NSND Hoàng Khiềm, nguyên Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam từng lừng danh trên sân khấu tuồng khi mới 30 tuổi với loạt vai như Đình Ôn (tuồng cổ Sơn Hậu), Trịnh Ân (tuồng cổ Nữ tướng Đào Tam Xuân)...
Rời sân khấu tuồng đã lâu, mới đây NSND Hoàng Khiềm xuất hiện tại họp báo ra mắt MV Rộn ràng xuân đến của con gái - ca sĩ Ngọc Anh 3A. Ông dành cho VietNamNet chia sẻ ngắn về cuộc sống và những trăn trở với nghề.
Ngọc Anh 3A cá tính nhưng tinh tế
- Cuộc sống của ông sau 15 năm nghỉ hưu hiện tại ra sao?
Tôi nghỉ hưu năm 2010 nhưng nghệ sĩ chỉ nghỉ theo quy định của Nhà nước, còn tuổi nghề của chúng tôi kéo dài vô tận, chỉ phụ thuộc vào có nhiệt huyết và đủ sức khoẻ để theo đuổi đam mê hay không thôi.
Sau nghỉ hưu, tôi vẫn cộng tác dàn dựng các vở truyền thống, tuồng cổ và đào tạo thế hệ diễn viên trẻ cho Nhà hát Tuồng Việt Nam. Vài năm gần đây, sức khoẻ không cho phép nên tôi tạm dừng.
- Lúc giảng dạy diễn viên trẻ, ông truyền cảm hứng cho họ như thế nào để giữ nghề, trong thời đại mà nghệ sĩ theo nghệ thuật truyền thống phải chật vật mưu sinh?
Câu hỏi của bạn cũng là trăn trở của nhiều người. Mặc dù đời sống của nghệ sĩ sân khấu tuồng rất khó khăn nhưng họ giống như con chim đã ăn mặn thì không thể bay xa được. Có nghĩa là những người nào dấn thân vào nghệ thuật tuồng, đa phần không bỏ được.
- Hẳn ông vui vì con gái - ca sĩ Ngọc Anh 3A không theo nghề vất vả, cát-sê lại thấp như bố?
Sống trong môi trường xung quanh đều là tuồng nên có vẻ như từ bé Ngọc Anh đã “nhiễm” tuồng. Ngọc Anh hát tuồng rất hay. 12 tuổi, nghe mọi người xui, con từng liều thi tuyển thử vào trường đào tạo tuồng nhưng trượt vì chưa đủ tuổi. 15 tuổi, thêm một lần nữa Ngọc Anh quyết đem giọng đi thi thố khi chưa đủ tuổi nhưng lần này là thi vào Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam - PV). Ngọc Anh trình diễn ngọt ngào và bốc lửa hai ca khúc Lý chiều chiều và Lời tỏ tình mùa xuân nên đã đỗ thủ khoa và được đặc cách nhận vào học trước tuổi.
Tôi quan niệm ai có khả năng đến đâu và năng khiếu gì nên phát huy ở lĩnh vực đó chứ không quan niệm “cha truyền con nối”. Nhưng tới giờ, khi nghe con hát và biểu diễn trên sân khấu, tôi vẫn thấy phảng phất chất tuồng, đó là chất anh hùng.
- Ông tự hào về con gái khi một mình đi một đường song vẫn nổi tiếng, vượt bóng gia đình?
Ca ngợi thì hơi buồn cười, khéo người ta lại nghĩ “con hát, mẹ khen hay”. Có thời điểm, Ngọc Anh bị cho là ăn mặc rối rắm, phá cách táo bạo, tôi lại thấy con gái rất có gu, chẳng vấn đề gì. Không phải bênh mà tôi tin tưởng vào sự lựa chọn của con gái.
- Ngọc Anh là ca sĩ cá tính trên sân khấu, ngoài đời, con gái ông có khó bảo?
Ngọc Anh ít nói nhưng chu đáo và sâu sắc nhất trong gia đình. Lúc trẻ, Ngọc Anh có thể đi thuần thục một chiếc xe côn, thỉnh thoảng cũng biểu diễn nhiều pha chỉ thấy ở tay đua trong phim hành động nhưng lại thừa hưởng năng khiếu nấu ăn từ mẹ và mê nữ công gia chánh. Hễ ra ngoài thấy có món gì mới, ngon ngon lạ miệng là tìm cách học bằng được rồi về nấu đãi bố mẹ và em trai.
Thời mới đi hát, Ngọc Anh dành dụm tiền mua cây đàn hơn chục triệu tặng sinh nhật em trai. Vì thế, dù rất cá tính nhưng trong gia đình, Ngọc Anh là người tinh tế.
Như đợt này, con gái quay MV Rộn ràng xuân đến, mời cả gia đình đóng chung. Đó là một kỷ niệm sâu sắc với gia đình làm nghệ thuật như chúng tôi. Tôi vui và hạnh phúc vì con gái dù có xa quê hương nhưng một lòng vẫn hướng về Tổ quốc.
Yêu tuồng đến mê đắm, ngủ vẫn giật mình vì nghĩ đang ở sân khấu
- Thời hoàng kim của sân khấu tuồng, ông nhớ nhất điều gì?
Tôi nhớ nhất đêm diễn trước khán giả mà tới giờ, nằm ngủ nhiều khi còn mơ thấy tiếng vỗ tay, tưởng mình đang đứng trên sân khấu. Hoặc có lúc đang ngủ lại giật mình thon thót, tưởng quên lớp diễn. Diễn viên mà, có những lúc xao nhãng, đứng trong cánh gà suy nghĩ lung tung là quên ngay. Đó là những ấn tượng sâu sắc mà tới giờ tôi vẫn không thể nào quên, có những thoại nhân vật, vô thức tôi vẫn bật lên thành tiếng, hát múa như thật…
- Niềm vui của nghệ sĩ tuồng là những tiếng vỗ tay, còn cay đắng chua chát thì sao?
Cay đắng chua chát thì chưa nhưng tủi thân là có thật. Nhưng nghệ sĩ đã theo tuồng chắc chắn một điều là yêu nghệ thuật này tới cùng. Những nghệ sĩ đang công tác tại Nhà hát Tuồng Việt Nam có thể nói đã dành cả đời cho nghệ thuật này.
Thời của chúng tôi hoàn toàn sống được bằng nghề. Có thể do nhu cầu lúc đó của mình ít, và ngày lại có tới 2 suất diễn, đi tới đâu khán giả chào đón nồng nhiệt tới đó. Nhưng hiện tại, trước sự phát triển của xã hội, khán giả có nhiều sự lựa chọn hơn, nhìn đồng nghiệp chật vật mưu sinh, tôi thấy tủi thân thay.
Gần đây, thấy khán giả trẻ, nhất là khách nước ngoài tới với Nhà hát Tuồng nhiều hơn, đó là điều đáng mừng. Tôi hy vọng Nhà nước quan tâm hơn nữa tới nghệ sĩ tuồng, để họ yên tâm giữ lửa nghề.
- Dành cả đời cho nghệ thuật tuồng, nghỉ hưu, ông có điều gì tiếc nuối, muốn làm mà không thể?
Đó là công tác đào tạo diễn viên trẻ. Tôi về hưu được 15 năm, lúc đó sân khấu tuồng có hạn chế nhất định. Đãi ngộ của Nhà nước với nghệ thuật tuồng chưa được ưu tiên nên không hấp dẫn với thế hệ nghệ sĩ trẻ, nhất là người có năng khiếu.
Tuồng truyền thống có lời thoại thiên về văn học cổ, nhiều từ Hán. Thêm nữa, nội dung phản ánh thường là trung quân, ái quốc nên có thể khó tiếp cận với khán giả hiện đại. Điều đặc biệt, tuồng cổ chứa đựng yếu tố đồng sáng tạo giữa nghệ sĩ và khán giả.
Chẳng hạn, trên sân khấu không bài trí, diễn viên phải thể hiện được cảnh núi đồi, sông biển qua diễn xuất, động tác sao cho người xem “cảm” được. Qua đó, niềm hứng khởi của khán giả tạo hưng phấn cho nghệ sĩ. Tiếc là, cách thưởng thức này không còn nữa và dẫn đến hệ quả, tuồng truyền thống ngày càng xa rời sự hiểu biết của công chúng. Khi trình độ thưởng thức của khán giả đi xuống, có nghĩa khả năng của nghệ sĩ không thể tiến bộ.
Trước kia, diễn viên và người xem có quan hệ gần như ruột thịt. Sự thân thiết này được bồi đắp qua từng thế hệ song ngày nay đã không còn.
NSND Hoàng Khiềm trong trích đoạn ca cảnh tuồng "Kể chuyện về nghề quạt":
Clip: Mai Văn Lạng