Theo các chuyên gia, trong trường hợp Mỹ vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử vì Nhà Trắng và Quốc hội không đạt được thỏa thuận nâng trần nợ công 31,4 nghìn tỷ USD, hậu quả sẽ nhanh chóng lan tỏa khắp thế giới.
Đơn đặt hàng tới các nhà máy Trung Quốc chuyên chế tạo và bán thiết bị điện tử cho Mỹ có thể cạn kiệt. Các nhà đầu tư Thụy Sỹ sở hữu trái phiếu kho bạc Mỹ sẽ bị lỗ vốn. Các công ty Sri Lanka sẽ không thể dùng đồng USD như giải pháp thay thế cho đồng nội tệ mất giá của họ.
AP dẫn lời Mark Zandi, kinh tế gia trưởng tại công ty phân tích tài chính Moody nhận định, “không một góc nào của nền kinh tế toàn cầu sẽ tránh khỏi tác động” nếu Mỹ vỡ nợ và cuộc khủng hoảng không được giải quyết nhanh chóng.
Điều gây lo lắng bắt nguồn từ thực tế rất nhiều hoạt động tài chính xoay quanh niềm tin rằng nước Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, sẽ luôn thanh toán các nghĩa vụ tài chính của mình đúng hạn. Các khoản nợ của Chính phủ Mỹ được ghi nhận thông qua phát hành tín phiếu và trái phiếu, từ lâu được coi là một tài sản cực kỳ an toàn, là nền tảng của thương mại toàn cầu, được xây dựng trên nhiều thập kỷ tin tưởng vào xứ sở cờ hoa.
Việc vỡ nợ có thể phá vỡ thị trường buôn bán trái phiếu kho bạc Mỹ trị giá 24 nghìn tỷ USD, khiến thị trường tài chính đóng băng và gây ra một cuộc khủng hoảng quốc tế.
Nguy cơ xuất hiện trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt với vô số mối đe dọa, từ lạm phát và lãi suất gia tăng đến những hậu quả dai dẳng của cuộc xung đột Nga - Ukraine. Ngoài ra, nhiều quốc gia đã trở nên hoài nghi về vai trò to lớn của Mỹ trong nền tài chính toàn cầu.
Các chuyên gia giải thích, trái phiếu kho bạc Mỹ đang được sử dụng rộng rãi làm tài sản thế chấp cho các khoản vay, như tấm đệm chống lại thua lỗ của hệ thống ngân hàng, là phương tiện dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương cũng như điểm tựa vượt qua thời kỳ bất ổn.
Do được tín nhiệm an toàn, trái phiếu kho bạc Mỹ có trọng số rủi ro bằng 0 theo các quy định ngân hàng quốc tế. Washington cũng có thể dễ dàng vay mượn và tài trợ cho khối nợ chính phủ ngày càng tăng thông qua phát hành trái phiếu kho bạc.
Hiện các chính phủ nước ngoài cũng như các nhà đầu tư tư nhân đang nắm giữ số nợ trị giá gần 7,6 nghìn tỷ USD của Mỹ, tương đương khoảng 31% trái phiếu kho bạc trên thị trường tài chính. IMF thống kê, trong tất cả các khoản dự trữ ngoại hối do các ngân hàng trung ương trên thế giới nắm giữ, đồng USD chiếm 58%, trong khi đồng Euro đứng thứ 2 chỉ chiếm 20% và đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc ở mức dưới 3%.
Các nhà nghiên cứu tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tính toán rằng, từ năm 1999 - 2019, 96% giao dịch ở châu Mỹ và 74% giao dịch ở châu Á được thanh toán bằng đồng USD. Ở những nơi khác ngoài châu Âu, nơi đồng Euro thống trị, đồng USD chiếm 79% các giao dịch.
Do vậy, Maurice Obstfeld, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Kinh tế học quốc tế Peterson, từng là kinh tế gia trưởng tại Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, bất kỳ tác động nào đến niềm tin vào nền kinh tế Mỹ đều có thể gây ảnh hưởng dây chuyền khắp hệ thống và dẫn đến những hậu quả to lớn đối với tăng trưởng toàn cầu.
Theo chuyên gia Zhandi, đồng USD sẽ tăng giá ít nhất là trong giai đoạn đầu, vì các nhà đầu tư vẫn tìm đến đồng tiền này như thói quen lâu nay khi đối mặt bất ổn. Tuy nhiên, thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ sẽ bị tê liệt. Nhà đầu tư sẽ chuyển tiền sang các quỹ thị trường tiền tệ Mỹ hoặc trái phiếu của các doanh nghiệp hàng đầu xứ sở cờ hoa. Song, chính sự hoài nghi sẽ làm giảm giá trị đồng USD về dài hạn.
Việc giá trị của đồng tiền này giảm sẽ khiến các nền kinh tế đang phát triển hoặc kém phát triển có nợ công cao phải trả nợ nhiều hơn. Những khoản nợ bằng ngoại tệ khác đồng thời tăng lên khiến các nước này đứng trước nguy cơ khủng hoảng nợ.
Đối với giới đầu tư và các nước đang nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ dài hạn, nếu chính phủ Mỹ vỡ nợ, các trái phiếu này sẽ mất giá nghiêm trọng, khiến giá trị tài sản của họ sụt giảm theo. Các nhà đầu tư cũng có thể bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ để gỡ gạc, góp phần khiến đồng USD suy yếu hơn nữa.
Bên cạnh đó, số tiền phải trả cho bảo hiểm vỡ nợ trái phiếu dài hạn chính phủ Mỹ hiện ở mức 0,34%, tăng gần gấp đôi so với mức 0,2% từ đầu năm, có thể tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Tất cả có thể khiến hệ thống tài chính toàn cầu chao đảo với những hệ lụy khôn lường.
Dù thừa nhận nguy cơ vỡ nợ của chính phủ Mỹ, nhưng giới quan sát đánh giá nguy cơ này không cao vì viễn cảnh đó không có lợi cho bất kỳ bên nào. Theo họ, đàm phán nâng trần nợ công đã bị biến thành “vũ khí chính trị” của các đảng phái Mỹ và phe Cộng hòa có thể chấp nhận tăng giới hạn nợ vào phút chót khi nhận được sự nhượng bộ nào đó từ Tổng thống Joe Biden và phe Dân chủ.