Trà gừng thường được coi là an toàn cho hầu hết mọi người khi uống hằng ngày. Tuy nhiên, nếu có ý định dùng nhiều, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ, đặc biệt nếu bạn đang dùng bất kỳ loại thuốc nào.
Lợi ích
Theo Medicinenet, một tách trà gừng mỗi ngày có thể giúp ích cho hệ tiêu hóa của bạn và ngăn ngừa chứng khó tiêu, buồn nôn và ợ chua. Tình trạng ốm nghén có thể thuyên giảm bằng cách kết hợp một thìa nước ép bạc hà, chút cốt chanh, một thìa mật ong với trà gừng.
Ngoài ra, gừng có thể tăng cường khả năng miễn dịch, từ đó chống lại một số bệnh nhiễm trùng do virus và vi khuẩn. Gừng chứa vitamin C và B6, magie, một lượng nhỏ sắt và canxi. Các loại dầu dễ bay hơi và hợp chất phenol trong gừng bảo vệ chúng ta khỏi các bệnh mùa đông. Trà gừng có thể trị ho, cảm lạnh, viêm họng, thở khò khè và các vấn đề về hô hấp khác.
Gingerol là hợp chất có hoạt tính sinh học quan trọng trong gừng, hỗ trợ tiêu hóa và cải thiện sức khỏe đường ruột, có lợi cho những người bị trào ngược axit, khó tiêu hoặc khó chịu ở dạ dày.
Ngoài ra, uống trà gừng đều đặn hỗ trợ giảm lượng đường trong máu, kiểm soát bệnh tiểu đường; giảm nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ, giải quyết cơn buồn nôn do hóa trị; ngăn ngừa và chống lại bệnh ung thư; giảm chứng chuột rút kinh nguyệt; ngăn chặn thèm ăn, hỗ trợ giảm cân; làm chậm tác động của lão hóa và giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.
Tác dụng phụ
Trà gừng - dù từ gừng tươi hay dạng túi lọc mua ở cửa hàng - đều có thể có một số tác dụng phụ. Nghiên cứu cho thấy, các phản ứng này có thể xảy ra khi ăn quá nhiều gừng mỗi ngày. Đó là khó chịu ở bụng, rối loạn nhịp tim, suy nhược hệ thần kinh, buồn nôn, ợ nóng, kích ứng miệng, cổ họng.
Gừng không được khuyến cáo cho những người có tổn thương viêm loét đường tiêu hóa. Nếu bạn bị tiểu đường và đang dùng thuốc, gừng có thể ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc.
Theo Medicalnewstoday, gừng ức chế thromboxane tiểu cầu. Đây là chất khiến máu đông lại và làm co mạch máu. Do đó, Trung tâm Quốc gia Mỹ về Sức khỏe Bổ sung và Tích hợp (NCCIH) cho biết, có những lo ngại rằng gừng có thể tương tác với các loại thuốc làm loãng máu.
Vì lý do này, mọi người nên tránh tiêu thụ gừng trước khi phẫu thuật. Những người bị rối loạn chảy máu cũng nên đề phòng. Gừng có thể giúp giảm ốm nghén nhưng thai phụ vẫn cần nói chuyện với bác sĩ trước khi bổ sung bất cứ thứ gì vào chế độ ăn uống vì mỗi giai đoạn thai kỳ đều khác nhau.
Nên ăn bao nhiêu gừng mỗi ngày?
Các bác sĩ khuyên không nên ăn quá 5g gừng tươi mỗi ngày. Người mang thai hãy giới hạn bản thân ở mức 1g chiết xuất gừng mỗi ngày. Không nên pha trà gừng cho trẻ dưới hai tuổi.
Có một điều bạn phải ghi nhớ, đừng dựa hoàn toàn vào các biện pháp chữa trị tại nhà để kiểm soát bất kỳ căn bệnh nào. Hãy làm theo lời khuyên của bác sĩ và tuân thủ thuốc được kê đơn. Ngoài ra, việc có một lối sống lành mạnh có thể có tác động tích cực đáng kể đến sức khỏe của bạn.
Uống trà gừng không có hại gì, nhưng vấn đề sẽ nảy sinh khi tăng liều lượng. Tiêu thụ quá mức bất cứ thứ gì, dù tốt cho sức khỏe đến đâu, đều gây ra phản ứng ngược.