Sáng 14/12, Bộ GD-ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, của Ban Chấp hành TƯ Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Đại diện Bộ GD-ĐT đã công bố dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29.
Các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến, trao đổi với nhiều nội dung.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho hay, các đơn vị của Bộ GD-ĐT sẽ tiếp thu để hoàn thiện dự thảo báo cáo và đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29.
Theo ông Sơn, trong các trao đổi, thảo luận đều thống nhất, khẳng định rằng: Giáo dục và đào tạo trong 10 năm qua đã có những đổi mới, chuyển biến tích cực.
“Để có được những đổi mới như vậy, Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây là Nghị quyết mang tính khoa học, thể hiện tầm nhìn xa rộng và những quyết sách mạnh mẽ của Trung ương Đảng. Cho tới thời điểm này, rất nhiều nội dung quan trọng vẫn đang là quyết sách mang tính chiến lược”.
Ông Sơn cho hay, ở thời điểm bắt đầu đổi mới, giáo dục xuất phát thấp, khó khăn nhiều, điều kiện khó, kỳ vọng lớn, mong muốn cao, ước mong nhiều... quá trình để đạt được những điều đó, trong bối cảnh ấy rất khó khăn. Do đó, những kết quả đạt được 10 năm qua cho thấy sự cố gắng vượt bậc của các bộ, ban, ngành và các địa phương.
“Trong đó, chúng tôi đánh giá đặc biệt vai trò triển khai Nghị quyết 29 của 63 tỉnh/thành phố. Qua quá trình đánh giá các tỉnh/thành phố, ở nơi nào, Đảng bộ, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm ở đó sự đổi mới đạt được kết quả cao.
Điều đó lại không đồng nhất với hoàn cảnh nơi đó giàu hay nghèo. Có một số nơi điều kiện khó khăn nhưng sự đổi mới đạt được rất nhiều. Như vậy, giữa cái khó và đổi mới dường như chỉ là sự ràng buộc tương đối. Nơi nào nhận thức, chỉ đạo quyết liệt, quyết tâm mạnh mẽ, sự đổi mới ở đó diễn ra mạnh mẽ hơn”, ông Sơn. Người đứng đầu ngành Giáo dục bày tỏ mong mỏi trong thời gian tới các địa phương sẽ làm tốt hơn nữa những công việc đang làm.
Theo ông Sơn, tổng kết Nghị quyết 29 trong bối cảnh rất nhiều nội dung trong Nghị quyết vẫn đang làm, đang triển khai, chưa hoàn tất và ngay cả những việc vừa hoàn thành thì phải nhiều năm sau mới có thể nhìn thấy hết đầy đủ được giá trị, ảnh hưởng của kết quả đó. Bởi giáo dục là con người cho nên không thể đơn thuần một sớm một chiều đánh giá được. Tuy nhiên, chúng ta vẫn nhìn nhận được những kết quả cụ thể và có thể đánh giá được xu hướng của sự vận động.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay, trong đề xuất kết luận với Bộ Chính trị sẽ có những đề xuất nhằm tăng cường sự thích ứng, xử lý, vượt qua những thách thức trong thời gian tới. Bộ trưởng thông tin và nhấn mạnh 3 vấn đề chính là: nhận thức, thể chế và nguồn lực.
Về vấn đề nhận thức, theo ông Sơn, bản thân Nghị quyết 29 đã là đổi mới về quan điểm đối với giáo dục, nhưng nhận thức trong các cấp, các ngành trong giáo dục vẫn là một vấn đề lớn. Do đó, sẽ còn phải tiếp tục nhận thức về đầu tư cho giáo dục, về tự chủ trong giáo dục, về xã hội hoá trong giáo dục và nhận thức trong các vấn đề chuyên môn của ngành.
“Bên cạnh một nhận thức cho đầy đủ và thấu đáo, quan trọng hơn cần sự hành động tương xứng và cần sự hành động cho đến nơi đến chốn. Nếu chỉ gia tăng về nhận thức thì hàng ngày chúng ta vẫn nói với nhau rằng “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, nhưng sẽ chỉ dừng ở đó mà thôi. Câu chuyện hành động cho tương xứng với nhận thức vẫn là câu chuyện lớn cần làm tiếp để cho những vấn đề của Nghị quyết 29 được thực hiện một cách đầy đủ và triệt để trong thời gian tới”, ông Sơn nói.
Về vấn đề thể chế, Bộ trưởng GD-ĐT cho hay, sẽ cần tiếp tục rà soát các văn bản, các bộ luật, xây dựng luật mới là Luật Nhà giáo và rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để mở đường cho xã hội hoá, tự chủ trong giáo dục và mở đường cho những đổi mới khác.
Về vấn đề nguồn lực, ông Sơn nhắc đến tài chính giáo dục, đầu tư cho giáo dục và nguồn lực con người.
“Hai từ khoá rất quan trọng là tiền và con người. Càng ngày chúng ta càng nhận thức sâu sắc và toàn diện vai trò có tính chất quyết định của lực lượng nhà giáo trong công cuộc đổi mới này và chắc chắn chúng ta sẽ phải làm nhiều việc hơn nữa để phát triển đội ngũ nhà giáo nhằm hoàn tất các mục tiêu đổi mới giáo dục trong thời gian sắp tới”.
Ông Sơn cho biết, sau hội nghị này, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục tiếp thu các ý kiến và hoàn thiện dự thảo đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29.