‘Bùng phát’ lừa đảo mạo danh nhân viên chuyển phát

Chị N.Q.C, một nhân viên văn phòng tại Hà Nội vừa trở thành nạn nhân mới của các đối tượng lừa đảo theo hình thức giả mạo shipper - nhân viên giao hàng thương mại điện tử.

Sau khi nhận cuộc gọi và làm theo hướng dẫn của shipper giả mạo, nữ nhân viên văn phòng này đã bị chiếm đoạt toàn bộ hơn 50 triệu đồng mà chị có trong tài khoản ngân hàng.

Không chỉ chị N.Q.C, thời gian gần đây, trên không gian mạng Việt Nam, đã xảy ra nhiều vụ việc người dân tham gia mua sắm online trên không gian mạng Việt Nam bị các nhóm đối tượng lừa đảo bằng chiêu trò giả mạo shipper.

lua dao truc tuyen 2.jpg
Theo Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), thời gian qua, nhiều đối tượng lừa đảo đã giả mạo shipper để chiếm đoạt tài sản của người dân. Ảnh minh họa: NCSC

Với hình thức lừa đảo giả mạo shipper, thủ đoạn của các đối tượng là gọi điện thoại thông báo nạn nhân có hàng được giao, gửi tin nhắn số tài khoản và đề nghị thanh toán chuyển khoản tiền hàng đã được nhân viên giao nhận ứng trước. 

Sau khi nạn nhân chuyển khoản, lấy lý do đưa nhầm số tài khoản công ty dùng để đăng ký thẻ hội viên, các đối tượng mạo danh shipper hướng dẫn nạn nhân các bước để hủy thẻ hội viên. 

Các đối tượng lừa đảo còn tạo website, fanpage giả mạo trang thông tin điện tử, tài khoản mạng xã hội của các đơn vị chuyển phát để tăng mức độ tin cậy nhằm dẫn dụ người dùng cung cấp thông tin cá nhân, cài ứng dụng giả mạo có chứa mã độc và từ đó chiếm đoạt tài sản của nạn nhân.

Số liệu từ hệ thống của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia - NCSC thuộc Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho thấy, trong khoảng 2 tháng gần đây, danh sách website giả mạo thương hiệu với mục đích lừa đảo đều có tên các trang giả mạo Công ty chuyển phát Giao Hàng Tiết Kiệm và các sàn thương mại điện tử lớn như Tiki, Shopee, Lazada...

Trao đổi với phóng viên VietNamNet, ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Nghiên cứu, tư vấn, phát triển công nghệ và Hợp tác quốc tế, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia phân tích: “Nguyên nhân khiến nhiều người dùng “sập bẫy” lừa đảo giả mạo shipper thời gian vừa qua một phần có yếu tố cả nể, với tâm lý các shipper là những người vất vả, đi lại nhiều mới giao được 1 đơn hàng nên nhiều người dù có nghi ngờ nhưng vẫn làm theo để hỗ trợ shipper. Lợi dụng điều này, các đối tượng lừa đảo đã dẫn dắt nạn nhân qua từng bước rất tinh vi”.

Để phòng ngừa, chuyên gia Hiệp hội An ninh mạng quốc gia khuyên người dùng nên chủ động trong việc quản lý các đơn hàng của mình, cụ thể là cần biết rõ mình đặt mua gì và đơn vị nào thực hiện chuyển phát, tốt nhất là theo dõi trên các app của nhà cung cấp dịch vụ chuyển phát và chỉ trao đổi với shipper qua kênh này.

Trong trường hợp bắt buộc phải liên lạc trực tiếp với shipper, chỉ nên trao đổi thông tin qua điện thoại, tuyệt đối không bấm vào link có địa chỉ không rõ ràng, không có tick xanh hay không được công bố công khai trên website của nhà cung cấp dịch vụ.

Giảm thiểu lừa đảo mạo danh shipper bằng việc định danh cuộc gọi 

Theo nhận xét của các chuyên gia, việc các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp áp dụng biện pháp định danh cuộc gọi tới người dân, khách hàng là 1 trong những biện pháp sẽ góp phần hạn chế tình trạng các đối tượng mạo danh để lừa đảo trên không gian mạng.

Trên thực tế, từ tháng 10/2023, Bộ TT&TT đã tiên phong triển khai việc định danh cuộc gọi từ các cơ quan, đơn vị của Bộ tới người dân.

Hiện tại, Bộ TT&TT đang phối hợp để thúc đẩy việc triển khai định danh cuộc gọi từ các số liên hệ chính thức từ các đơn vị của Bộ Công an. 

W-dinh-danh-cuoc-goi-1-1-1.jpg
Việc áp dụng định danh cuộc gọi từ bưu tá tới khách hàng cũng như phương thức liên lạc với nhân viên của đơn vị cần được doanh nghiệp chuyển phát tuyên truyền rộng rãi tới người dân. Ảnh: P.Linh

Song song đó, thời gian qua, để tránh tình trạng bị mạo danh, một số doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ như nhà mạng viễn thông – Internet hay đơn vị cung cấp dịch vụ bưu chính, chuyển phát đã gán tên định danh - brandname của doanh nghiệp cho các cuộc gọi tới các khách hàng.

Riêng với lĩnh vực bưu chính, giải pháp định danh cuộc gọi của bưu tá đang được 2 doanh nghiệp lớn là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam – Vietnam Post và Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel - Viettel Post triển khai áp dụng. 

Qua quá trình định danh cuộc gọi của bưu tá trong hơn nửa năm qua, 2 doanh nghiệp bưu chính đều cho biết đây là 1 trong những biện pháp để góp phần bảo vệ khách hàng của mình trước vấn nạn lừa đảo mạo danh, bên cạnh các biện pháp khác như: chủ động rà quét để phát hiện sớm và có cảnh báo kịp thời tới khách hàng về các website, fanpage mạo danh thương hiệu; tuyên truyền để người dùng biết về các kênh thông tin chính thống của đơn vị...

Bàn thêm về biện pháp định danh cuộc gọi của đội ngũ nhân viên giao hàng, chuyên gia Vũ Ngọc Sơn khuyến nghị biện pháp này nên được các doanh nghiệp chuyển phát thực hiện gắn với ứng dụng giao hàng của đơn vị. Khi đó, người dùng vừa theo dõi được đơn hàng đang di chuyển, vừa biết tên và số liên lạc của nhân viên sẽ giao hàng tới mình.

"Ngoài ra, một việc quan trọng các hãng chuyển phát cũng cần lưu ý là tuyên truyền để người dân biết việc doanh nghiệp áp dụng định danh cuộc gọi, đồng thời công bố các phương thức liên lạc với nhân viên của đơn vị mình", chuyên gia Vũ Ngọc Sơn chia sẻ thêm.

Với trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực an toàn thông tin mạng, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) đã và đang triển khai nhiều giải pháp để giải quyết tình trạng lừa đảo trên không gian mạng, trong đó có hình thức lừa đảo giả mạo shipper, cụ thể là: Tăng cường tuyên truyền và nâng cao nhận thức, đẩy mạnh các chiến dịch truyền thông trên diện rộng để nâng cao kỹ năng phòng chống lừa đảo trực tuyến cho người dân; phát triển các bộ công cụ giúp người dân nhận diện lừa đảo trực tuyến; phát triển Cổng tiếp nhận báo cáo về lừa đảo, an toàn thông tin; triển khai các biện pháp quản lý, kỹ thuật để bảo vệ dữ liệu cá nhân; triển khai hệ sinh thái ‘Tín nhiệm mạng’ để đánh giá, xác nhận các website đảm bảo an toàn thông tin mạng...