Nguồn cung, giao dịch giảm, doanh nghiệp giải thể tăng
Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) vừa công bố báo cáo “Thực trạng sức khỏe thị trường bất động sản Việt Nam” với nhiều số liệu cho thấy, 5 tháng đầu năm 2023 các doanh nghiệp bất động sản, ngành môi giới đang gặp rất nhiều khó khăn.
Theo VARS, kể từ đầu năm 2022 đến nay, thị trường luôn trong trạng thái “khát” nguồn cung, đặc biệt là nguồn cung nhà ở giá bình dân, phù hợp với khả năng tài chính của phần đông người dân.
Quý I/2023 nguồn cung ra thị trường đạt khoảng 25.000 sản phẩm, chủ yếu là hàng tồn kho từ các dự án mở bán trước đó; trong khi thiếu vắng hẳn thông tin mở bán từ những dự án mới.
Tỷ lệ hấp thụ chung của toàn thị trường trong quý I/2023 chỉ đạt khoảng 11%, tương đương hơn 2.700 giao dịch, giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 5 tháng đầu năm 2023, có 554 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng doanh nghiệp bất động sản thành lập mới giảm 61,4% so với cùng kỳ năm trước, chỉ có 1.744 doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp điều chỉnh quy mô nhân sự.
Từ thực trạng khó khăn này, số lượng môi giới bất động sản cũng sụt giảm. Theo thống kê của VARS, số lượng môi giới còn hoạt động trên thị trường chỉ khoảng 30% - 40% so với cuối năm 2022 nhưng vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại.
VARS dự báo nếu tình hình thị trường bất động sản vẫn tiếp tục diễn biến khó khăn thì có tới 23% doanh nghiệp không thể duy trì hoạt động được tới hết quý III/2023 và chỉ khoảng 43% doanh nghiệp trụ được đến hết năm nay.
Đề xuất loạt giải pháp gỡ khó
Hội Môi giới cho rằng, doanh nghiệp hiện tại cần “thuốc” là dự án được phê duyệt sớm, là tiền thật, để phục hồi hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh, chứ không phải chỉ chuyển “nợ xấu” thời điểm này sang thời điểm khác.
“Lãi suất duy trì ở mức cao từ cuối năm 2022, giảm nhẹ vào đầu năm nay nhưng vẫn ở ngưỡng cao đối với sức chịu đựng của doanh nghiệp. Áp lực lãi suất khiến sức khỏe các doanh nghiệp vốn đã yếu lại ngày càng suy giảm.
Bản thân doanh nghiệp hiện tại thiếu vốn để sản xuất, đầu tư, kinh doanh. Trong khi, doanh thu thì sụt giảm nhưng vẫn phải gồng mình lên gánh nhiều khoản chi phí. Việc huy động nguồn vốn từ ngân hàng không phải là đơn giản…”, VARS chỉ rõ.
Dựa trên việc “bắt mạch” từng doanh nghiệp, VARS đề xuất phân nhóm doanh nghiệp khó khăn để xử lý theo 3 trường hợp.
Trường hợp 1, đối với các doanh nghiệp còn lực, còn “dấu hiệu sinh tồn” cần khẩn trương thí điểm phê duyệt, giải quyết trực tiếp các vướng mắc, đưa doanh nghiệp thoát khỏi trạng thái nguy hiểm. Để doanh nghiệp có thể tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh, đưa hàng vào thị trường.
Phương án này ưu tiên các dự án cấp thiết, phù hợp với nhu cầu thực. Đặc biệt lưu ý những doanh nghiệp lớn, có ảnh hưởng nhiều đến thị trường.
Trường hợp 2, đối với các doanh nghiệp yếu, hết năng lực triển khai dự án nhưng đã hoàn thiện cơ bản các thủ tục pháp lý, theo VARS cần tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư. Theo đó, nhằm mục đích kết nối các chủ đầu tư với các nhà đầu tư để thực hiện kêu gọi đầu tư hoặc M&A.
Trường hợp 3, đối với các doanh nghiệp có dự án tồn đọng nhiều vướng mắc, trong khi không còn đủ năng lực triển khai dự án, theo VARS, Nhà nước có biện pháp hỗ trợ, thực hiện việc “mua lại” các dự án của doanh nghiệp.
Sau đó, hoàn thiện thủ tục vướng mắc tồn tại, rồi thực hiện đấu giá để lựa chọn các nhà đầu tư mới thực hiện dự án.
Song song với đó, tiếp tục có các giải pháp nhằm tháo gỡ triệt để các khó khăn, vướng mắc chung cho toàn thị trường bằng các nghị định, chính sách sát thực, cụ thể, nhằm đúng vấn đề thị trường đang trông đợi. Có chính sách hỗ trợ giãn thời gian nộp thuế doanh nghiệp, giảm thuế...