Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/5, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) đạt gần 10,86 tỷ USD, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 3 với tổng vốn đăng ký gần 1,16 tỷ USD, chiếm gần 11% tổng vốn đăng ký đầu tư, giảm 61% so với cùng kỳ năm trước (gần 3 tỷ USD).
Như vậy, ngành bất động sản đã mất vị trí thứ 2 trong trong bảng xếp hạng các lĩnh vực thu hút vốn FDI kể từ tháng 4 năm nay. Trong khi đó, hoạt động tài chính, ngân hàng vươn lên đứng vị trí thứ 2.
Với tình hình đăng ký doanh nghiệp, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2023, số lượng doanh nghiệp bất động sản thành lập mới là 1.744 doanh nghiệp, giảm 61,4% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, có 554 doanh nghiệp giải thể, tăng tới 30,4%. Mảng xây dựng có 6.745 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 5,7% và có 581 doanh nghiệp giải thể, tăng 2,8%.
Còn theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, trong quý I/2023, có thêm khoảng 50% sàn giao dịch phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động với hàng nghìn lao động phải mất việc.
Ước tính số môi giới đang hoạt động chỉ còn khoảng 30% - 40% so với giai đoạn đầu năm 2022. Đây là giai đoạn thách thức đối với những đơn vị môi giới không đủ năng lực cạnh tranh để tồn tại nhưng cũng là cơ hội để các đơn vị chuyên nghiệp vượt lên và phát triển bền vững hơn.
Bộ Xây dựng cũng chỉ ra rằng, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản đang gặp nhiều thách thức và phải thay đổi phương án kinh doanh. Doanh nghiệp phải tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất, tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động.
Nhiều doanh nghiệp dừng triển khai các dự án mới, dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn. Có doanh nghiệp giảm đến 50% lực lượng lao động để ứng phó với điều kiện khó khăn hiện tại.
Cũng theo Bộ này, một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đang thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh; phải tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động.
Đáng chú ý, doanh nghiệp dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO. Thậm chí, có Tập đoàn giảm 30% đến 50% lực lượng lao động.
Trước tình hình khó khăn này, Chính phủ vừa có công điện về tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các giải pháp trong các nghị quyết, công điện, thông báo đã ban hành; tập trung hướng dẫn các địa phương về các quy định thuộc lĩnh vực của mình để giải quyết vướng mắc hiện tại, không trả lời né tránh.
Cụ thể, Bộ Xây dựng được giao tập trung nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở năm 2014 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014. Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc lập, phê duyệt các quy hoạch…
Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 44/2014/NĐ-CP quy định phương pháp định giá đất; xây dựng, điều chỉnh khung giá đất, bảng giá đất; định giá đất cụ thể; trình Chính phủ ban hành trước ngày 30/6.
Bộ Tài chính kịp thời có giải pháp hiệu quả thúc đẩy phát triển thị trường chứng khoán lành mạnh, bền vững; sớm hoàn thiện báo cáo về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2023.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, Thủ tướng yêu cầu chỉ đạo các ngân hàng giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay; tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư dự án bất động sản, người mua nhà tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, đôn đốc các tổ chức tín dụng triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản.