Đăng kiểm quá chi li
Tại tọa đàm "Giải pháp dài hạn để vỡ vướng trong đăng kiểm" do báo Pháp luật TP.HCM tổ chức ngày 24/3, ông Ngô Quang Trường - đại diện Công ty CP Giao nhận và Thương mại Quang Châu cho biết, doanh nghiệp này chịu sức ép lớn trong bối cảnh đăng kiểm khó khăn, quá tải.
“Mỗi phương tiện đến kỳ kiểm định mất cả tuần nằm chờ, phát sinh nhiều chi phí như sữa chữa xe, chi phí ăn ở cho tài xế. Nghiêm trọng hơn, doanh nghiệp đứng trước nguy cơ bị phạt hợp đồng do thiếu phương tiện vận chuyển”, ông Trường nêu.
Theo ông Trường, có nhiều xe khi đi đăng kiểm tất cả bộ phận đều đạt, tuy nhiên màu sơn lâu ngày bị phai hoặc bị trầy xước thì ngay lập tức bị đánh rớt. Tài xế phải lái xe về sơn lại rồi mới quay lại xếp hàng. Tuy nhiên, quá trình này phải mất thêm nhiều ngày nữa xe mới đến lượt đăng kiểm, rất gian nan.
Đại diện một doanh nghiệp trong Hiệp hội vận tải hàng hóa TP.HCM cho biết, trong tháng vừa qua, doanh nghiệp đưa 20 xe đi đăng kiểm thì bị đánh rớt do lỗi số khung, số máy chưa đầy đủ, không đúng vị trí.
“Nhân viên đăng kiểm giải thích khi tra cứu trên chương trình quản lý thì số khung xe phải nằm phía trước đầu xe bên phải chứ không phải nằm phía sau đuôi, bên phải. Tìm hiểu thì số khung, số máy thuộc về thẩm quyền của Công an TP.
Chúng tôi đã được cấp giấy rồi vậy sai ở đâu, lỗi này có ảnh hưởng đến an toàn kỹ thuật của xe không, tại sao phía đăng kiểm không có bất cứ hướng dẫn gì?”, vị đại diện doanh nghiệp bức xúc.
Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa TP.HCM Bùi Văn Quản cho biết một phương tiện đi đăng kiểm hiện nay tốn chi phí khoảng từ 12 - 20 triệu đồng cùng 5 ngày chờ đợi, tương ứng với 5 ngày dừng hoạt động, mất doanh thu khoảng 5 triệu đồng.
“Nội dung kiểm tra của đăng kiểm rất chi li, phức tạp nên xe cũ muốn đạt thì gần như đã thành xe mới. Thiếu đăng kiểm viên đã đành, đằng này yêu cầu xe đi đăng kiểm phải đúng từng chi tiết nhỏ, gây khó cho doanh nghiệp. Chưa kể tài xế rất cực, phải thức thâu đêm chờ đợi và di chuyển để được đăng kiểm”, ông Quản nhìn nhận.
Qua đó, ông Quản đề nghị Cục Đăng kiểm nên xem xét lại để giảm bớt thủ tục và áp lực cho các Trung tâm đăng kiểm, cái nào ảnh hướng đến an toàn giao thông thì nên giữ và cái nào không ảnh hưởng thì nên bỏ.
Cần 'gỡ khó' cho đăng kiểm trong thời gian tới
Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM Bùi Hòa An cho biết, từ tháng 10/2022, TP.HCM đã gặp biến động rất lớn trong ngành đăng kiểm. Có thời điểm, tại TP.HCM chỉ còn 8/19 trung tâm gây ảnh hưởng lớn tới các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp.
Hiện TP còn 11/19 với 23 chuyền, công suất hơn 1.400 lượt/ngày. Với nhu cầu hơn 85.000 xe đến hạn đăng kiểm trong tháng 4 và chưa kể tới 30% lượng xe đăng kiểm chưa đạt và chưa được đăng kiểm thì tình hình sẽ rất căng.
Ông cho biết, vừa qua Bộ GTVT đã ban hành Thông tư 02 sửa đổi, miễn kiểm định đối với xe ô tô mới và kéo dài chu kỳ kiểm định của nhiều loại phương tiện sẽ có tác dụng giải quyết vấn đề trong khoảng 6 tháng nữa, không phải cho hiện tại. Còn các giải pháp của Sở GTVT trong gian qua chỉ giải quyết tình thế như động viên anh em đăng kiểm viên làm theo giờ, thứ 7 và chủ nhật.
"Tôi thực sự lo cho sức khỏe anh em không đủ đáp ứng, chưa kể tới áp lực tinh thần lại rất lớn”, ông An chia sẻ.
Hiện nay, lực lượng quận đội và CSGT đã tham gia hỗ trợ hoạt động đăng kiểm tại TP.HCM nhưng chỉ mang tính chất hỗ trợ về mặt kỹ thuật không thay thế được lực lượng đăng kiểm. Ông An cho biết, vấn đề cần giải quyết bây giờ chính là nhân lực. Một đăng kiểm viên tốt nghiệp chuyên ngành kỹ thuật yêu cầu phải có 12 tháng kinh nghiệm.
"Sắp tới, nếu sửa đổi Nghị định số 139 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới, có thể xem xét rút ngắn thời gian kinh nghiệm của đăng kiểm viên mới tốt nghiệp. Đồng thời, sử dụng nhân lực có kinh nghiệm ở các cơ sở lắp ráp, bảo dưỡng xe cơ giới. Nhân lực này sẽ được huấn luyện ngắn trong thời gian 3 tháng để bổ sung cho ngành đăng kiểm. Khi nguồn đăng kiểm viên tăng lên thì việc mở lại trung tâm đăng kiểm và tăng các chuyền kiểm định mới hiệu quả.”, ông An nêu giải pháp.
Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô TP.HCM hoan nghênh lãnh đạo ngành GTVT đã chấp nhận những giải pháp có hiệu quả, chưa từng có tiền lệ...
Ông Tính kỳ vọng Bộ GTVT và Cục Đăng kiểm vận dụng những giải pháp tạm thời, tiếp tục mở rộng các giải pháp mang tính dài hạn, bền vững như kéo dài chu kỳ của các loại đăng kiểm lên 3 năm, 5 năm, thậm chí tới 7 năm như Thái Lan cũng như một số nước.
Đồng thời, tổ chức tập huấn đăng kiểm viên theo dạng cấp bách, không cần bổ nhiệm mà theo hình thức hợp đồng, công nhận họ là đăng kiểm viên thay vì đào tạo bài bản từ 3 - 5 năm nhằm lấp khoảng trống thiếu đăng kiểm viên, thiếu chuyền đăng kiểm hiện nay.