RT đưa tin chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama đã mở rộng danh sách trừng phạt đơn phương nhằm vào Nga.
Tổng thống Mỹ Barack Obama (ảnh trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: ABC news |
Những đối tượng Mỹ trừng phạt lần này là các thực thể và cá nhân mà Washington tin là có tham gia vào việc làm cho tình hình ở Ukraina bất ổn.
Cụ thể, trừng phạt của Mỹ nhằm thẳng vào nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất của Nga là Rosneft, hãng khí đốt lớn thứ hai là Novatek, ngân hàng quốc gia Vnesheconombank chi trả cho chính phủ Nga và 8 công ty vũ khí.
Các cá nhân bị Washington áp đặt lệnh trừng phạt lần này là Bộ trưởng phụ trách vấn đề của Crưm là Oleg Savelyev, Phó Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Sergei Neverov, phụ tá của Tổng thống Putin là Igor Shchegolev và Thủ tướng ‘Cộng hòa Donetsk’ tự phong Aleksandr Boroday.
Nói về động thái này, ông Obama nói rằng các trừng phạt này đều có mục tiêu rõ ràng, nhưng ‘nhằm gây ra tác động tối đa lên Nga trong khi vẫn có thể hạn chế tác động lên các công ty của Mỹ’ và các đồng minh.
“Lãnh đạo Nga một lần nữa sẽ pải nhìn lại rằng hành động của họ tại Ukraina là có hệ quả. Chúng ta sống trong một thế giới phức hợp và vào một thời điểm đầy thách thức. Không có thách thức nào trong số này có thể mau chóng có giải pháp, nhưng lại đều cần tới sự lãnh đạo của Mỹ” – ông Obama nói.
Tổng thống Mỹ khẳng định ‘Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ Ukraina’.
Đáp lại hành động đơn phương của Mỹ, Tổng thống Nga Putin nói rằng việc áp trừng phạt đối với Nga vì Ukraina là đi ngược lại lợi ích quốc gia của chính nước Mỹ.
Đang có mặt tại hội nghị BRICS tại Brazil, ông Putin nói rằng việc ông Obama tuyên bố ủng hộ cho Ukraina không nên chỉ giới hạn trong nhóm các nhà tài phiệt.
“Đối với các lệnh trừng phạt, bao giờ nó cũng mang lại hiệu ứng kiểu boomerang (tác động trở lại), và rõ ràng là nó sẽ đẩy quan hệ Nga – Mỹ đi vào ngõ cụt. Đây là một đòn giáng nghiêm trọng vào mối quan hệ của chúng tôi. Và về lâu dài, nó làm suy yếu các lợi ích về an ninh của Mỹ và công dân của họ” – ông Putin nói.
Hành động đơn phương trừng phạt của Mỹ đưa ra trong bối cảnh Nga có một loạt động thái được cho là nhằm vào Mỹ.
Vài giờ trước khi Mỹ ra lệnh trừng phạt, ông Putin đã ký thỏa thuận với Cuba nhằm khởi động lại một căn cứ tình báo của Liên Xô tại Cuba nhằm theo dõi thông tin tình báo từ Mỹ.
Nga cùng bốn nước còn lại trong BRICS (là Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đã thành lập một quỹ tiền tệ riêng để nhằm đối trọng với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Lê Thu