Cục Đăng kiểm Việt Nam đang khẩn trương xây dựng phương án giá dịch vụ kiểm định mới để trình Bộ GTVT và Bộ Tài chính xem xét nhằm phù hợp với thực tế, đảm bảo thu nhập của đơn vị đăng kiểm và người lao động.
Phương án giá mới cho dịch vụ kiểm định được Cục Đăng kiểm xây dựng theo hướng tính giá ở từng công đoạn tuỳ theo thời gian, chi phí thực hiện, khấu hao, ngày công.
Theo đó, Cục đề nghị các đơn vị ghi nhận lại thời gian thực hiện trung bình các công đoạn đối với mỗi nhóm phương tiện khi tiến hành kiểm định để làm cơ sở trong việc xây dựng phương án giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới.
Ông Nguyễn Chiến Thắng, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, đơn vị đang xây dựng phương án giá mới theo hướng tính giá ở từng công đoạn kiểm định.
Theo đó, nếu phương tiện không đạt ở công đoạn nào, sau khi khắc phục quay lại kiểm định lần 2, đơn vị đăng kiểm sẽ kiểm tra lại và chỉ thu tiền phí thực hiện đúng công đoạn đó, thay vì thu theo lượt như hiện nay.
Nhìn nhận việc tính chi phí dựa trên thời gian thực hiện các công đoạn là phù hợp, đảm bảo chi tiết, sát thực tiễn, đại diện một trung tâm đăng kiểm cho rằng cách tính này còn giúp phân biệt được giá dịch vụ kiểm định của từng loại phương tiện bởi thông thường, thời gian kiểm tra các công đoạn của xe khách, xe tải, xe container... sẽ lâu hơn xe cá nhân.
Ngày 28/6, trao đổi với phóng viên VietNamNet, ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Uỷ ban ATGT quốc gia bày tỏ sự ủng hộ cách tính này của Cục Đăng kiểm.
Theo ông Tạo, kiểm định xe cơ giới là khám “sức khoẻ” cho phương tiện tương tự như khám bệnh cho người. “Khám hạng mục (bộ phận) nào, tính tiền hạng mục đó. Không thể chỉ vì lỗi ở 1 hạng mục mà phải trả tiền cho tổng thể công đoạn.
Tuy nhiên, kiểm định xe cơ giới khác ở chỗ: Ngay khi đến chu kỳ kiểm định, phải khám tổng quát tất cả công đoạn chứ không chủ động khám 1 hay 1 vài hạng mục và chi phí của lần khám tổng quát sẽ là tổng chi phí tất cả các công đoạn thực hiện”, ông Tạo nhấn mạnh.
Theo ông Tạo, cách tính trên sẽ vừa khoa học, vừa minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, chi phí từng công đoạn cụ thể như thế nào, ông Tạo cho rằng Cục nên rà soát, tham khảo từ các trung tâm đăng kiểm về thời gian, kỹ thuật thực hiện. Từ đó, làm cơ sở để Cục tính toán, lên phương án giá phù hợp trình Bộ GTVT và Bộ Tài chính xem xét.
Về luồng ý kiến cho rằng giá dịch vụ đăng kiểm cũng nên quy định theo khu vực, ông Tạo chia sẻ, quan điểm này là không hợp lý. Bởi kiểm định xe cơ giới là dịch vụ công, thiết yếu, do đó cần có sự thống nhất giá chung trên toàn quốc tại các đơn vị đăng kiểm.
“Không nên mỗi vùng một giá”, ông nói. Đặc biệt, căn cứ vào dự thảo Luật Giá (sửa đổi), kiểm định vẫn là dịch vụ thiết yếu. Do đó cần được Nhà nước quy định giá, không thể để thả nổi trên thị trường tuỳ theo các đơn vị đăng kiểm.
Trước đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng đã có có tờ trình gửi liên Bộ GTVT và Tài chính về đề nghị điều chỉnh mức thu giá dịch vụ kiểm định an toàn kỹ thuật cũng như bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới đang lưu hành.
Cụ thể, phương án giá bình quân dựa trên cơ sở xác định sản lượng, tổng chi phí hoạt động kiểm định của hệ thống đơn vị đăng kiểm với mức lợi nhuận tạm tính là 10% trên giá thành và thuế suất thuế VAT 10%. Mức giá được quy định đối với ô tô dưới 10 chỗ, từ đó làm căn cứ quy đổi mức giá kiểm định giữa các nhóm xe.
Bên cạnh đó, Cục Đăng kiểm đề nghị bổ sung mức giá lập hồ sơ phương tiện đối với những xe được miễn kiểm định lần đầu là 50.000 đồng.
Trường hợp in lại tem kiểm định và giấy chứng nhận kiểm định đối với tình huống chủ xe bị mất tem, giấy chứng nhận kiểm định hoặc xin lưu hành trở lại (sau khi xin dừng nghỉ lưu hành) thì thu bằng 50% mức giá lập hồ sơ phương tiện.