Tranh luận tự chủ đại học 'bó buộc' hay 'rất thoáng'
Theo ĐB Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh), bên cạnh các thành tựu nhất định trong thực hiện tự chủ đại học là những thách thức trong huy động các nguồn lực tài chính.
Đại biểu cho biết thực tế khảo sát cho thấy cũng chính từ cơ chế tự chủ đã làm cho cạnh tranh giữa các trường ngày càng gay gắt hơn. Các trường đại học sẽ chạy theo những ngành đào tạo dễ tuyển sinh, làm mất cân đối trong chiến lược phát triển nhân lực quốc gia.
"Chất lượng đầu vào, đầu ra của sinh viên và học viên, đặc biệt trong đào tạo thạc sĩ, chất lượng đào tạo giảng dạy ở nhiều trường đại học không còn là mối quan tâm hàng đầu nữa mà thay vào đó là nguồn thu, số lượng sinh viên, học viên có thể tuyển sinh được" - bà Thơ đưa nhận định.
Vị đại biểu này cho rằng do chưa có sự thống nhất giữa Luật Giáo dục Đại học với một số luật chuyên ngành khác trong điều chỉnh giáo dục đại học nên các công cụ, chính sách để thực hiện tự chủ vẫn còn nhiều hạn chế, khiến nhiều trường gặp khó.
"Về quản lý nhân sự, đại học công không được tự quyết định việc sử dụng, tuyển dụng, luân chuyển, bổ nhiệm... mà phải thực hiện theo đúng quy định của Luật viên chức và cơ quan chủ quản. Điều này sẽ làm cho việc tuyển dụng lao động, bố trí nhân sự phù hợp, có chất lượng gặp khó khăn…
Về tài chính có nhiều rào cản do sự thiếu đồng bộ trong Luật Giáo dục Đại học với Luật Ngân sách nhà nước, Luật quản lý sử dụng tài sản công... Các đơn vị sự nghiệp công phải cắt giảm ngân sách theo lộ trình mỗi thời kỳ 5 năm, làm cho việc chi tiêu tại các cơ sở giáo dục ngày càng bị thắt chặt".
Vì vậy, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ đề nghị cần phải nhanh chóng quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học. Mạng lưới này phải gắn kết chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế xã hội của quốc gia, định hướng phát triển của vùng kinh tế và các địa phương.
"Quy hoạch các cơ sở giáo dục đại học cần phải dựa trên việc phân tầng các trường, không có quy định chung đối với tất cả các trường trong cả nước.
Đồng thời, quán triệt nguyên tắc song song với quyền tự chủ và thực hiện quyền tự chủ là tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học, quyền tự chủ đến đâu trách nhiệm tương xứng tới đó...
Về chi ngân sách nhà nước, các khoản chi thường xuyên cho ngành giáo dục nên được coi như chi đầu tư phát triển. Từ đó, nhà nước có chiến lược đầu tư phân bổ một cách hợp lý hơn và phát triển ngành giáo dục đào tạo, đặc biệt giáo dục đại học, một cách đúng mục tiêu và định hướng đề ra" - bà Thơ đưa đề xuất.
Tranh luận về nhận định trường đại học đang bị bó buộc bởi các quy định nên không tự chủ được của ĐB Quỳnh Thơ, ĐB Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) cho rằng bên đó vẫn có những quy định “đường mòn, lối mở” cho các trường vận dụng.
"Nhiều khi đó là những chính sách rất thoáng" - ông Nghĩa khẳng định.
Minh chứng cho nhận xét của mình, ông Nghĩa cho biết theo Nghị định 81, các trường sẽ được tự quyết học phí nếu kiểm định chương trình đào tạo. Việc này tạo nên làn sóng đua nhau thực hiện kiểm định để tăng học phí. Trên thực tế, hiện nay học phí đại học đang tăng rất cao. Có những trường không mở ngành học bình thường nhưng lại mở ngành chất lượng cao để thu học phí.
"Nếu là dự án BOT, đường cũ vẫn để dân đi, người nào có tiền thì đi đường mới với sự đầu tư mới. Tuy nhiên, hiện nay nhiều trường có những ngành học tăng học phí từ 20, 30 lên 60 triệu đồng bởi chỉ có “đường BOT”. Có ngành chất lượng cao nhưng điểm đầu vào thấp hơn ngành bình thường, chỉ tăng thêm một số môn học, sau khi kiểm định xong thì tăng học phí" - ông Nghĩa so sánh.
'Sai phạm không phải không có cách giải quyết'
Cũng trong phiên thảo luận sáng nay, ĐB Kim Thúy ghi nhận nỗ lực rất lớn của Bộ GD-ĐT trong việc xây dựng Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và chỉ đạo biên soạn, xuất bản, phát hành sách giáo khoa (SGK) mới theo đúng tiến độ. Bà Thúy cũng chia sẻ với những vướng mắc về nhân sự và tài chính mà Bộ và ngành giáo dục nói chung khó một mình giải quyết.
"Làm một việc được cả nước đặt kì vọng rất lớn là đổi mới giáo dục, mà hai yếu tố quan trọng nhất là người và tiền, đều không chủ động được khó có thể làm tốt" - vị đại biểu này nhận định.
Tuy nhiên, theo bà Thúy, nếu Bộ GD-ĐT kiểm tra, thanh tra sâu sát, kịp thời trao đổi với lãnh đạo địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ có biện pháp tháo gỡ, xử lý thì những khó khăn, vướng mắc, sai phạm không phải không có cách giải quyết.
Trong bài phát biểu của mình, bà Thúy chỉ nêu khó khăn, vướng mắc và có 3 điểm cụ thể mà bà đưa ra.
Thứ nhất, "Những sai phạm ở NXB Giáo dục Việt Nam (doanh nghiệp trực thuộc Bộ), phải xử lý hình sự có phần trách nhiệm của cơ quan chủ quản bổ nhiệm nhân sự lãnh đạo không đúng và thiếu kiểm tra, thanh tra sâu sát".
Thứ hai, về sai sót trong một số cuốn SGK và khả năng thiếu SGK trong năm học sắp tới, bà Thúy cho biết tuy chia sẻ với khó khăn của Bộ và ngành giáo dục "nhưng tôi cho rằng thái độ của Bộ và các NXB trong việc tiếp thu ý kiến phê bình mới là điều khiến cử tri lo lắng, dư luận không đồng tình. Hiện nay, hầu hết các ý kiến phê bình, góp ý không được các NXB và Bộ trả lời. Một số trường hợp được trả lời thì không đúng thực tế".
Bà Thúy đưa ví dụ: "Trong văn bản trả lời chất vấn của tôi, Bộ trưởng khẳng định: “NXB Giáo dục Việt Nam đã thu hồi để sửa chữa 110.000 cuốn, đồng thời hủy và in lại 38.000 cuốn sách Khoa học tự nhiên lớp 6 của Bộ kết nối tri thức với cuộc sống.
Nhưng theo phản ánh của giáo viên nhiều trường, sách chưa được thay bằng sách mới. Muốn biết thông tin nào đúng, thông tin nào sai, chỉ cần kiểm tra hồ sơ thẩm định sách là rõ: Nếu sách được sửa chữa thì việc sửa chữa diễn ra vào thời gian nào, quyết định thành lập Hội đồng thẩm định và biên bản của Hội đồng thẩm định, quyết định phê duyệt của Bộ trưởng có hay không…?
Nếu chúng ta không kiên quyết phát hiện, xử lý những hiện tượng chạy chọt, đi đêm trong việc này, giống như các vụ án hình sự về đấu thầu trang thiết bị trong chính ngành giáo dục".
Thứ ba, bà Thúy cho rằng đây là điều đáng lo ngại nhất, là việc lựa chọn sách thiếu minh bạch, khách quan. Việc này "chẳng những không khuyến khích được sự thi đua giữa các tổ chức, cá nhân biên soạn, xuất bản, phát hành SGK nhằm không ngừng nâng cao chất lượng SGK, có lợi cho người dạy và học mà còn có khả năng khuyến khích cạnh tranh không lành mạnh, dần dần làm sai lệch chủ trương xã hội hoá, thậm chí xoá bỏ việc xã hội hoá trong lĩnh vực này, trở lại tình trạng độc quyền như cũ".
Với những lí do đã nêu, bà Thúy kiến nghị "Chính phủ chỉ đạo tổ chức thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm. Đồng thời yêu cầu Bộ GD-ĐT khẩn trương rà soát sửa đổi ngay quy định bất hợp lý của Thông tư 25".
Và kiến nghị thứ hai là "Quốc hội và Chính phủ xem xét việc sửa đổi Luật Giáo dục để tiếp tục thực hiện chủ trương “đa dạng hoá tài liệu học tập” đã được nêu trong Nghị quyết 29 của Trung ương và “xã hội hoá việc biên soạn SGK” đã được quy định trong Nghị quyết 88 của Quốc hội".