Ngày 16/5, Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ khởi nghiệp - ĐH Quốc gia Hà Nội, tổ chức Diễn đàn đổi mới sáng tạo quốc gia 2024 với chủ đề "Xây dựng chiến lược nền tảng phát triển đại học định hướng đổi mới sáng tạo".
Ông Nguyễn Trung Dũng - Tổng Giám đốc BK Holdings, Chủ tịch Mạng lưới đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp ĐH - CĐ Việt Nam (VNEI), cho hay, hình bóng của cấu phần “trường đại học” trong trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia còn rất mờ nhạt.
Theo ông Dũng, sứ mệnh của đại học gồm đào tạo, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. “Có thể nói sứ mệnh thứ ba là đổi mới sáng tạo là điều không hề dễ và ở Việt Nam vẫn đang ở những bước khởi đầu”, ông Dũng nói.
Về các tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong đại học, ông Dũng cho hay, đây là điều mà VNEI khi ra đời, đã nhận thấy đây là một “nỗi đau” của các trường. “Đa phần các trường đại học Việt Nam hiện nay đều đang dừng ở mức mong muốn tuyển sinh được thật nhiều, thu được học phí; nâng cao chất lượng đào tạo, còn hoạt động đổi mới sáng tạo khá xa vời. Các trường cũng không có sự quan tâm đúng mức cho tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo, mới đang dừng ở mức độ là những cuộc thi của sinh viên, “vỗ tay xong rồi về” và gọi đấy là đổi mới sáng tạo. Thậm chí, những điều này đang hiện diện tại những trường mà tuyên bố trong sứ mệnh, tầm nhìn tương lai trở thành đại học sáng nghiệp hay trường đại học đổi mới sáng tạo. Thực ra đó chỉ là những mỹ từ, không thực tế”, ông Dũng nói.
Ông Dũng bày tỏ mong muốn lãnh đạo các trường đại học nghiên cứu, tìm hiểu về tầm quan trọng và sự quan tâm đúng mức cho hoạt động đổi mới sáng tạo, thay vì chỉ nghĩ mang tính phong trào.
Ông Dũng cũng cho rằng, cũng không dễ dàng để ra được lợi nhuận ngay từ việc này. “Lãnh đạo trường đại học sẽ đặt câu hỏi là đầu tư cho hoạt động đổi mới sáng tạo nhà trường được cái gì? Đó là giá trị gia tăng để đem lại lợi ích cho trường quay trở lại đầu tư cho hoạt động giáo dục và nghiên cứu; là danh tiếng, xếp hạng, sự kết nối hiệu quả với doanh nghiệp… của trường. Chúng ta phải tư duy hết sức mở như vậy”, ông Dũng nói.
Ông Dũng cho hay, rất nhiều trường đại học ở Việt Nam đến BK Holdings đặt câu hỏi muốn phát triển đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong trường mình cần làm thế nào.
“Chúng tôi luôn nói với họ trước khi nghĩ đến làm như thế nào hãy bắt đầu bằng việc trả lời trường muốn đạt được điều gì. Đa phần các trường đang ở mức độ từ giáo dục, ý tưởng sinh viên và các cuộc thi và ‘vỗ tay rồi về’. Một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo đầy đủ phải bao gồm cả nghiên cứu, phát triển, chương trình ươm tạo, hợp tác doanh nghiệp hoặc ươm tạo thành các công ty Spin-off nếu nhìn thấy tiềm năng thị trường tốt…”, ông Dũng nói.
TS Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), cho hay, để đổi mới sáng tạo cần cốt lõi là con người thế hệ 4.0, có tư duy mở. Trên cơ sở đó, các trường đại học cần hướng tới “mô hình chia sẻ”, thay thế cho “mô hình sở hữu”, để tối ưu hóa nguồn lực và tạo ra giá trị mới. “Một trường có một không gian nghiên cứu hay một phòng lab, không cần khoe phòng lab của mình rất hiện đại. Quan trọng từ phòng đó có bao nhiêu người được sử dụng và tạo ra được bao nhiêu dự án có giá trị cho các đối tác và kể cả trường mình. Như vậy, thậm chí không cần xây dựng lớn, có thể dùng phòng lab, giáo sư của trường khác, thậm chí dùng sinh viên của trường khác, dùng những tài sản trí tuệ, các kết quả nghiên cứu được cấp phép... để giải quyết bài toán chung.
‘Mô hình chia sẻ’ đang lan tỏa rất mạnh mẽ trong guồng nghiên cứu đổi mới sáng tạo và đó là con đường ngắn nhất giúp tiết kiệm chi phí và tạo ra những giá trị mới”, ông Quất nói.
Song, ông Quất cho rằng, hiện nay chúng ta đang bị vướng về mặt cơ chế, chính sách. “Thứ nhất, chúng ta chưa giải phóng được nguồn lực về con người. Luật Viên chức hiện nay không cho phép những người lãnh đạo các khoa, các viện của trường tham gia lãnh đạo các doanh nghiệp bên ngoài trường. Đó là cái khóa, vẫn là mô hình sở hữu chứ chưa phải mô hình chia sẻ. Thứ hai, về mặt tài sản, Luật quản lý tài sản công chưa cho phép sử dụng các không gian công cho khu vực doanh nghiệp và hạ tầng, thiết bị, phòng lab… cũng chưa được giải phóng. Nếu chúng ta vẫn giữ những quyền đó, rất nhiều phòng “để không” nhưng doanh nghiệp bên ngoài lại không vào được”.
Ngoài ra, một điểm khóa nữa là kết quả nghiên cứu. “Nó là tài sản trí tuệ. Các tài sản tạo ra cái đổi mới nghiên cứu cũng bị quản lý tài sản công coi như là quản lý tài sản hữu hình. Không thể đem ra góp vốn, chia sẻ, cho dùng được. Đó là điều mà lãnh đạo các trường đại học cũng cần có những tiếng nói, đề xuất để đưa vào những quy định đặc thù trong dự thảo Luật Khoa học và Công nghệ”.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho hay, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo là 3 nhiệm vụ quan trọng nhất của mỗi trường đại học. “Giảng dạy và đào tạo là nhiệm vụ truyền thống, quen thuộc. Nghiên cứu khoa học khó hơn. Nhưng đổi mới sáng tạo đặc biệt khó, bởi nó mới và để đổi mới sáng tạo cần nhiều yếu tố”, ông Sơn nói.
Trong khi, theo ông Sơn, hiện nay, chưa có nhiều cơ chế, chính sách để tạo đột phá cho việc này.
“Về nghiên cứu, chúng ta đã làm rất tốt khi trong những năm qua, kết quả nghiên cứu được công bố tăng nhanh, nhưng số lượng bằng sáng chế, giải pháp hữu ích để có thể chuyển thành những sản phẩm công nghiệp, dịch vụ mang lại giá trị cho cuộc sống còn rất ít. Vì vậy chúng ta càng phải nỗ lực”.
Theo ông Sơn, tính kết nối thông qua mạng lưới, chia sẻ nguồn lực, ý tưởng, cùng đề xuất cơ chế chính sách là một trong những giải pháp quan trọng cho vấn đề này.
“Việc chủ động kết nối, xây dựng mạng lưới giữa các trung tâm đổi mới sáng tạo là hướng đi để mang lại lợi ích cho tất cả, cùng kết nối, chia sẻ nguồn lực, ý tưởng để đề xuất cơ chế chính sách. Có như vậy, hệ thống của chúng ta mới đạt được mục tiêu tạo ra đột phá trong lĩnh vực này”.