Sáu tháng đầu năm 2024, Hưng Nguyên (Nghệ An) triển khai các chính sách hỗ trợ người nghèo kịp thời, đúng đối tượng. Một số mô hình chăn nuôi, phát triển sản xuất được nhân rộng, góp phần giảm nghèo bền vững.
Là xã vùng bán sơn địa có diện tích đất vườn đất đồi rộng lớn, nhiều hộ dân xã Hưng Yên Nam, huyện Hưng Nguyên được hỗ trợ mô hình sinh kế đã mạnh dạn đầu tư nuôi gà thả vườn, thả đồi. Mô hình chăn nuôi này đã giúp nhiều nông dân vươn thoát nghèo, làm giàu, nâng cao thu nhập, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Điển hình như gia đình anh Nguyễn Đình Chung xóm 1, xã Hưng Yên Nam. Anh Chung từng nuôi gà theo mô hình công nghiệp, chất lượng thịt không ngon, khó tiêu thụ. Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương về nguồn vốn và kỹ thuật, anh đã chuyển hướng sang nuôi gà thả vườn.
Năm 2024, gia đình anh Chung đang chăn nuôi trên 3.000 con gà Ri gần xuất chuồng. Mỗi năm trung bình anh nuôi 6 -7 lứa. Mỗi lứa từ 2.000-3.000 con; cứ 3 đến 4 tháng gà đạt cân nặng nặng 1,7 - 2kg. Trừ chi phí, mỗi năm, gia đình thu được nguồn lãi đáng kể.
Tương tự, chị Phan Thị Nhật, sống tại xóm 2, xã Hưng Trung, vốn thuộc hộ khó khăn, quẩn quanh trồng lúa mỗi năm 2 vụ không thể cải thiện thu nhập. Gia đình có thời điểm nuôi 3 con ăn học rất vất vả, luôn nợ nần. Nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, chị đã mạnh dạn đầu tư vào chăn nuôi và tiếp cận mô hình trồng rau màu theo vụ kết hợp nuôi chim bồ câu, bò sinh sản.
Có được những khoản thu nhập ban đầu, chị mở rộng mô hình vườn, trồng các loại cây ăn quả lâu năm như cam, na, nhãn, đu đủ… Trong quá trình đó, chị gặp không ít khó khăn khi dịch bệnh, thời tiết khắc nghiệt hay tiếp cận với khoa học kỹ thuật. Nhờ sự hỗ trợ của tổ chức chính quyền, kết hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, chị vững vàng vượt qua.
Hàng năm, doanh thu từ chăn nuôi và trồng cây ăn quả đạt mức cao, gia đình chị không những thoát nghèo, hai con chị đi xuất khẩu lao động có thu nhập ổn định.
Bên cạnh hỗ trợ sinh kế thì xây dựng nhà ở cho hộ nghèo cũng được chính quyền huyện Hưng Nguyên quan tâm thực hiện. Đây là một trong các dịch vụ xã hội cơ bản quan trọng trong cách tiếp cận đa chiều với người nghèo.
Hộ gia đình ông Lê Minh Khai ở xóm Hồng Hà, xã Hưng Thông, thuộc diện hộ nghèo, không có nhà ở, phải thuê ki-ốt để sinh sống. Nắm được tình hình, chính quyền địa phương, anh em họ tộc và bà con nhân dân xóm Hồng Hà đã cùng nhau hỗ trợ, chia sẻ giúp gia đình ông Khai xây một ngôi nhà mới.
Sau gần 3 tháng khởi công và xây dựng, đến nay ngôi nhà khang trang dành cho gia đình ông đã hoàn thành. Từ khi có nhà mới gia đình ông có nơi sinh hoạt ổn định, đảm bảo an toàn, an tâm vươn lên thoát nghèo.
Gia đình bà Hoàng Thị Chỉu, xóm 5, xã Hưng Lĩnh cũng là hộ nghèo được hỗ trợ về nhà ở gần đây. Bà Chỉu là người cao tuổi, không làm được việc nặng, gia đình chỉ có một người con gái bị ốm đau thường xuyên. Nhiều năm, cả gia đình phải sống trong căn nhà chật chội, xuống cấp nghiêm trọng nhưng không có điều kiện tu sửa, nỗi lo càng nhiều hơn đặc biệt vào mùa mưa bão.
Chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn của gia đình bà, các cơ quan, đoàn thể thông qua chính quyền địa phương đã hỗ trợ gia đình bà xây dựng ngôi nhà mới, qua đó có chỗ ở ổn định, vươn lên trong cuộc sống.
Việc hỗ trợ xây dựng nhà cho hộ nghèo là việc làm ý nghĩa, thiết thực trong Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, qua đó giúp các hộ nghèo ổn định cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo bền vững, đa chiều.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo để thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra. Theo đó, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của chương trình; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền những mô hình hay, cách làm hiệu quả, giới thiệu những gương điển hình thoát nghèo tiêu biểu nhằm nâng cao nhận thức, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, vươn lên của người nghèo.