Điều không tưởng của shopping
Tại một cửa hàng Winmart+ nằm trên đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh, TP.HCM), trong bán kính 500m, thu nhập bình quân của dân cư khu vực từ 7-10 triệu đồng/tháng. Ở mức thu nhập này, siêu thị đã thâm nhập được khoảng 15% lượng khách, nhưng với tập khách hàng có thu nhập cao hơn thì mức độ tiếp cận chưa đạt.
Bình Thạnh là quận có sự cạnh tranh khá gắt giữa các cửa hàng tiện lợi, với nhiều tên tuổi khác nhau. Mấu chốt là cần chiếm được vị trí có sức mua tốt, đi vào vùng lõi của những khu vực sức mua cao hay tìm những địa điểm có nhiều cơ hội bán hàng quanh khu vực đường Điện Biên Phủ.
Đây là những khuyến cáo của giám đốc công ty công nghệ tới các nhà quản lý chuỗi bán lẻ khi tính toán mở điểm bán hàng tại 1 điểm mà họ dự kiến. Chính lãnh đạo chuỗi siêu thị này cũng thừa nhận, với quy mô hàng chục nghìn điểm bán, mỗi năm mở thêm gần nghìn điểm thì không thể cứ cử người đến nhìn ngó rồi cảm nhận để đưa ra quyết định mà phải có sự hỗ trợ của công nghệ.
Và một phần của bí quyết công nghệ đó là bản đồ dữ liệu tiềm năng, nhu cầu và hành vi mua sắm đã được công ty công nghệ hé lộ. Theo đó, trên, hệ thống dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI) đã chia mặt phẳng bản đồ Việt Nam thành những ô vuông có diện tích 100m x 100m. Sau đó, hệ thống tính toán mức thu nhập, sức mua, thiết kế hàng hóa phù hợp với từng khu vực rất nhỏ, từng ô vuông. Và có khoảng 33 triệu ô như vậy với hàng chục tiêu chí dữ liệu được cập nhật, phân tích để giúp lãnh đạo DN đưa ra quyết định
Bản đồ này giúp hệ thống bán lẻ như bố trí lại các quân cờ trên một bàn cờ vây, đi đến tập khách hàng mà họ mong muốn nhất. Và sau cú bắt tay trị giá 65 triệu USD với Masan Group, ông Nguyễn An Nguyên - CEO Trusting Social kỳ vọng, từ nửa sau năm 2022, sẽ nâng tỷ lệ thành công trong việc mở loạt cửa hàng tiện ích từ 60% như hiện tại lên 90%, thậm chí cao hơn nhờ tận dụng bản đồ bán lẻ AI.
Ông Tổng Giám đốc CTCP Hàng Tiêu dùng Masan - Masan Consumer thừa nhận, một chuỗi bán lẻ lớn như Winmart khi phát triển hệ thống phải đối mặt 2 vấn đề là mở rộng nhanh và đảm bảo hiệu quả. Nhờ có dữ liệu công nghệ sẽ giúp đưa ra các quyết định chính xác hơn, đi nhanh và hiệu quả hơn.
Ông Tạ Quang Huy, CEO Hanwha Techwin Việt Nam, từng dẫn chứng ví dụ thành công khi một chuỗi cửa hàng mỹ phẩm đã âm thầm sử dụng hệ thống camera AI đếm người. Camera phân biệt quầy hàng A thì đối tượng nào mua hàng, độ tuổi là bao nhiêu và khác với quầy hàng B ra sao. Từ đó, chuỗi mỹ phẩm bố trí lại gian hàng, phân loại khách hàng. Họ thay đổi cách bài trí phù hợp với hành vi mua sắm. Chuỗi mỹ phẩm này đã thành công và hiện có mặt ở 4 TP là TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng.
Còn Trusting Social vẫn chưa muốn dừng những điều không tưởng ở đó. Sự hiểu biết toàn diện về hành vi người tiêu dùng đang được công ty quy nạp về dạng dữ liệu tín dụng, mỗi dữ liệu thể hiện một chiều khác nhau của con người.
Chẳng hạn, một người vào cửa hàng mua bỉm thì AI đưa ra các phân tích: khả năng người đó có con nhỏ; thường là phụ nữ; việc mua bỉm cũng thể hiện mức thu nhập. Nhưng tất cả dữ liệu đó cũng chỉ là thông tin một chiều, nếu kết hợp thêm các nguồn dữ liệu khác nhau sẽ tạo ra bức tranh toàn ảnh về người tiêu dùng.
Mức độ phân tích các trường dữ liệu có thể đạt tới nền tảng siêu cá nhân hóa. Cụ thể, AI tính toán chính xác khách hàng sẽ định mua gì trước cả khi họ nghĩ đến việc đó. Ở Mỹ, đã có trường hợp, nhà bán hàng gửi sản phẩm tới tận nhà cho bạn, tất nhiên, nếu bạn không muốn thì có thể trả lại. Nhưng đáng ngạc nhiên, AI dự đoán quá tốt nên tỷ lệ hàng trả lại rất thấp.
“Chúng tôi có sự thấu hiểu hàng chục triệu người tiêu dùng Việt Nam. Các DN lớn, cùng tận dụng sức mạnh của Big Data, AI, không chỉ đem lại lợi ích cho các điểm bán mà còn gia tăng sự thuận tiện cho mỗi người dân”, ông Nguyên nói.
Số hóa những hệ sinh thái tỷ USD
Năm 2014, VNG được World Startup Report định giá 1 tỷ USD và trở thành DN kỳ lân đầu tiên của Việt Nam. Mặc dù xuất phát điểm là một công ty nhượng quyền kinh doanh trò chơi, ngày nay VNG được biết đến nhiều nhất với ứng dụng nhắn tin Zalo hay các khoản đầu tư khác vào thương mại điện tử, trò chơi hay nền tảng thanh toán.
Các công ty như VNG, Grab, SEA (công ty mẹ của Shopee), One Mount Group... thường được gọi là “doanh nghiệp hệ sinh thái”. Theo báo cáo “Sáu quy tắc vàng giúp các doanh nghiệp hệ sinh thái giành thắng lợi tại Việt Nam” do Giám đốc Điều hành McKinsey tại Việt Nam - ông Bruce Delteil và các cộng sự thực hiện, hệ sinh thái đang biến sự kết hợp tưởng chừng như không thể thành các kết quả có thể tạo ra. Hãy nghĩ tới một doanh nghiệp hệ sinh thái cung cấp lượng hàng tồn kho lớn nhất, trong thời gian vận chuyển nhanh nhất, đem lại trải nghiệm khách hàng tốt nhất với chi phí thấp. Tất cả trong một.
Tại Việt Nam, ngày càng có nhiều ngành tiếp tục hội tụ thành các liên kết mới, rộng và năng động hơn để hình thành các hệ sinh thái số - một tập hợp các dịch vụ có mối liên kết với nhau dành cho khách hàng, đem lại trải nghiệm tích hợp. Hiện có nhiều hệ sinh thái cùng tồn tại trong các lĩnh vực như bán lẻ, truyền thông, viễn thông, dịch vụ tài chính và vận tải. Hơn nữa, các hệ sinh thái này đang mở rộng quy mô nhanh chóng tại với hàng triệu người dùng gắn bó trên nhiều nền tảng khác nhau.
Phân tích của McKinsey nhận định, đến năm 2025 sẽ nổi lên 12 hệ sinh thái lớn trong các dịch vụ bán lẻ và tổ chức tại Việt Nam với tổng doanh thu khoảng 100 tỷ USD.
Masan Group đang số hóa toàn bộ nền tảng từ sản xuất, bán lẻ, chuỗi cung ứng, dịch vụ tài chính và ứng dụng Big Data, AI, Machine learning - máy học (cho phép máy tính có khả năng cải thiện chính bản thân nó) xuyên suốt các nền tảng. Theo đánh giá, kế hoạch “Consumer of things” - kết nối vạn nhu cầu, sẽ giúp tập đoàn tối ưu hóa 10% chi phí hoạt động, người tiêu dùng mua sắm sản phẩm thiết yếu thường ngày với giá rẻ hơn từ 5-10% so với hiện tại.
“Chúng tôi không thể thay đổi niềm tin, thói quen, bản năng, nhu cầu của người dân nhưng với công nghệ thì phương thức sẽ thay đổi", Chủ tịch Masan Group - ông Nguyễn Đăng Quang nói và bày tỏ niềm tin: “trí tuệ Nhân tạo” là động lực thúc đẩy chuyển đổi. Công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo và Machine learning - máy học) chính là con đường duy nhất để đáp ứng những nhu cầu của người tiêu dùng một cách chính xác qua cả nền tảng offline cũng như online.”
Dẫu vậy, câu hỏi thực sự đặt ra cho các doanh nghiệp hệ là làm thế nào họ có thể đổi mới và thành công. Vốn dĩ, hệ sinh thái thường xoay quanh thương mại điện tử, truyền thông xã hội hoặc thanh toán và dịch vụ tài chính. Để kiến tạo các hệ sinh thái hàng tỷ USD đòi hỏi những nỗ lực, chẳng hạn như đầu tư tập trung để hợp nhất tất cả các lĩnh vực, công nghệ để hướng tới lâu dài.
Ông Bruce Delteil cho rằng, trong một thế giới không biên giới, dữ liệu đóng vai trò như một loại tiền tệ có giá trị. Một hệ sinh thái muốn cạnh tranh hiệu quả phải có khả năng tổng hợp khối lượng dữ liệu khổng lồ cũng như xây dựng năng lực lưu trữ, xử lý và phân tích dữ liệu đó để tạo ra những dữ liệu kinh doanh am tường rồi chuyển hóa thành hành động. Chìa khóa nằm ở khả năng khai thác và phân tích dữ liệu ở quy mô lớn. Các hệ sinh thái đang cố gắng xây dựng lợi thế cạnh tranh áp đảo bằng cách thu thập, phân tích chéo dữ liệu trong tất cả các ngành.
Trần Chung
Camera AI phân biệt, lọc độ tuổi của khách khi thực hiện hành vi mua sắm. Từ đó, DN phân tích dữ liệu, bố trí lại gian hàng, phân loại khách theo thu nhập và đã thành công tại Việt Nam.