Cuốn sách Ma thuật của vật chất (NXB Trẻ phát hành) dẫn dắt bạn đọc khám phá những tính chất kỳ lạ của các vật liệu và mối liên hệ sâu sắc giữa vật lý, tinh thể và thế giới tự nhiên. Felix Flicker cho thấy khoa học và phép thuật không đối lập mà bổ sung cho nhau trong việc kiến tạo và giải thích các bí ẩn của vũ trụ.
Tác giả nhìn nhận vật lý không phải là bộ môn khoa học khô khan, ông sử dụng thuật ngữ “phép thuật” để giải thích những hiện tượng vật lý tưởng chừng là hiển nhiên, nhưng phức tạp và diệu kỳ như: từ tính, chất siêu dẫn hay sự tồn tại của ánh sáng…
Ma thuật của vật chất kể về lịch sử của phép thuật, các pháp sư. Nhờ quá trình quan sát thế giới, họ đã luận ra những câu thần chú nhằm biến đổi vũ trụ. Tên gọi hiện đại của ma thuật đó là vật lý học, cụ thể là vật lý vật chất ngưng tụ.
Felix Flicker “cảnh báo” về cuốn sách ma thuật trên đây rằng, khi chúng ta học cách sử dụng các câu thần chú, sự nhiệm màu của phép tiên sẽ không còn nữa. Những hiện tượng khó lý giải sẽ trở nên trần tục, tầm thường và nhạt nhẽo. Đây là cái giá phải trả cho kiến thức phép thuật, tức mọi hiện tượng bí ẩn trong vũ trụ đều được hợp lý hóa.
Có vô vàn hiện tượng con người có thể diễn giải dưới góc độ khoa học, ngược lại, khoa học cũng có thể mang đến đời sống những hiện tượng diệu kỳ, mà vài thế kỷ trước chúng ta nghĩ là phép thuật. Trước đây, phép thuật có thực khi lấy từ trong túi một viên pha lê có khả năng sáng rực cả một vùng, nhưng ngày nay đèn LED (diode phát quang) cũng có thể làm điều tương tự bằng cách cho dòng điện chạy qua.
Trong sách, phép thuật đòi hỏi sự khó hiểu và xa lạ nhất định. Sở dĩ, đèn LED không còn là một tiên thuật bởi con người quen thuộc và đã hiểu rõ cơ chế hoạt động. Nhưng nếu thử mang chiếc diode laser quay về thời kỳ Trung Cổ, nó sẽ thật vi diệu vì quá xa lạ. Điều này giống như khi chúng ta hiếm cười lần thứ hai với cùng một chuyện hài. Pháp màu cũng giống vậy, tuy nhiên, nó không biến mất mà chỉ thay đổi hình thức.
Sách Ma thuật của vật chất còn mô tả và giải thích cấu trúc tinh thể (biểu tượng của thế giới vật chất) dựa trên nền tảng cộng hưởng của nhiều hiện tượng vật lý. Felix Flicker tập trung làm sáng tỏ cách mà các nguyên tử đối xứng và sắp xếp có trật tự đã ảnh hưởng đến những tính chất vật lý như độ bền, độ dẫn điện và dẫn nhiệt.
Ngoài ra, tác phẩm dành một phần đáng kể để khám phá sự hỗn độn trong vật lý lấy bối cảnh vật chất ngưng tụ. Tác giả lý giải, chính sự hỗn độn này là động lực thúc đẩy sự sáng tạo và phát triển. Nó được ứng dụng trong các lĩnh vực thực tiễn: kỹ thuật, công nghệ, khoa học máy tính… Việc mô phỏng sự nhiễu loạn giúp con người dự đoán tốt hơn các hiện tượng tự nhiên và kiểm soát những hệ thống kỹ thuật tiên tiến.
Theo Felix Flicker, bí quyết của mọi màn ảo thuật nằm ở việc ảo thuật gia phải nỗ lực vượt qua mức tưởng tượng của khán giả. Điều này tương tự như trong vật lý, khi hiểu rõ về các hiện tượng vật lý, con người sẽ cảm thấy như một pháp sư vì những gì chúng ta có thể đạt được là không thể tưởng tượng nổi. Tác giả nhấn mạnh, nhà vật lý không có kỹ năng toán học từ lúc sinh ra, mọi thứ đều được trui rèn thông qua việc học và thực hành.
Cuốn sách được đánh giá cao từ giới chuyên môn. Học giả người Anh Charles Foster nhận xét: “Vui tươi, sâu sắc và thấu suốt: cuộc phi nước đại đầy phấn khích qua thế giới huyền bí của vật chất”. Tác giả cuốn The Upper World bày tỏ: “Một cuốn sách phải đọc cho những ai hiểu sức mạnh vật lý đã biến đổi thế giới của chúng ta như thế nào”. Nhà vật lý lý thuyết Fritjof Capra khẳng định: “Ma thuật của vật chất là cuốn sách hấp dẫn, khai sáng và vô cùng thú vị. Một khi bị mê hoặc, bạn sẽ khó có thể đặt nó xuống".
Felix Flicker là một nhà vật lý chuyên nghiên cứu về lĩnh vực vật lý vật chất ngưng tụ và hệ thống lượng tử. Ông hiện là giảng viên Trường Vật lý và Thiên văn học tại Cardiff University, Anh. Felix Flicker là tác giả của các bài báo về tự nhiên và khoa học nổi tiếng về siêu dẫn, vật lý lượng tử và các hiện tượng phức tạp khác. Ông là cựu vô địch môn Shuai Jiao (đấu vật Trung Quốc) và sở hữu đai đen Kung Fu.