Lãi suất ngân hàng tuy giảm nhưng còn ở mức cao. Các doanh nghiệp nhận định, lãi suất vay ngân hàng hầu hết trên 10%/năm là không phù hợp với khả năng lợi nhuận của nhiều đơn vị.
LTS: Sau chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại đã đồng loạt công bố giảm lãi suất huy động và cho vay nhiều tháng qua. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, họ vẫn phải vay vốn với mức lãi suất cao, hoặc rất khó tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi.
Lãi suất cao, DN coi như 'làm không công", không có lợi nhuận hoặc buộc phải thu hẹp sản xuất kinh doanh.
Báo VietNamNet thực hiện tuyến bài ghi nhận tiếng nói từ cộng đồng doanh nghiệp. Để từ đây, ngành ngân hàng sớm có những giải pháp cụ thể thực tế hơn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn theo chỉ đạo của Chính phủ.
Cần cho vay tín chấp với doanh nghiệp uy tín
Đội tàu du lịch gồm 20 chiếc tàu nhỏ và 10 chiếc tàu lớn của ông Phan Xuân Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thuyền Nhiêu Lộc (TP.HCM), đã "sống sót" qua mùa đại dịch Covid-19. May mắn là vậy nhưng chủ doanh nghiệp thừa nhận, sau dịch, khó khăn đang ập đến với nhiều đơn vị. Các doanh nghiệp muốn phục hồi, rất cần nguồn vốn từ ngân hàng.
Từ tháng 6 trở về trước, muốn vay vốn, doanh nghiệp phải chấp nhận mức lãi suất rất cao, ít nhất 10%/năm. Hai tháng trở lại đây, lãi suất "dễ thở" hơn, ở mức khoảng 8%/năm.
Tuy nhiên, ông Xuân Anh cho rằng, mức lãi suất thấp cần được duy trì dài hơi. Khó khăn chung của kinh tế thế giới tác động lớn tới doanh nghiệp nội. Họ cần được tiếp cận vốn lãi suất thấp để tái đầu tư, có doanh thu mới có tiền trả nợ cũ.
Nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng dễ có tài sản để thế chấp đi vay. Như với các công ty lữ hành du lịch, bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ, đại diện Công ty Vietluxtour, cho hay, khi muốn vay vốn để đầu tư thêm xe du lịch, mở rộng kinh doanh thì ngân hàng lại yêu cầu phải có tài sản thế chấp. Do đó, bà Thuỷ mong muốn có cơ chế để các doanh nghiệp lữ hành uy tín, làm ăn có lãi, được tiếp cận vay tín chấp.
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Thuận Phước (Đà Nẵng), thừa nhận, một số ngân hàng đã điều chỉnh mức lãi suất xuống, giúp doanh nghiệp vay vốn. Tuy nhiên, lãi suất xuống thấp đồng nghĩa điều kiện vay rất chặt chẽ. Như vậy, việc tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp là không dễ.
Tại cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp với các ngân hàng do UBND TP.HCM tổ chức mới đây, giám đốc một công ty logistics kể lại rằng, khi ông tới gõ cửa các ngân hàng hỏi về gói hỗ trợ lãi suất 2% của Chính phủ thì nhận được câu trả lời từ cán bộ tín dụng là gói tín dụng trên đã sử dụng hết.
Tới một ngân hàng khác thì nhân viên nói rằng "không có thông tin gói hỗ trợ này"!?
Trong khi đó, đối với lĩnh vực thuỷ sản, dù là mặt hàng xuất khẩu được ưu tiên, nhưng do ảnh hưởng của kinh tế nên hoạt động bán hàng chậm, hàng tồn kho nhiều, vòng quay vốn chậm khiến định mức vay cũ đã sử dụng hết. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp không thể vay thêm tiền.
Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, ông Dương Nghĩa Quốc cho hay, gần đây, Chính phủ liên tục đưa ra cơ chế gỡ khó trong tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, nhưng khả năng vay được hay không còn phụ thuộc vào tình hình thực tế của công ty.
Nhìn chung, lãi suất có giảm nhưng khả năng tiếp cận vốn còn khó do các quy định chặt từ ngành ngân hàng. Do vậy, doanh nghiệp nên chủ động làm việc cùng ngân hàng, đề nghị khoanh hoặc giãn nợ cũ để xin vay khoản mới, theo ông Quốc.
Còn Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp, ông Nguyễn Hữu Dũng cho biết, ngành thuỷ sản đang vào chu kỳ khó. Xuất khẩu giảm, nhưng cá tới lứa thu hoạch vẫn phải làm, làm xong phải lưu kho lạnh.
“Khó khăn nhưng doanh nghiệp bao tiêu vẫn đang phải nuôi cả người nông dân và con cá. Doanh nghiệp khổ, tiếp cận vốn tín dụng thì 50-50, tức là một nửa số doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn. Tôi và chủ tịch tỉnh đi tiếp xúc doanh nghiệp, nghe nhiều đơn vị nói vay vốn chưa được”, ông Dũng chia sẻ với VietNamNet.
Nhiều gói ưu đãi nhưng cần độ trễ?
Báo cáo của UBND TP.HCM tại kỳ họp HĐND thành phố khoá X (nhiệm kỳ 2021-2026) tuần qua đã đề cập về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mà ngành ngân hàng thực hiện trên địa bàn, gồm: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn; tổ chức hoạt động kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
Trong đó, chương trình kết nối đã thực hiện được số tiền 301.094 tỷ đồng cho 48.313 khách hàng (gồm nông nghiệp nông thôn; xuất khẩu; doanh nghiệp vừa và nhỏ; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao).
Bên cạnh đó là gói 87.600 tỷ đồng và 100 triệu USD của các ngân hàng thương mại cổ phần có trụ sở chính tại TP.HCM, dành các gói tín dụng lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp, người dân, đặc biệt là các đối tượng yếu thế, khó tiếp cận nguồn vốn vay (người có thu nhập thấp, công nhân, sinh viên). Đến cuối tháng 5/2023, dư nợ đạt 57.066 tỷ đồng với 19.517 khách hàng được hỗ trợ.
Ngoài ra là chương trình tín dụng cho vay ngắn hạn bằng VND đối với 5 nhóm ngành, lĩnh vực. Mức lãi suất suất cho vay ngắn hạn tối đa được các tổ chức tín dụng, chi nhánh NHNN áp dụng hiện nay là 4,5%/năm; quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô áp dụng là 5,5%/năm.
Dù vậy, khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM mới đây cho biết, lãi suất ngân hàng tuy giảm nhưng còn ở mức cao. Giới doanh nghiệp thành phố đánh giá, lãi suất vay ngân hàng hầu hết trên 10%/năm là không phù hợp với khả năng lợi nhuận của nhiều đơn vị.
Do đó, Ngân hàng Nhà nước cần có giải pháp giảm lãi suất vay về mức dưới 8%/năm bằng cách giảm lãi suất huy động, giảm chi phí vay và khống chế tỷ suất lợi nhuận ròng của ngân hàng thương mại. Các ngân hàng khi đánh giá khoản vay, cần nâng tỷ lệ tài sản thế chấp sát thực tế; tăng tỷ lệ cho vay tín chấp; cho vay theo hợp đồng hoặc thế chấp bằng tài sản, quyền tài sản hình thành trong tương lai.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM cho hay, nhiều tổ chức tín dụng trên địa bàn TP.HCM đã chủ động giảm lãi suất cho vay từ 0,5-1%. Cùng với đó, việc kết nối ngân hàng và doanh nghiệp tại TP.HCM đã được thực hiện, ngân hàng đưa ra các gói tín dụng ưu đãi để giải ngân.
Dẫu vậy, ông Lệnh lưu ý, mọi chính sách có độ trễ nhất định nên cần có thời gian. Đại diện NHNN chi nhánh TP.HCM cũng thông tin rằng, nếu doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận gói hỗ trợ 2% hoặc cơ chế chính sách khác có thể phản ánh trực tiếp cho NHNN chi nhánh TP.HCM qua đường dây nóng, email hoặc nhắn tin thẳng tới số điện thoại của ông Lệnh. Cơ quan NHNN thành phố sẽ giới thiệu doanh nghiệp tới các NHTM để tìm hướng tháo gỡ.
Xem xét điều chỉnh lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp thuỷ sản:
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký văn bản về việc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) kiến nghị 6 giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp thủy sản, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả xử lý trước ngày 25/7. Trong đó, giao NHNN chủ trì, phối hợp với Bộ NN-PTNT và các bộ, cơ quan liên quan xem xét, xử lý theo quy định kiến nghị về việc điều chỉnh lãi suất cho vay, cấp tín dụng, cơ cấu lại nợ theo đúng giải pháp quy định tại Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 8/6/2023, gói tín dụng 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lâm sản và thủy sản.