Việt Nam là quốc gia xuất khẩu cà phê đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Brazil. Năm 2022, xuất khẩu cà phê giúp nước ta thu về hơn 4 tỷ USD. Trong 10 tháng năm nay, kim ngạch xuất khẩu loại hạt này đạt gần 3,3 tỷ USD.
Tuy nhiên, các mặt hàng cà phê Việt chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu thô vì thế hầu như trên thế giới ít ai biết đến cà phê Việt Nam. Đây cũng là lý do bao năm qua, nước ta xuất khẩu lượng cà phê rất lớn nhưng tiền thu về lại ít.
Thời gian gần đây, doanh nghiệp ngành cà phê không chỉ xuất khẩu những bao cà phê thô mà họ còn hướng tới làm những sản phẩm chế biến sâu để đưa thương hiệu cà phê Việt ra thế giới.
Ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phúc Sinh - cho biết, ở nước ta có nhiều loại cà phê thơm ngon, hàng thượng hạng không kém gì các cường quốc trên thế giới. Song, rất nhiều năm, chúng ta mải chạy theo số lượng mà không chú trọng tới xây dựng thương hiệu. Do vậy, cà phê Việt chưa được đánh giá cao, thậm chí bị bán giá thấp hơn những sản phẩm cùng loại từ nước khác.
Nhìn ra được tiềm năng cũng như điểm yếu của ngành hàng này, ông quyết tâm xây dựng thương hiệu cà phê K Coffee. Theo đó, doanh nghiệp hợp tác với các nông hộ ở những vùng trồng bền vững, xây dựng các nhà máy chế biến sâu, liên tục cập nhật các công nghệ chế biến cà phê chuẩn quốc tế để cho ra những thành phẩm cà phê nguyên chất, sạch và thơm ngon. Từ đó, đưa thương hiệu cà phê Việt Nam đến gần với người tiêu dùng trên thế giới hơn.
Mới đây, Phúc Sinh đã hợp tác với LNS International Corporation nhằm phân phối các sản phẩm cà phê K Coffee tại thị trường Mỹ, châu Âu, Úc, New Zealand và Nhật Bản.
Việc bắt tay hợp tác giữa hai doanh nghiệp đánh dấu mốc phát triển thương hiệu cà phê Việt trên bản đồ thế giới. Từ đây, nhiều người tiêu dùng trên thế giới có thể tiếp cận gần hơn với sản phẩm cà phê nguyên chất, thượng hạng đến từ Việt Nam.
Cuối tháng 10 vừa qua, cửa hàng cà phê Coffilia đầu tiên ở Kuwait chính thức khai trương tại khách sạn biển Al-Kout (quận Fahaheel, tỉnh Ahmadi). Đây cũng là cà phê thương hiệu Việt Nam đầu tiên có mặt tại Kuwait.
Kiến trúc quán cà phê tái hiện hình ảnh Việt Nam mộc mạc qua những chiếc nón lá hay chiếc ô của người dân tộc thiểu số Việt Nam. Cùng với đó, đan cài thêm những hoa văn, hoạ tiết mang hơi thở Trung Đông để phù hợp với thị hiếu của người dân địa phương.
Đại diện Công ty CP Tập đoàn Minh Tiến - MTG, chia sẻ, ông rất vui mừng vì đã hiện thực hóa mục tiêu được đặt ra trước đó - mang những sản phẩm cà phê Việt Nam chất lượng ra thế giới, phục vụ người yêu cà phê ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam tới bạn bè quốc tế.
Cửa hàng được khai trương trong thời điểm ngày càng nhiều người dân Kuwait lựa chọn Việt Nam làm điểm đến du lịch mới, qua đó góp phần thu hút đông đảo du khách tiềm năng tại thị trường vùng Vịnh tìm hiểu về đất nước và con người Việt Nam.
Năm nay, Trung Nguyên Legend cũng nỗ lực đưa cà phê và văn hóa cà phê Việt Nam chinh phục thị trường quốc tế.
Sau thành công tại thị trường Trung Quốc, cuối tháng 3 năm nay, Trung Nguyên Legend chọn Hàn Quốc là nước tiếp theo trong chặng đường đưa hạt cà phê Robusta ngon nhất thế giới của Buôn Ma Thuột đi khắp 80 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu.
Cùng thời gian này, Trung Nguyên Legend chính thức khai trương không gian cà phê nhượng quyền đầu tiên tại khu Little Saigon, Westminster (California, Mỹ), đem đến những phong cách thưởng lãm cà phê mang dấu ấn đặc sắc Việt Nam.
Cùng việc đẩy mạnh văn hóa cà phê Việt Nam ra toàn cầu qua sự hiện diện các không gian cà phê mang đậm bản sắc Việt Nam, hơn 300 dòng sản phẩm cà phê của Trung Nguyên Legend đã được xuất khẩu đến 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Chia sẻ về câu chuyện xây dựng và quảng bá thương hiệu, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan giải thích đơn giản “thương hiệu” là cái hiệu để người ta thương. Vậy cà phê Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ cà phê thế giới? Ông cho rằng, đây là cái chúng ta phải suy nghĩ để tiếp tục tái canh, tạo thương hiệu, chế biến tinh sản phẩm…
Về việc xây dựng thương hiệu cà phê Việt Nam, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, phải đi từ cảm xúc gắn với văn hoá. Cà phê là một nét văn hóa. Doanh nghiệp nếu muốn xây dựng thương hiệu phải định vị lại, phải biết kể câu chuyện để gieo vào cảm xúc người tiêu dùng.
Bộ trưởng dẫn chứng, người Thái Lan quảng cáo gạo Thái là "think rice, think Thái Lan" (nghĩ về gạo là nhớ tới Thái Lan), ông gợi mở thông điệp của cà phê Việt Nam có thể là "drink coffee, feel Việt Nam" (uống cà phê, phiêu Việt Nam). Chúng ta làm thế nào để cà phê hơn cả một thức uống.
Ông cũng nhấn mạnh, muốn cạnh tranh và đứng vững trên thị trường thế giới thì phải xây dựng thương hiệu cà phê Việt Nam. Chúng ta có rất nhiều câu chuyện để xây dựng thương hiệu cho cà phê Việt. Khi có được thương hiệu, giá trị của hạt cà phê sẽ tăng gấp nhiều lần so với bán thô.