Doanh nghiệp cloud Việt có nhiều lợi thế

Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường điện toán đám mây (cloud) tại Việt Nam hiện còn khá mới mẻ và vẫn có quy mô nhỏ. Tuy nhiên, với xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, thị trường AI Việt Nam đầy tiềm năng và sẽ sớm bùng nổ.

Theo con số được công bố bởi Viettel IDC, với mức tăng trưởng 25 - 27%, doanh thu thị trường AI Việt Nam có thể đạt tới con số 300 triệu USD vào năm 2025. Các thống kê cụ thể cho thấy, doanh thu của các ứng dụng dựa trên nền tảng AI (AI Software Application) và nền tảng để các ứng dụng AI khai thác (AI Software Platform) có thể tăng trưởng 33-35%/năm với doanh thu lên tới 120 triệu USD vào năm 2025. Trong khi đó cải tiến nghiệp vụ doanh nghiệp, nhận diện thương hiệu (Business analytics insights) và nghiên cứu dữ liệu, ứng dụng, dịch vụ dữ liệu (Data Engineering, AI enablement) tại Việt Nam có mức tăng trưởng 21-24% và có thể đạt doanh thu khoảng 160 – 180 triệu USD.

{keywords}
Doanh nghiệp Việt chiếm lĩnh thị trường đám mây trong nước sẽ tăng nhanh. 

Thị trường đám mây trong nước đang là cuộc cạnh tranh giữa 3 nhóm các nhà cung cấp: doanh nghiệp ngoại (Google, Microsoft…), các doanh nghiệp nội có quy mô lớn với sự đầu tư đồng bộ và một nhóm các doanh nghiệp nhỏ, startup cung cấp các ứng dụng hoặc dịch vụ cụ thể

Ông Vũ Minh Trí, CEO VNG cloud cho rằng khi thị trường điện toán đám mây còn đang mới mẻ, các doanh nghiệp nước ngoài vốn có thời gian và kinh nghiệm cung cấp các dịch vụ đó ở các thị trường khác từ rất sớm nên có lợi thế. Tuy nhiên, theo nhận định của Tổng Giám đốc VNG cloud, doanh nghiệp trong nước bắt đầu từ việc cho thuê chỗ để đặt server gần đây đã tiến lên làm chủ công nghệ điện toán đám mây.“ Tôi cho rằng sắp tới, chắc chắn tỷ lệ doanh nghiệp Việt chiếm lĩnh được thị trường điện toán đám mây trong nước sẽ tăng nhanh”, ông Trí nhận định.

Nếu sử dụng hạ tầng đám mây (chiếm nhiều nhất nhu cầu sử dụng điện toán đám mây) của các doanh nghiệp trong nước sẽ rẻ hơn rất nhiều. Lý do là là bởi số server trên đầu người nhiều hơn, đường truyền rẻ hơn và đội ngũ nhân lực người Việt luôn sẵn sàng để hỗ trợ các doanh nghiệp.

Theo tính toán, chi phí về băng thông khi dữ liệu phải đưa qua đường truyền quốc tế có thể lớn hơn chi phí lưu trữ nếu các server đặt ở nước ngoài. Các doanh nghiệp trong nước phải tập trung nhìn rõ bài toán chi phí để thấy rằng có thể tiết kiệm tới 50% chi phí nếu sử dụng dịch vụ của các doanh nghiệp Việt Nam. Đường truyền trong nước cũng ổn định hơn rất nhiều. Do đó, ông Trí cũng cho rằng: “Doanh nghiệp cung cấp điện toán đám mây trong nước phải nhìn vào 3 lợi thế đó để tận dụng lợi thế về giá”.

Một bài toán nữa cần nhìn thấy như một lợi thế đó là nguồn nhân lực hỗ trợ ngay tức thì cho các doanh nghiệp sử dụng, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường không có những người giỏi về IT. Lấy ví dụ ở VNG, ông Trí cho biết có khoảng 300 kỹ sư luôn sẵn sàng hỗ trợ cho doanh nghiệp. “Đó là những lợi thế mà các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trong nước phải tận dụng”, ông Trí nói. 

Doanh nghiệp Việt có thể “làm chủ cuộc chơi”?

Theo nhận định của các chuyên gia, chuyển đổi số là xu thế bắt buộc của các doanh nghiệp và việc triển khai sớm AI và điện toán đám mây sẽ mang lại lợi thế lớn. Sau Covid-19, các doanh nghiệp đã bắt đầu có xu thế ồ ạt chuyển lên cloud. Khi lên đám mây, dữ liệu của doanh nghiệp được thu thập và lưu trữ hiệu quả hơn, doanh nghiệp có cơ hội hiểu biết bài bản về khách hàng hơn. Tuy nhiên, việc lên cloud lại không dễ khi nhiều doanh nghiệp nhận thức chưa đầy đủ và còn thiếu nguồn lực. Do đó, các nhà cung cấp dịch vụ có vai trò rất lớn.

Theo ông Trí, đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đám mây tại Việt Nam, quan trọng là phải đưa ra các dịch vụ dễ sử dụng cho khách hàng. “Phải hướng đến các giải pháp cụ thể cho doanh nghiệp. Trong đó, giải các bài toán cho doanh nghiệp hiện nay như giảm chi phí”. Đó là lý do VNG cloud cung cấp các giải pháp được xây dựng sẵn cho từng ngành như xây dựng, bất động sản, bán lẻ, media, sản xuất, ngân hàng…(là những ngành đang có xu thế phát triển mạnh – PV). Thực tế cho thấy, đây cũng đang là hướng đi của nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện toán đám mây lớn trong nước.

Dù vậy, để có thể sớm chiếm lĩnh được thị trường tiềm năng trong nước, Câu lạc bộ Điện toán đám mây và Trung tâm dữ liệu Việt Nam được thành lập với 12 thành viên sáng lập đều những chuyên gia và doanh nghiệp đang kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu. 

Ông Vũ Minh Trí, với vai trò là Chủ nhiệm Câu lạc bộ cho biết với sứ mệnh phổ cập kiến thức về cloud cho các doanh nghiệp ở Việt Nam, Câu lạc bộ sẽ tổ chức các hội thảo, chương trình chia sẻ những câu chuyện thành công trong từng ngành để xây dựng sự hiểu biết của các doanh nghiệp về việc ứng dụng cloud.

Câu lạc bộ Điện toán đám mây cũng sẽ có những nghiên cứu, đánh giá thị trường cloud Việt Nam qua báo cáo đánh giá cụ thể cho từng ngành, từng doanh nghiệp. "Đồng thời, là nơi quy tụ những chuyên gia hàng đầu về cloud tại thị trường Việt Nam, chúng tôi cũng muốn tư vấn cho Chính phủ những định hướng phát triển cloud trong tương lai", ông Trí nói.

Duy Vũ

Việt Nam sẽ có lợi thế lớn khi triển khai sớm AI và điện toán đám mây

Việt Nam sẽ có lợi thế lớn khi triển khai sớm AI và điện toán đám mây

Theo các chuyên gia, việc triển khai sớm AI và điện toán đám mây (cloud) sẽ mang lại lợi thế lớn và tạo sức bật để Việt Nam phát triển.