa lực nhằm vào nó. Trước những đòn tập kích bất ngờ, chiếc xe do người đồng đội của cha điều khiển lập tức phát nổ”, một đoạn trong cuốn hồi ký của binh sĩ Glen Lamb thuộc Sư đoàn thiết giáp 12 Mỹ gửi con trai, viết.
Video: USAWAR/ Youtube