Những suy nghĩ lạc lõng
Có lẽ ngay từ khi bắt tay vào thực hiện bộ phim Huyền sử vua Đinh, trong kịch bản xấu nhất phải vẽ ra, ekip sản xuất cũng không thể tin được rằng toàn bộ doanh thu của phim khi ra rạp lại gói gọn chưa đến 50 triệu đồng (theo Box Office Vietnam).
Những suy nghĩ của ekip làm phim này theo hướng: Muốn làm một phim lịch sử để khán giả hiểu hơn về sử Việt hoặc tạo hiệu ứng dư luận về đề tài… thật sự quá ngây thơ. Cho dù mục đích ban đầu là làm phim chiếu miễn phí cho sinh viên - học sinh đi chăng nữa, ekip cũng phải nắm rõ được thị hiếu của đối tượng khán giả như thế nào, mong đợi của họ ở một phim điện ảnh là gì.
Lời khuyên của ai đó hãy đưa Huyền sử vua Đinh ra rạp, thật sự là một bước đi mà biết chắc sẽ… lọt hố. Nhìn vào sự cẩu thả và luộm thuộm trong từng bối cảnh và tạo hình nhân vật của phim này, rất khó để biện minh rằng ekip có “tâm huyết” hay chỉ đang “liều mạng” làm phim mà không quan tâm khán giả nghĩ gì.
Trước đó không lâu, một phim khác “dũng cảm” ra rạp là Duyên ma với sự góp mặt của Kiều Minh Tuấn và Ngọc Trinh cũng nhận được vô số “gạch đá” của khán giả. Phim mắc vô số lỗi logic kiểu người thật gặp hồn ma, kèm theo đó là những lời thoại ngô nghê, những màn chọc cười nhạt nhẽo, kỹ xảo nhạt nhòa… Trong khi, theo nhiều nguồn tin, ban đầu đây chỉ là phim tốt nghiệp của đạo diễn.
Năm 2022 còn chứng kiến sự đổ bộ của hàng loạt “thảm họa” khác nữa như Virus cuồng loạn, Cù lao xác sống, Mến gái miền Tây, Là mây trên bầu trời của ai đó, Qua bển làm chi, Ê ông già yêu ha, Kẻ thứ ba, Mưu kế thượng lưu… Vừa mất tiền mua vé, vừa mất thời gian “mà cứ nghĩ rằng được giải trí xứng đáng”, vừa mang thêm vào người những bực tức do phải xem phim dở… Đây đều là những cảm xúc rất tồi tệ mà khán giả Việt phải đón nhận nếu lỡ tin vào các bộ phim này khi ra rạp.
Người mới ngây thơ, người cũ cố chấp
Nhìn vào danh sách đạo diễn các phim thảm họa trong năm 2022, phần lớn đều là những cái tên rất mới với khán giả: Từ Anthony Võ (Huyền sử vua Đinh) cho đến Nguyễn Ngọc Nhất Duy (Virus cuồng loạn), Khánh Toàn - Tâm Nguyễn (Duyên ma), Nguyễn Thành Nam (Cù lao xác sống), Võ Đăng Khoa (Mến gái miền Tây), Nguyễn Trung Cang (Qua bển làm chi), Trần Thoại Chương (Ê ông già yêu ha)…
Ở một hướng khác, đạo diễn Trần Bửu Lộc của Mưu kế thượng lưu là một người cũ từng rất thành công với Cô ba Sài Gòn (2017), hoặc ekip sản xuất đằng sau của Cù lao xác sống là đạo diễn Nhất Trung - cũng là một người từng tạo nên doanh thu kỷ lục hơn 190 tỷ đồng của Cua lại vợ bầu (2019)…
Lẽ thường tình, khi có một thế hệ đạo diễn mới xuất hiện, đó phải là tin vui với khán giả và thị trường điện ảnh. “Làn gió mới” này sẽ mang lại những phong cách làm phim khác lạ đi kèm với tư duy hiện đại, đề tài mới mẻ, cách kể sáng tạo… Song trong trường hợp này, đạo diễn thật ra cũng đã nỗ lực hết sức để mang đến “cái mới”, chỉ là những “thảm họa mới” mà khán giả không mong đợi và cũng không cần chúng xuất hiện ở rạp phim.
Sự dư thừa đam mê nhưng không đủ năng lực của người mới, sự cố chấp đến mức tin rằng khán giả sẽ chấp nhận được cái chưa hay của phim từ người cũ… đều đã biến những bộ phim có mức đầu tư tiền tỷ thành “thảm họa” trong mắt mọi người.
Sau hơn 2 năm đại dịch, thị hiếu của khán giả Việt đã được nâng cấp một cách rõ rệt. Phần lớn sự nâng cấp này đến từ các nền tảng phim trực tuyến có thu phí. Rất nhiều bộ phim điện ảnh làm ra chỉ để phục vụ khán giả trên nền tảng, thậm chí hàng loạt phim truyền hình (với chất lượng không thua gì phim điện ảnh) đã khiến khán giả chết mê chết mệt vì sự hấp dẫn từ đề tài cho đến diễn viên, bối cảnh, kỹ xảo…
Và khi giá thuê bao vừa rẻ nhưng chất lượng kho phim lại vượt mức mong đợi, khán giả Việt được trao đúng giá trị “khách hàng là thượng đế”. Trong khi đó, ở chiều hướng mua “trải nghiệm giải trí tuyệt đỉnh” ở rạp phim như các nhà rạp vẫn nói, khán giả nhận ra mình đã bị xem thường đến quá ngưỡng chịu đựng.
Mà với tình hình này, phim “thảm họa” ở Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, dù khán giả có phản đối ra sao!
Nguyễn Phong Việt
Bài 2: Cách nào ngăn chặn 'thảm họa' phim Việt ra rạp?