Các doanh nghiệp sản xuất ô tô đề xuất Chính phủ hỗ trợ bằng các chính sách thuế. Ảnh minh họa: Interent |
Theo đánh giá của Bộ Công thương, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển muộn hơn so các nước trong khu vực khoảng 30 năm và hiện hiện mới chỉ tham gia vào phân khúc thấp của chuỗi giá trị ngành ô tô.
Trong khi giá bán xe vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực thì ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước cũng chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực sự; Tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi thấp khi trung bình chỉ đạt 7 – 10% trong khi mục tiêu đề ra năm 2010 là 60% và cũng thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia trong khu vực.
Đại diện Toyota cho biết, khó khăn lớn nhất của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam là quy mô thị trường nhỏ bé, sản lượng thấp và chủ yếu phải nhập khẩu linh kiện để lắp ráp. Điều này làm cho chi phí sản xuất xe tại Việt Nam cao hơn khoảng 10%-20% so với Thái Lan và Indonesia. Từ 2018 khi không còn bảo hộ, thuế suất ASEAN của xe CBU về 0% thì xe CKD không thể cạnh tranh được so với xe CBU. Điều này là rất khó khăn cho các nhà sản xuất ô tô trong việc duy trì sản xuất tại Việt Nam.
Cũng theo ông Phạm Văn Tài, Tổng Giám đốc Thaco (Trường Hải), dung lượng thị trường nhỏ khiến giá thành cao. Phải có sản lượng đủ lớn mới có thể làm được bởi mục tiêu của nội địa hóa là ở chất lượng và giá thành. Nếu sản lượng không đủ lớn thì giá thành chắc chắn sẽ cao vì chi phí đầu tư lớn. Trong nhiều năm qua sản lượng của thị trường Việt Nam không đủ lớn. Các nước khác kể cả Thái Lan, Indonesia hay Nhật Bản đều phải sản xuất cho cả xuất khẩu bởi thị trường nội địa là không đủ.
Ngoài ra, ông Tài cũng cho biết ngoài lực kéo bởi dung lượng thị trường nhỏ thì chính sách hỗ trợ của Nhà nước cũng là nguyên nhân quan trọng nữa khiến nỗ lực tăng tỷ lệ nội địa hóa của doanh nghiệp bị kéo lại. Ví dụ như tỷ lệ nội địa hóa càng cao thì ưu đãi phải càng tăng nhưng đến nay chính sách này cũng chưa rõ ràng. Chẳng hạn các nhà đầu tư về linh kiện phụ tùng ô tô chưa được ưu đãi thuế như các nhà sản xuất khác, thuế TTĐB đối với các phần linh kiện sản xuất ở trong nước cũng không được ưu đãi trong khi các nước như Malaysia hay Thái lan đã làm từ lâu, ông Tài cho biết.
Đại diện Thaco cho rằng nên có chính sách miễn thuế linh kiện nhập khẩu mà không cần có điều kiện kèm theo thay vì bị ràng buộc bởi điều kiện về sản lượng chung và riêng như hiện nay để xe lắp ráp trong nước có thể cạnh tranh song phẳng với xe nguyên chiếc và người dùng có thể tiếp cận với các dòng xe với giá rẻ hơn.
Về phía Toyota Việt Nam cho rằng, Chính phủ cần một nhóm các chính sách toàn diện và đồng bộ để hỗ trợ các doanh nghiệp trong đó cần ổn định dài hạn thị trường ô tô. Trong khi đó, nếu ý kiến về thuế TTĐB với phần giá trị gia tăng trong nước, Toyota cho hay cần bảo hộ vừa đủ để xe lắp ráp có thể cạnh tranh và tạo sự bình đẳng nhưng không tạo ra biến động thị trườngvà thúc đẩy tăng trưởng ngành công nghiệp hỗ trợ.