Doanh nghiệp lo lắng
Theo một số doanh nghiệp (DN), nhiều ngành sản xuất trong nước đang phải nhập khẩu nguyên vật liệu và thanh toán bằng USD, việc đồng USD tăng giá khiến chi phí sản xuất tăng cao hơn.
Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đang gặp khó khăn do biến động tỷ giá các loại ngoại tệ mạnh như USD, euro (trong ảnh: Một dây chuyền sản xuất hàng xuất khẩu ở Công ty cổ phần Kềm Nghĩa) - Ảnh: T.Hoa |
Ông Nguyễn Quốc Anh - Giám đốc Công ty TNHH Cao su Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa - Cao su TPHCM - cho biết, các hợp đồng xuất khẩu cao su thanh toán chủ yếu bằng USD, đồng tiền này đang tăng giá nên có lợi cho DN xuất khẩu. Nhưng với ngành nhựa, 80 - 90% nguyên liệu sản xuất phải nhập khẩu, cũng thanh toán bằng USD nên sức ép giảm lợi nhuận khá lớn.
Đáng lo ngại hơn khi nhiều DN ngành nhựa nhập khẩu nguyên liệu sản xuất nhưng chỉ tiêu thụ ở thị trường nội địa. Việc USD tăng giá khiến chi phí nhập khẩu vốn đã cao lại tiếp tục tăng, buộc DN phải tăng giá bán ra từ 30 - 40% mới bù được. Nhưng cái khó của DN là nhu cầu thị trường nội địa đang giảm mạnh, nếu tăng giá bán thì nhu cầu càng giảm, càng khó tiêu thụ sản phẩm hơn.
Theo ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch Hội Cơ khí điện TPHCM - ngành cơ khí điện chủ yếu xuất khẩu sang châu Âu, Nhật, Mỹ. Hiện euro và yên Nhật mất giá so với USD, các DN xuất khẩu sang châu Âu và Nhật đang không có lợi nhuận. “Lĩnh vực này phải nhập máy móc, nguyên liệu sản xuất tới hơn 90%. DN nào nhập máy móc mà trả tiền bằng euro thì đang có lời nhưng xuất đi thanh toán bằng euro thì lại lỗ. Còn nếu nhập máy móc phải trả bằng đồng USD thì càng rủi ro. Nhiều DN đang lo lắng, thậm chí không dám theo dõi biến động tỷ giá vì chưa có giải pháp nào ứng phó với sự biến động này” - ông Đỗ Phước Tống thông tin.
Hàng xuất khẩu chịu sức ép
Châu Âu là thị trường nhập khẩu dệt may lớn của Việt Nam. Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM (AGTEK) - cho biết, một số DN trong ngành gặp khó khăn do hợp đồng thanh toán bằng đồng euro. Khi nhận euro, các DN phải đổi sang USD nhưng do tỷ giá VND/euro đang giảm bằng với VND/USD nên lợi nhuận sụt giảm. Trong quý IV, ngành này có thể gặp khó khăn trước những biến động mới, trong đó có cả vấn đề tỷ giá.
Đối với các sản phẩm gỗ và đồ gỗ nội, ngoại thất xuất khẩu, ông Nguyễn Văn Sang - Giám đốc điều hành của Viet Products Corp - cho hay: Nhu cầu đồ gỗ tại thị trường thế giới đang yếu đi, đơn hàng xuất khẩu ngành gỗ đang giảm. “Lạm phát trên thế giới tăng cao, người dân chỉ đang tập trung vào các mặt hàng thiết yếu. Nếu nhu cầu tiêu thụ sụt giảm, kinh doanh khó khăn thì các đối tác sẽ yêu cầu DN xuất khẩu phải giảm giá bán, khó đang chồng khó đối với DN”, ông Sang nói.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, trước đây có một số nước đã phá giá đồng tiền cho rẻ hơn đồng USD để kích thích xuất khẩu. Nhưng trong bối cảnh cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đang căng thẳng, chuỗi cung ứng toàn cầu đang bị đứt đoạn thì đồng euro mất giá không hề có lợi. Euro mất giá sẽ làm hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt hơn, chi phí đội cao hơn, tạo thêm gánh nặng cho các gia đình và các DN tại châu Âu. Đó là những đối tượng đang chịu tác động lớn bởi lạm phát tăng cao. Như vậy trong thời gian tới, các DN Việt Nam sẽ càng khó xuất khẩu sang châu Âu. Ông Vũ Đình Ánh cho rằng, điều quan trọng hiện nay không phải là tìm cách giảm tác động từ sự tăng giảm của các ngoại tệ mà cần sự trợ lực, giải pháp để giúp DN bán được hàng qua châu Âu. Trong đó, một trong các giải pháp trợ lực hữu ích là sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ ngành để đẩy nhanh gói hỗ trợ 2% lãi suất, tăng kết nối cung cầu của DN với nhà cung cấp nước ngoài.
Theo dự báo của chuyên gia thị trường - tài chính Phan Dũng Khánh, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương khác đang đua nhau tăng lãi suất thì tỷ giá VND/USD có thể bị ảnh hưởng, chính sách tiền tệ bị thắt chặt, các DN dù có xuất khẩu hay không cũng đều bị ảnh hưởng. “Để có lợi, các DN cần phải chuẩn bị tốt cho xu hướng tỷ giá như cân đối việc xuất khẩu, nhập khẩu. Nên tìm cách xuất khẩu qua những nước sử dụng USD và nhập khẩu từ những quốc gia sử dụng các đồng tiền khác” - chuyên gia Phan Dũng Khánh chia sẻ.
(Theo Phụ Nữ TP.HCM)