Sụt giảm kim ngạch xuất khẩu
Công nghiệp điện tử luôn giữ vai trò quan trọng trong việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Nhưng trong 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của ngành này đang sụt giảm.
Số liệu cụ thể được bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA), thông tin với báo VietNamNet.
Ở mảng điện thoại và linh kiện, kim ngạch xuất khẩu giảm 17% so với cùng kỳ, giá trị xuất khẩu đạt 24,2 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 14,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Ở mảng máy tính và linh kiện, kim ngạch xuất khẩu giảm 7,57% so với cùng kỳ, giá trị xuất khẩu đạt 25,58 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 15,54% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Kim ngạch xuất khẩu điện tử (tính gộp chung cả hai mặt hàng điện thoại và linh kiện cùng máy tính và linh kiện) trong 6 tháng đạt 49,78 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 30,24% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước. Dù suy giảm, công nghiệp điện tử vẫn dẫn đầu các ngành chế biến, chế tạo về kim ngạch xuất khẩu.
Giá trị nhập khẩu điện thoại và linh kiện 6 tháng đầu năm đạt con số rất nhỏ, chỉ 3,57 tỷ USD, sụt giảm đến 65% so với cùng kỳ năm ngoái. Máy tính và linh kiện vẫn giữ mức độ nhập khẩu tương đối, 38,37 tỷ USD, giảm 10,77%. Cả hai mặt hàng đạt giá trị nhập khẩu 41,94 tỷ USD.
Ngành công nghiệp điện tử Việt Nam trong nửa đầu năm nay xuất siêu 7,84 tỷ USD.
Bình luận về những con số sụt giảm, bà Hương nhìn ở chiều hướng tích cực: “Xuất khẩu mặt hàng máy tính và linh kiện trên toàn cầu giảm tới 15%, nên xuất khẩu của Việt Nam giảm 7,57% và nhập khẩu giảm 10,77% cũng không có gì lạ. Điện thoại và linh kiện cũng là mặt hàng xuất khẩu chiến lược của Việt Nam, 6 tháng đầu năm vẫn xuất siêu trên 20 tỷ USD, kéo toàn bộ kim ngạch và cán cân thương mại của Việt Nam lên. Mức giảm xuất khẩu 17% của điện thoại và linh kiện Việt Nam vẫn thấp hơn tỷ lệ 29% của toàn cầu”.
Ngay cả các “ông lớn” như Apple, Samsung, doanh số điện thoại cũng giảm rất mạnh. Doanh thu quý 2/2023 của Apple giảm mạnh nhất kể từ năm 2016 do suy giảm doanh số bán iPhone.
Với máy tính, một báo cáo của IDC cho hay, trong quý 2/203, doanh số PC toàn cầu giảm tới 13,4%. Các hãng lớn như Lenovo, HP, Acer đều sụt giảm nghiêm trọng, nặng nhất là Acer với mức giảm tới 19,2%.
Đại diện VEIA nhận định: “Sản xuất công nghiệp điện tử của Việt Nam đang trong đà suy giảm như thế giới, song tỷ lệ giảm thấp hơn. Các doanh nghiệp điện tử Việt vẫn đang ở mức chống chịu được trước những bất ổn của tình hình kinh tế, chính trị trên toàn cầu”.
Doanh nghiệp Việt chưa vào được chuỗi cung ứng của nhiều “ông lớn”
Các “ông lớn” công nghệ vẫn tiếp tục chuyển một số khâu sản xuất vào Việt Nam. Thế nhưng, sự tham gia của doanh nghiệp Việt vào chuỗi cung ứng còn rất hạn chế.
“Đến giờ vẫn chưa nhìn thấy có vendor (nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng - PV) mới nào là doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi cung ứng của Apple, mặc dù họ đã chuyển sản xuất sang Việt Nam, thực hiện lắp ráp iPad, laptop tại Việt Nam. Họ bê toàn bộ chuỗi cung ứng từ Đài Loan, Trung Quốc sang, chứ không dùng doanh nghiệp Việt. Khi đánh giá năng lực doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng, họ đưa ra tiêu chuẩn rất cao, doanh nghiệp Việt khó đạt. Họ chuyển sản xuất sang Việt Nam, sử dụng những tài nguyên không tái tạo được như điện, nước, đất đai của mình, nhưng lại bê chuỗi cung ứng từ nước khác về, doanh nghiệp Việt không có lợi gì, thậm chí còn tổn thất khi bị họ “nẫng” mất lực lượng lao động đã qua đào tạo. Việc lan tỏa đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam không còn mấy ý nghĩa”, bà Hương phản ánh.
Những “ông lớn” công nghệ đầu chuỗi gặp khó khăn do thị trường toàn cầu suy giảm, không muốn tìm kiếm những nhà cung cấp mới là doanh nghiệp ở nước sở tại vì họ ngại điều chỉnh chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nội địa. Trong khi họ vẫn được hưởng rất nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ khi hoạt động sản xuất, kinh doanh tại thị trường Việt. Chẳng hạn, được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong vòng 10 năm đầu và giảm 50% trong 10 năm tiếp theo.
Tình hình kinh tế ngày càng khó khăn, nhiều doanh nghiệp Việt không “chen chân” được vào chuỗi cung ứng của “ông lớn” đành ngậm ngùi đóng cửa, không có dòng tiền để trả lương, trợ cấp cho người lao động, chi phí thuê nhà xưởng, bảo dưỡng máy móc thiết bị khi dừng sản xuất…, dần đứng trước nguy cơ phá sản. Nhiều chính sách hỗ trợ của nhà nước như giảm lãi suất cho vay của ngân hàng vẫn chưa phát huy hiệu quả trong hoạt động thực tiễn của doanh nghiệp.
“Nên chăng, Chính phủ Việt Nam đưa ra những yêu cầu ràng buộc như: Khi vào Việt Nam đầu tư kinh doanh thì phải phát triển chuỗi cung ứng trong nước. Trong 1 - 2 năm phải phát triển được 30 hoặc 60 hay 100 doanh nghiệp Việt là nhà cung ứng cho họ”, đại diện VEIA khuyến nghị.
Thực tế đã có tiền lệ Samsung. Tháng 12/2022, Samsung báo cáo có 207 doanh nghiệp Việt là local vendor (nhà cung cấp địa phương –PV) trong chuỗi cung ứng của họ tại Việt Nam, trong đó, 51 doanh nghiệp là vendor lớp 1 (giao hàng trực tiếp). Trong 6 năm từ 2016 đến 2022, họ liên tục có chương trình bồi dưỡng doanh nghiệp về nhà máy thông minh, đào tạo chuyên gia… để hình thành nên chuỗi local vendor này.
Phải có chiến lược “ngoại giao đơn hàng”
Đến tháng 6 năm nay, các doanh nghiệp báo về VEIA rằng đơn hàng của khách hàng truyền thống đã hết sạch, không có thêm đơn hàng mới ở những dòng khách hàng truyền thống tại các thị trường xuất khẩu trọng tâm gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc... Một số doanh nghiệp cũng cố gắng vận động để có những đơn hàng mới ở những thị trường mới như Canada, Bắc Mỹ…, nhưng giá trị đơn hàng rất nhỏ giọt và không mang tính ổn định.
Khó khăn chồng chất khó khăn đối với doanh nghiệp Việt khi gần đây manh nha nguy cơ khá nhiều đơn hàng bị chuyển sang đối tác ở quốc gia khác.
Apple đã đặt nhiều hạng mục sản xuất tại Ấn Độ. Samsung cũng đưa nhiều đơn hàng sang thị trường Ấn. So sánh lợi thế với Ấn Độ thì Việt Nam cần phải hết sức thận trọng. Hiện giờ, giá cả, chi phí sinh hoạt và chi phí lao động ở Ấn Độ thấp hơn Việt Nam. Ấn Độ lại đông dân nên tuyển lao động dễ hơn. Người lao động Ấn Độ thông thạo tiếng Anh, việc giao tiếp lợi thế hơn rất nhiều lần. Họ chỉ kém lợi thế so với lao động Việt Nam ở độ linh hoạt và khả năng dễ đào tạo.
Lợi thế cạnh tranh lao động giá rẻ của Việt Nam gần như sắp hết. Rất nhiều doanh nghiệp FDI phàn nàn rằng chi phí lao động của Việt Nam bắt đầu cao hơn mức bình quân của khu vực (chi phí cho lao động gồm lương, các khoản phụ cấp, bảo hiểm…).
Hiện tại, giá trị xuất khẩu, giá trị sản xuất công nghiệp điện tử Việt Nam chủ yếu do doanh nghiệp FDI tạo ra. Sản xuất công nghiệp điện tử của chúng ta vẫn chịu sự điều phối và thống trị của các doanh nghiệp FDI.
Một giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp điện tử Việt được đại diện VEIA đề xuất: “Phải có chiến lược “ngoại giao đơn hàng” tương tự như đã từng làm “ngoại giao vắc xin”. Các đoàn ngoại giao cấp Chính phủ, bộ, ngành, khi đi ra bất cứ thị trường quốc tế nào cũng ưu tiên tìm kiếm đơn hàng mới cho doanh nghiệp trong nước”.
Với những “ông lớn” công nghệ mà doanh thu của họ còn lớn hơn cả GDP của đất nước mình thì một doanh nghiệp Việt quy mô nhỏ khó có thể liên lạc trực tiếp để kết nối kinh doanh. Nếu không có hoạt động “ngoại giao đơn hàng” từ cấp Chính phủ thì doanh nghiệp Việt sẽ còn vô vàn khó khăn.
Tháng 4/2022, Thủ tướng Chính phủ đi thăm Hoa Kỳ, cũng từng gặp một loạt “ông lớn” công nghệ để yêu cầu họ phát triển chuỗi cung ứng với sự tham gia của doanh nghiệp Việt. Nên tiếp tục phát triển cách làm này. Dĩ nhiên, với mỗi “ông lớn” công nghệ, cần tính toán những cách làm riêng để đảm bảo tính hiệu quả.
Đầu tư sản xuất cho ngành công nghiệp điện tử là hoạt động đầu tư thâm dụng vốn và thâm dụng công nghệ rất lớn, độ rủi ro rất cao. Đơn hàng không đủ lớn, không lâu dài và không có tính chất liên tục, doanh nghiệp Việt khó có thể trụ được.
Chỉ với “ngoại giao đơn hàng” cấp Chính phủ, doanh nghiệp điện tử Việt mới có nhiều cơ hội tham gia chuỗi cung ứng của các “ông lớn” toàn cầu, nhận được đơn hàng thường xuyên với quy mô lớn.
Khi đó, ngành công nghiệp điện tử có cơ hội vượt qua chuỗi ngày sụt giảm và có những bước phát triển bền vững hơn.