Sâu hơn từ đối diện thực tại
Chia sẻ về cách mình đối diện và xử lý những vấn đề trong cuộc sống, TS Nguyễn Mạnh Hùng chỉ ra nguyên tắc căn bản: Đặt câu hỏi tại sao và làm thế nào. Ví dụ như khi thấy buồn, thì tự hỏi “Tại sao lại buồn?” và “Làm thế nào để cảm thấy vui vẻ?”.
Với ông, mấu chốt là con người cần làm chủ được thân - tâm - trí để thực hiện được những mong muốn và kế hoạch của bản thân. Theo ông, muốn có trí tuệ hơn mỗi người cần tìm đến ba nhân tố quan trọng: thầy giỏi, sách hay và bạn tốt.
“Sống sâu là tài sản lớn của người Việt Nam”, CEO Thái Hà Books bày tỏ tâm huyết đối với việc làm sách và lan tỏa văn hóa đọc, đặc biệt là dòng sách tâm linh và Phật pháp. Ông nhấn mạnh, Đức Phật là nhà bác học vĩ đại nhất, người thầy vĩ đại nhất đến nay.
Ông cho biết Thái Hà “tuyển chọn từng cuốn sách để xuất bản”, làm sách bản quyền kể cả từ khi khái niệm này còn xa lạ với xuất bản Việt Nam. Tiêu chí chọn sách trước tiên là “tử tế, không làm hại ai”.
Những ấn phẩm có nguy cơ khiến người đọc hiểu lầm, gây ra những nhầm lẫn, mang lại điều xấu thì đơn vị không ưu tiên. Tốt hơn nữa, người làm sách kỳ vọng có nhiều tác phẩm tạo động lực để khơi gợi người khác thành công.
Rất nhiều tác giả lựa chọn Thái Hà làm đơn vị xuất bản cuốn sách của mình, phát hành sách không để lấy tiền làm giàu mà làm từ thiện. Với cuốn sách Sống sâu - Tuệ Lạc, một cư sĩ Phật giáo cũng không ngoài mục đích ấy. Ông Hùng nhận định, Tuệ Lạc là một người cực kỳ sâu sắc, một doanh nhân kiệm lời nhưng có tâm lớn, cuộc đời và bước ngoặt của cô chính là câu chuyện truyền cảm hứng thú vị.
Trải nghiệm công việc với sự tỉnh thức
Dành lời khuyên cho những người trẻ có tham vọng làm giàu, ông Nguyễn Thành Tiến - người sáng lập Tổ chức giáo dục NIK, chuyên đào tạo về đầu tư, khởi nghiệp, tại buổi giao lưu đã nhấn mạnh vào yếu tố giá trị: “Chỉ có bằng giá trị thì mới có thể làm giàu bền vững”. Ông lấy ví dụ trong đầu tư bất động sản, nhà đầu tư nên chú trọng tạo ra giá trị chứ không chỉ đầu cơ tích trữ chờ bán đi bán lại. Họ có thể xây dựng cơ sở kinh doanh, du lịch, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.
Ông Nguyễn Thành Tiến cho rằng, rất nhiều con đường dẫn đến thành công, có người làm được vì tài năng xuất chúng, có người nhờ không bỏ cuộc. Mỗi người cũng có định nghĩa thành công khác nhau và nên chọn con đường phù hợp với mình.
Anh Tạ Minh Tuấn, một trong những tác giả, diễn giả được Forbes bình chọn có ảnh hưởng ở Việt Nam và châu Á nhận định rằng khởi nguồn của thành công chính là những hành động thể hiện quyết tâm nho nhỏ thường ngày.
Anh tiết lộ, mỗi ngày mình đặt ra mục tiêu viết được một trang thôi thì một năm đã có một quyển sách. Thậm chí, nếu hôm đó quá bận, chỉ 30 giây đọc lại bản thảo tức là mình cũng tiến được thêm một bước.
Tạ Minh Tuấn khuyên đừng chờ cảm hứng tới mà “làm đi rồi sẽ có cảm hứng”: Không phải chờ rảnh mới thiền, chờ có thời gian mới thiền mà thiền đi rồi sẽ rảnh, thiền đi rồi có thời gian. Bởi lẽ thiền rồi ta tập trung hơn, nâng cao hiệu suất làm việc. Tương tự, đầu tư đi rồi mới có tiền, học rồi mới giỏi. Khi thấy rằng một việc này giúp được cho người khác, hãy nỗ lực. Xuất phát từ ý nguyện đúng đắn thì sẽ làm được điều có giá trị.
Anh luôn tâm niệm: “Gieo hạt giống thiện lành cho tương lai tốt đẹp hơn bắt đầu từ ý nguyện như hôm nay”.
Trong khi đó, Hoàng Tuyết Mai, tác giả cuốn Chuông xoay Himalaya - sự chữa lành kỳ diệu kể về hành trình từ một doanh nhân trở thành người hướng dẫn trị liệu. “Tôi thấy đồng điệu rất nhiều với tác giả Tuệ Lạc khi đọc Sống sâu”, chị nói.
Tuyết Mai là người gặt hái sự nghiệp thành công khi còn quá trẻ, gia đình cũng viên mãn. Nhưng rồi chị muốn tìm điều gì đó mang chiều sâu hơn, nhìn lại một chút, tu tập bản thân, cưỡng chế cái tham.
“Tìm thấy sứ mệnh bên trong, tôi mong mình chậm lại, và chính từ đây đến với phương pháp trị liệu bằng chuông Himalaya có tác dụng rất tốt với những ai thường xuyên bị lo âu, mất ngủ, sức khỏe tinh thần kém. Khi áp lực, mệt mỏi, tiếng chuông có thể giúp điều hòa hơi thở, thư giãn tâm trí”, tác giả Hoàng Tuyết Mai bày tỏ.
Biết đủ sẽ bình an
Mang tới buổi giao lưu thông điệp “biết đủ” để kiến tạo bình an, tác giả Tuệ Lạc cho biết, bản thân từng nghĩ thành công là phải có nhiều tiền bạc, danh vọng… Tuy nhiên, nếu có những thứ đó mà không biết mình là ai, sống hời hợt, hình thức để tham-sân-si che mờ tâm trí thì hạnh phúc cũng vắng mặt.
Theo chị, đầu tư giá trị nhất chính là đầu tư cho chiều sâu tâm thức. Vì chính khi mình có chiều sâu tâm thức sẽ thấy bản thân giàu có ở mọi hoàn cảnh; biết đủ ở chỗ biết sống, làm việc phù hợp với khả năng, hoàn cảnh của mình trong hiện tại.
Sau bước chuyển tinh thần, hướng tâm đến sự thực hành tỉnh thức, Tuệ Lạc đã dành thời gian nhiều hơn cho những hoạt động nuôi dưỡng tâm hồn, cống hiến tích cực cho xã hội thông qua quỹ từ thiện Tuệ Lạc và nhóm từ thiện Tuệ Lạc Tâm.
Trong hoạt động lan tỏa tri thức, Tuệ Lạc ưu tiên đặc biệt việc tài trợ thư viện, tủ sách cho các trường học vùng sâu, vùng xa. “Giúp người sống sâu hơn qua sách cũng là gieo trồng hạt giống sống sâu cho mình”, nữ cư sĩ tâm niệm.