Rất khó tiếp cận
Tại hội thảo Kiểm toán đối với DN do Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ ngày 6/7, TS. Hà Thị Mỹ Dung, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước (KTNN) cho biết, với quan điểm “ở đâu có tài sản công, tài chính công, ở đó có sự kiểm tra, giám sát của KTNN". Do đó, đối với DN do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống, khi cần thiết, Tổng KTNN quyết định lựa chọn mục tiêu, nội dung và phương pháp kiểm toán phù hợp.”
Kể từ khi Luật KTNN năm 2015 có hiệu lực đến nay, đối với doanh nghiệp có vốn Nhà nước dưới 50%, KTNN đã thực hiện kiểm toán và phát hành 6 cuộc kiểm toán độc lập và 23 cuộc kiểm toán các công ty liên kết lồng ghép với kiểm toán BCTC Công ty mẹ - các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước với tổng kiến nghị tăng thu NSNN 89 tỷ đồng, chủ yếu là các khoản thu do sai sót trong kê khai, xác định thuế... Cơ quan này cũng chỉ ra một số yếu kém, bất cập của cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đại diện phần vốn nhà nước.
Cụ thể, theo bà Nguyễn Thu Giang, Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VI, năm 2009 và 2018, KTNN chuyên ngành VI đã thực hiện kiểm toán Liên doanh dầu khí Vietsovpetro hợp tác giữa Việt Nam và Nga, trong đó phía Việt Nam nắm giữ 49% vốn. Kết quả kiểm toán cho thấy, liên doanh phải tăng nộp cho ngân sách nhà nước Việt Nam, có những biện pháp khắc phục tồn tại, định hướng hoạt động,… Kết quả này được cả hai bên nhất trí thực hiện.
Hay năm 2009 kiểm toán BCTC năm 2008 của Công ty cổ phần FPT, Nhà nước chỉ chiếm 7,5% vốn điều lệ. Qua kiểm toán đã kiến nghị tăng thu cho Nhà nước 10,7 tỷ đồng, kiến nghị UBND TP. Đà Nẵng thu hồi hoặc tính thiền thu sử dụng 4.100m2 đất,... hay kiểm toán Vinaconex (Nhà nước nắm giữ 42% vốn),…
Tuy nhiên, TS. chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, có 2 điểm quan trọng cần lưu ý. Thứ nhất, đang có sự lúng túng trong việc nhìn nhận về khái niệm DNNN, khi Luật DN 2014 quy định DNNN là DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và Luật DN 2020 thì DNNN lại là các DN mà Nhà nước nắm trên 50% vốn điều lệ.
Thứ hai, việc nhận diện cộng đồng DN mà Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn như thế nào, khi thời gian tới số lượng DN này sẽ tăng mạnh do tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ ngày càng giảm. Chúng ta đang thiếu một bức tranh tổng thể về cộng đồng DN mà Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn, có bao nhiêu DN, chiếm bao nhiêu tài sản, tỷ lệ cơ cấu vốn như thế nào,... đều chưa rõ rằng. Có DN tỷ lệ Nhà nước nắm giữ vốn chỉ 20% nhưng vốn điều lệ cả nghìn tỷ đồng, hoặc có DN mà Nhà nước nắm giữ 30-40% vốn nhưng tổng vốn chỉ 200-300 tỷ đồng...
Chính vì tính pháp lý chưa rõ ràng nên việc tiếp cận các DN do Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ để khi kiểm toán là rất khó khăn, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp, ông Nguyễn Hồng Long, nhận xét.
Sau 5 năm (2016-2020) đến nay hầu như chưa có đánh giá nào thật cụ thể, chính xác về tài sản và đất đai của Nhà nước sau CPH; việc đổi mới công nghệ; vấn đề người lao động, trách nhiệm xã hội,.. tại các DN do NN nắm giữ dưới 50% vốn, ngoại trừ lợi nhuận là tương đối đầy đủ. Vì thế, ông Long cho rằng, việc này chỉ có KTNN mới làm được.
“Về pháp lý, căn cứ vào khoản 10 Điều 55 Luật KTNN 2015. DN dưới 50% vốn Nhà nước rất nhiều kiểm toán độc lập vào rồi, nhưng quan trọng là cần kiểm tra vốn và tài sản của Nhà nước tại đây, sau CPH thì DN hiệu quả hoạt động như thế nào" ông Long nói.
Người đại diện phần vốn chỉ là công chức tốt trong DN
TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, chỉ ra rằng, thực tế hoạt động của các DNNN dưới 50% vốn cho thấy DN không thuộc loại nào cả, không thuộc DNNN, không thuộc tư nhân, nó tốt hay xấu cũng không biết,... Tuy nhiên, vẫn phải kiểm toán vì nhiệm vụ của KTNN là kiểm toán toàn bộ hoạt động của DNNN do đều liên quan đến tài chính công và tài sản công.
Nhưng khi KTNN triển khai kiểm toán các DN vốn Nhà nước dưới 50% đã cho thấy những hạn chế, tồn tại mà cơ quan này gặp phải.
Bà Nguyễn Thu Giang cho hay, do chưa được Luật hóa, cơ sở pháp lý còn yếu nên khi kiểm toán, mới thực hiện chủ yếu với Công ty mẹ. Các thành phần kinh tế cổ đông nhà nước lấy đó làm lý do để không hợp tác, hoặc hạn chế hợp tác. Bà dẫn chứng, trước đây KTNN có kế hoạch kiểm toán Vinamilk, vốn Nhà nước dưới 30%, khi có công văn yêu cầu kiểm toán họ có văn bản từ chối bởi thiếu những quy định cụ thể.
Đặc biệt, đối với những DN mà Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ, tùy vào tỷ lệ vốn góp mà người đại diện phần vốn Nhà nước có tiếng nói hoặc được tham gia biểu quyết liên quan đến hoạt động của DN hay không.
Dưới góc nhìn chuyên gia, TS. Vũ Đình Ánh nhận xét, chúng ta đang thực hiện CPH DNNN nửa vời khi giao trách nhiệm cho người đại diện phần vốn Nhà nước tại DN (Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước), là một công chức, một viên chức và trong một số trường hợp là quan chức, rất nhiều trong số họ sắp về hưu, chứ không phải là một doanh nhân.
"Làm sao họ đối với mặt được với những doanh nhân có sỏi trong đầu, kể cả khi họ nắm trên 50% vốn Nhà nước tại DN. Tôi cho rằng cần sửa đổi toàn bộ tiêu chuẩn để lựa chọn người làm đại diện phần vốn sở hữu Nhà nước tại DN. Họ không đủ phẩm chất của doanh nhân trong nền kinh tế thị trường, lựa chọn này cơ bản không hợp lý. Không cần một công chức tốt trong DN”, ông Ánh nhấn mạnh.
Song, liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thu Giang nhận xét, cũng có người nọ người kia nhưng cần đánh giá một cách khách quan. Những người đại diện vốn Nhà nước tương đối chuyên nghiệp, họ cũng có trình độ, được phân công phù hợp theo lĩnh vực. Nhưng bà thừa nhận, nếu tỷ lệ nắm giữ vốn Nhà nước trên 51%, người đại diện mới có tiếng nói với hoạt động của DN; còn nếu tỷ lệ dưới 35% rất ít được tham gia biểu quyết, kể cả khi người đó là 1 trong 5 thành viên HĐQT.
Để việc kiểm toán DN do Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ được “suôn sẻ”, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, cần xác định mục tiêu kiểm toán là gì, cần bám vào đâu để kiểm toán: vốn đầu tư của Nhà nước hay người đại diện vốn Nhà nước?
Hơn nữa, xác định DN tiếp nhận kiểm toán. Cần có quy định rõ là ông chủ DN hay đại diện DN, chứ nếu chỉ kiểm toán người đại diện vốn NN thì đó chỉ là lát cắt rất nhỏ, rất yếu.
Bên cạnh đó, làm rõ quyền tiếp cận thông tin của KTNN đến đâu, đối với DN cổ phần, tư nhân Nhà nước chỉ nắm giữ ít % là khó, phải có cơ sở pháp lý hoặc KTNN phải định ra cơ sở pháp lý, nhất là khi các DN hiện hầu như đều có hai hệ thống kế toán.