Lợi nhuận giảm mạnh
Dược Hậu Giang (DHG) - công ty dược phẩm lớn nhất sàn chứng khoán vừa báo cáo lợi nhuận ròng quý III/2023 giảm gần 37% xuống còn 166 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận theo quý thấp nhất trong 3 năm qua.
Trong năm 2022, Dược Hậu Giang báo lãi kỷ lục gần 1.000 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2021.
Theo giải trình, lợi nhuận suy giảm là do tác động kinh tế và doanh nghiệp đang đẩy mạnh marketing, đầu tư phát triển các sản phẩm mới.
Dược phẩm là một ngành thiết yếu, ít chịu ảnh hưởng từ sự suy giảm tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, sức cầu thấp trên diện rộng cũng đã gây khó khăn cho một ngành có tốc độ tăng trưởng mạnh tại Việt Nam.
Một số doanh nghiệp khác cũng báo cáo lợi nhuận suy giảm trong quý III/2023. Dược Hà Tây (DHT) báo lãi ròng giảm 21% xuống 18 tỷ đồng. Đây là mức thấp nhất trong 2 năm qua.
Dược phẩm Imexpharm (IMP) ghi nhận lợi nhuận quý III/2023 đạt 70 tỷ đồng, thấp nhất trong 4 quý vừa qua cho dù doanh nghiệp này đẩy mạnh mở rộng thị trường và cơ cấu lại danh mục sản phẩm bán ra.
Cùng với những diễn biến kinh doanh không thuận, giá nhiều cổ phiếu dược phẩm giảm trong thời gian gần đây trong bối cảnh thị trường chứng khoán chung cũng giảm mạnh do áp lực bán đến từ khối ngoại và các tổ chức khi tỷ giá USD/VND leo thang và tiền bị rút bớt ra khỏi hệ thống ngân hàng.
Cổ phiếu DHG có 9 trong 10 phiên gần đây giảm giá. Trong 3 tháng qua, cổ phiếu đầu ngành dược này đã giảm từ mức khoảng 135.000 đồng xuống 110.000 đồng/cp như hiện tại.
Dược phẩm Imexpharm (IMP) trong vòng hơn tháng qua giảm từ 68.000 đồng/cp xuống 60.000 đồng/cp.
Dược Hà Tây (DHT) cũng tụt giảm trong hơn 2 tháng qua, từ mức 27.000 đồng/cp về còn 20.500 đồng/cp.
Tuy nhiên, nhìn trong dài hạn, hầu hết các cổ phiếu dược phẩm đều ở vùng cao nhất lịch sử. DHG hiện đang ở mức 110.000 đồng/cp, cao gấp 2 lần so với trước đây 5 năm và gấp hơn 3 lần so với 10 năm.
Cổ phiếu IMP cũng đang ở vùng đỉnh lịch sử 60-70.000 đồng/cp…
Nhóm cổ phiếu dược phẩm vẫn được đánh giá rất tiềm năng tại Việt Nam và hút một lượng vốn lớn từ các tập đoàn nước ngoài đến từ Nhật, Hàn, Mỹ… cũng như các tỷ phú Việt.
Ông lớn ngoại nắm chắc cổ phần dược phẩm Việt
Thị trường dược phẩm được xem là một lĩnh vực đầy tiềm năng tại Việt Nam. Trong nhiều năm qua, các tập đoàn nước ngoài đổ một lượng tiền lớn để mua và nắm giữ cổ phần tỷ lệ lớn tại hầu hết các doanh nghiệp dược.
Cho đến thời điểm hiện tại, Taisho Pharmaceutical đang nắm giữ hơn 51% cổ phần của Dược Hậu Giang (DHG). Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) nắm giữ hơn 43,3%. DHG cũng đã nới room ngoại lên 100%, tạo điều kiện để Nhà nước thoái vốn và các tập đoàn nước ngoài nâng tỷ lệ nắm giữ tại doanh nghiệp dược lớn nhất sàn chứng khoán.
Với tỷ lệ nắm giữ hơn 51%, DHG đã là công ty con của Taisho Pharmaceutical của Nhật Bản.
Còn tại Imexpharm, tập đoàn SK của Hàn Quốc nắm giữ hơn 71%.
Hồi giữa tháng 10, Dược phẩm Hà Tây - Hataphar cho biết, doanh ghiệp này đã thông qua phương án bán thêm hơn 11% vốn cho ASKA Pharmaceutical Co., Ltd của Nhật. Sau thương vụ, ASKA Pharmaceutical sẽ nắm giữ gần 33% vốn của Dược phẩm Hà Tây.
Cho tới thời điểm hiện tại, phần lớn các doanh sản xuất dược hàng đầu của Việt Nam đều đã có cổ đông chiến lược nước ngoài như DHG, Domesco (DMC), Traphaco (TRA), Imexpharm, Pymepharco (PME)…Một số đã tiến đến nắm quyền chi phối trên 51%, thậm chí thâu tóm toàn bộ.
Không chỉ nắm giữ cổ phần ở hầu hết các doanh nghiệp sản xuất dược tại Việt Nam, các tập đoàn nước ngoài cũng thâu tóm các chuỗi nhà thuốc nội. Hồi tháng 8/2023, theo Business Korea, Tập đoàn Dongwha Pharm của Hàn Quốc đã ký hợp đồng chi hơn 391 tỷ won (gần 30 triệu USD, khoảng 720 tỷ đồng) để mua 51% cổ phần của Trung Sơn Pharma, một công ty đang điều hành chuỗi nhà thuốc lớn nhất miền Tây Việt Nam. Thương vụ dự kiến sẽ hoàn tất trong tháng 10.
Trước đó, tập đoàn SK Group của Hàn Quốc đã rót tiền vào nắm 14,5% cổ phần của Maroon Bells - công ty mẹ đang sở hữu chuỗi Pharmacity.
Hoạt động kinh doanh của một số doanh nghiệp dược phẩm có dấu hiệu chùng lại trong quý III nhưng theo theo các chuyên gia trong và ngoài nước, thị trường thuốc và chăm sóc sắc đẹp tại Việt Nam cũng như Đông Nam Á có nhiều tiềm năng phát triển.
Tờ Kedglobal trích nguồn tin từ Dongwha cho hay, ngành dược Việt Nam gần đây phát triển mạnh và có tiềm năng tăng trưởng cao trong trung và dài hạn. Nhiều báo cáo của các công ty chứng khoán cho thấy, tiềm năng ngành này khá tươi sáng nhờ quy mô dân số Việt Nam ở mức lớn và đang trong quá tính già hóa với tốc độ nhanh. Trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh, nhu cầu đối với các sản phẩm y tế, chăm sóc sức khỏe lên cao.
Theo EIU, doanh thu dược phẩm tại Việt Nam năm 2021 đạt 5,9 tỷ USD. Theo dự báo của IBM, ngành dược Việt Nam có quy mô có thể vượt 16 tỷ USD vào năm 2026 khi xu hướng dân số già hóa, chi phí dành cho chăm sóc sức khỏe gia tăng và tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế cũng như tuổi thọ trung bình tăng lên.
Còn theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thị trường chăm sóc sức khỏe của Việt Nam năm 2022 đạt hơn 20 tỷ USD, chiếm 6% GDP. Thị trường này sẽ lên 23,3 tỷ USD vào năm 2025 và 33,8 tỷ USD năm 2030. Trong đó, thị trường dược phẩm đạt gần 7 tỷ USD năm 2022 và được dự báo sẽ lên 13 tỷ USD vào năm 2030.
Ngành dược Việt Nam có dư địa tăng trưởng trong dài hạn nhờ dân số già hóa và thu nhập của người tiêu dùng tăng trong bối cảnh chi tiêu thuốc bình quân đầu người còn thấp. Bên cạnh đó, Chính phủ ban hành các chính sách ưu đãi đối với thuốc chất lượng cao, sản xuất trong nước ở kênh bệnh viện.
Còn với bán lẻ dược phẩm, thị trường này cũng được dự báo sẽ nóng hơn với sự xuất hiện của các ông lớn trong nước như Digiworld (đứng sau Đại Tín Pharma), Bamboo Capital (với Tipharco) và cả các ông lớn nước ngoài mua các doanh nghiệp Việt. Theo SSI Research, các chuỗi bán lẻ sẽ đưa tổng chuỗi dược phẩm lên 7.300 cửa hàng vào 2025.