PV. VietNamNet đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, xung quanh bức tranh kinh tế năm 2022 và dự đoán cho năm 2023.
"Khác biệt đáng tự hào"
- Ông đánh giá thế nào về mức tăng trưởng GDP ước tính lên đến 8,02% trong năm 2022?
Ông Nguyễn Bích Lâm: Tổng cục Thống kê công bố tăng trưởng GDP năm 2022 ước tính 8,02%. Đây là mức tăng trưởng rất cao. Tuy nhiên, mức tăng này lại dựa trên nền rất thấp của năm 2021. Do vậy, tăng trưởng cao là tốt, song nghiên cứu kỹ thì thấy nền kinh tế chưa phục hồi lại mức tăng trưởng của năm 2018-2019. Dù vậy, mức tăng trưởng này vẫn tốt hơn nhiều so với năm 2020 và 2021.
Xét cơ cấu 3 khu vực đóng góp cho tăng trưởng, tôi thấy rằng có điểm tích cực. Đó là cơ cấu khu vực nông lâm nghiệp thủy sản giảm đi, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp và xây dựng. Khu vực dịch vụ dù chiếm 41,33%, cao hơn năm 2021, nhưng vẫn thấp hơn giai đoạn 2018-2019. Điều này chứng tỏ khu vực dịch vụ đã phục hồi nhưng chưa lấy lại đà như các năm trước đại dịch.
Ngoài ra, lạm phát bình quân cả năm ở mức 3,15%, thấp hơn khá nhiều mục tiêu lạm phát 4% trong bối cảnh giá lương thực, thực phẩm tăng cao tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Nhìn chung, việc tốc độ tăng trưởng kinh tế cao gấp 2,5 lần tỷ lệ lạm phát là nét "khác biệt đáng tự hào" trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với lạm phát cao nhất 40 năm qua và tăng trưởng thấp.
- Những chính sách hỗ trợ của Quốc hội, Chính phủ đóng vai trò như thế nào trong mức tăng trưởng của năm 2022, thưa ông?
Chính phủ thiết kế chính sách hỗ trợ rất hay và tinh tế, không làm ảnh hưởng nhiều đến lạm phát. Bởi lẽ, các chính sách đó hỗ trợ cho doanh nghiệp nhưng không bơm tiền ra lưu thông. Một số chính sách có tác dụng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ví dụ, ngay từ đầu năm Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11, đưa ra Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nếu thực hiện được suôn sẻ và nhanh thì các chính sách này hỗ trợ tăng trưởng mạnh hơn nữa.
Có thể nói, các chính sách hỗ trợ đã thực hiện tốt nhưng chưa được như kỳ vọng. Chính sách hỗ trợ lãi suất 2% giải ngân chưa được nhiều, tiến độ giải ngân đầu tư công, hỗ trợ người lao động cũng chậm. Cho nên, Chính phủ cần triển khai khẩn trương và giám sát cụ thể quá trình triển khai để đảm bảo các chính sách được triển khai tốt.
Dù sao, những chính sách ấy đã đóng góp tốt cho tăng trưởng 8,02%, tạo niềm tin và hỗ trợ một phần cho doanh nghiệp, để khu vực kinh tế cá thể tin tưởng vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Áp lực lớn về giá cả trong 2023
- Lạm phát năm 2022 chỉ khoảng 3,15%, khá thấp so với mục tiêu Quốc hội đặt ra, tạo cơ sở cho việc kiểm soát lạm phát năm 2023. Ông đánh giá thế nào về mức lạm phát này?
Trong họp báo mới đây, Tổng cục Thống kê đã giải thích rõ tại sao kiểm soát được lạm phát ở mức 3,15%. Đó là nhờ chính sách điều tiết của Chính phủ liên quan Quỹ bình ổn giá xăng dầu, chưa tăng giá các mặt hàng chiến lược. 3-4 năm nay không tăng giá điện, giá dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục cũng chưa tăng. Đó là các nguyên nhân cơ bản giúp lạm phát năm 2022 ở mức 3,15%.
Tuy nhiên, nếu chúng ta kiềm giữ mãi giá điện, giá dịch vụ giáo dục, y tế, không cho các mặt hàng, dịch vụ này theo cơ chế thị trường năm 2023-2024 thì rất bất cập. Do đó, năm 2023 phải điều chỉnh giá điện, giá dịch vụ y tế sao cho phù hợp, để giá các mặt hàng, dịch vụ này tiệm cận cơ chế thị trường. Tất nhiên, nếu những mặt hàng đó được điều chỉnh sẽ tạo áp lực lạm phát rất lớn.
Giá xăng dầu thời gian qua giảm khá sâu, nhưng sắp tới khi Trung Quốc mở cửa nền kinh tế sẽ khiến giá mặt hàng này tăng khoảng 20%, theo tính toán của Bloomberg. Khi đó, lạm phát của các nền kinh tế, trong đó có Việt Nam, sẽ chịu tác động tăng rất cao khi nhu cầu của họ tăng lên. Đặc biệt, chúng ta nhập tư liệu sản xuất lớn nhất từ Trung Quốc.
Ngoài ra, việc tăng lương cơ sở từ 1/7/2023 cũng tác động đến lạm phát.
Do đó, mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2023 ở mức 4,5% không phải là dễ.
Nhìn chung, Chính phủ và Quốc hội đã nhận thức được áp lực của lạm phát năm 2023.
Từ năm 2022 trở về trước chúng ta đặt mục tiêu lạm phát 4%, vô hình chung đã làm hạn chế dư địa của chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Cho nên, năm 2023, Chính phủ đã trình Quốc hội kiểm soát lạm phát ở mức 4,5%. Gần đây, tôi cũng đọc được bài báo trên VietNamNet về Điểm cân bằng giữa tăng trưởng và lạm phát, theo đó Thủ tướng đã yêu cầu phải tìm được điểm cân bằng này.
- Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 vừa qua, Thủ tướng yêu cầu phải tìm được điểm cân bằng giữa tăng trưởng và lạm phát để không lâm vào cảnh siết dòng tín dụng quá mức, ảnh hưởng đến hoạt động của nền kinh tế. Vậy theo ông, vai trò của Ngân hàng Nhà nước trong việc tìm kiếm điểm cân bằng này như thế nào?
Chúng ta không nên quy câu chuyện này cho ngân hàng. Tôi đánh giá những năm vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện chính sách tiền tệ rất tốt. Tại sao Ngân hàng Nhà nước phải làm như vậy? Mức kiểm soát lạm phát luôn được Quốc hội đặt ra là dưới 4%. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước phải thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, thắt chặt. Giả sử năm ngoái chỉ tiêu lạm phát là 4,5%, thay vì 4%, thì chắc chắn room tín dụng sẽ khác.
Theo tôi, mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2023 nên ở mức 4,5-5% là tốt nhất. Bởi, bao giờ cũng phải có sự đánh đổi giữa tăng trưởng và lạm phát. Muốn có tăng trưởng cao phải chấp nhận chính sách mở rộng tài khóa và tiền tệ. Như vậy tất yếu dẫn đến lạm phát. Nhưng ở Việt Nam, lạm phát không chịu tác động quá lớn từ chính sách tài khóa và tiền tệ do cơ cấu lương thực thực phẩm và các chi tiêu dùng khác như giáo dục, y tế chiếm tỷ trọng lớn.
Tiền nhiều, nhưng doanh nghiệp có vay được?
- Như vậy, nếu đặt ra mục tiêu lạm phát 4,5-5% thì rõ ràng sẽ có dư địa để nguồn vốn bơm ra cho nền kinh tế được thoải mái hơn thay vì thắt chặt như quý IV vừa qua, thưa ông?
Nếu mục tiêu lạm phát được nới rộng thì Ngân hàng Nhà nước sẽ có nhiều dư địa để điều hành chính sách tiền tệ. Nhưng vốn chỉ là một vấn đề thôi, đầu ra cho các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ quan trọng không kém. Vì doanh nghiệp chỉ vay vốn khi có đầu ra. Nếu đầu ra không có thì doanh nghiệp sẽ không vay.
- Nhìn mức tăng trưởng quý IV năm 2022 có thể thấy tốc độ tăng trưởng đã giảm so với quý III và quý II. Điều này hơi khác các năm trước khi quý IV thường có mức tăng trưởng cao hơn. Vậy, khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% của năm 2023 có khả thi?
Quý IV năm 2022 tăng trưởng thấp hơn phản ánh rõ bức tranh thực của kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam với độ mở lớn. Sang quý IV, các nhóm hàng xuất khẩu chính như dệt may, da giày... giảm mạnh. Bình thường như mọi năm, không có các biến động thì quý IV doanh nghiệp tập trung vào sản xuất, còn năm nay lại giảm.
GDP 6,5% năm 2023 là mức tăng không dễ đạt được trong bối cảnh kinh tế thế giới nói chung, các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam dự báo rơi vào suy thoái. Nhìn chung, mục tiêu tăng trưởng 6,5% của năm 2023 có tính khả thi nhưng không dễ đạt được.
- Nhìn sang 2023, ông lo ngại nhất điều gì?
Điều tôi lo nhất là môi trường pháp lý cho tăng trưởng. Năm vừa qua, môi trường pháp lý có một số điểm không thuận lợi. Giải ngân đầu tư công là điển hình. Môi trường pháp lý và thực thi của bộ máy nhà nước chưa tốt. Câu chuyện thiếu hụt xăng dầu là dẫn chứng.
Vì thế, môi trường pháp lý là điều cần quan tâm. Các văn bản quy phạm pháp luật ban hành không được mâu thuẫn, chồng chéo nhau. Câu nói “Cán bộ thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử” là câu xót xa lắm. Cho nên, Quốc hội cần tăng cường giám sát việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Văn bản nào bất cập cần phải sửa đổi ngay.
- Xin cảm ơn ông!