Mới đây, Nhà Trắng công bố công ty điều hành cảng SSA Marine (Seattle, Mỹ) và công ty Gemadept (Việt Nam) có ý định hợp tác trong các dự án cảng chiến lược ở miền Nam Việt Nam, bao gồm mối quan tâm chung trong việc phát triển Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ trị giá 6,7 tỷ USD.
Sau khi hoàn thành, siêu cảng Cái Mép Hạ sẽ trở thành trung tâm logistics lớn nhất cả nước. Đây là một trong các siêu cảng có giá trị hơn tỷ USD đang được đề xuất xây dựng tại Việt Nam.
Nhiều đề xuất lập siêu cảng
Cảng Cái Mép Hạ (còn gọi là cảng Cái Mép - Thị Vải), được xây dựng ngay cửa sông Cái Mép và sông Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) có nhiều lợi thế khai thác, nhưng đến nay vẫn chưa thể trở thành cảng trung chuyển quốc tế.
Dự án ban đầu được quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 với diện tích khoảng 1.800ha, gồm hai phân khu chính là Trung tâm Logistics và Bến cảng Cái Mép Hạ hạ lưu. Đồ án sau đó được điều chỉnh nâng lên 2.200ha để có thể tiếp nhận các tàu có tải trọng lớn nhất thế giới, biến khu vực này thành cảng trung chuyển tầm cỡ khu vực và thế giới.
Với quy mô tầm cỡ và vị trí chiến lược trong bản đồ hàng hải Việt Nam, siêu cảng Cái Mép Hạ không chỉ nhận được sự quan tâm của liên doanh Gemadept-SSA Marine mà còn lọt vào “tầm ngắm” của nhiều ông lớn khác như Liên doanh Geleximco-ITC, Liên danh Besix-Boskalis-Hateco, IMG Innovations, CTCP Xuất nhập khẩu Quốc tế Tân Đại Dương, Tập đoàn Mặt Trời, Saigontel, TCT Tân Cảng Sài Gòn.
Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ mới được UBND TP.HCM đề xuất cũng không kém cạnh. Dự án này nằm ở cửa sông Cái Mép, được bao quanh bởi sông Thị Vải và sông Thuê. Thiết kế của cảng có thể tiếp nhận tàu mẹ lên đến 250.000 tấn, công suất khoảng 16,9 triệu TEU.
Tổng mức đầu tư dự án khoảng 5,45 tỷ USD, tổng diện tích bến cảng 571ha và diện tích mặt nước gần 478ha. Dự án được phân kỳ làm 7 giai đoạn, giai đoạn đầu tiên sẽ đưa vào khai thác năm 2027 và hoàn thành toàn bộ cuối năm 2045.
Theo đánh giá của TP.HCM, cảng Cần Giờ có vị trí gần các tuyến hàng hải quốc tế đi qua Biển Đông, hàng hóa của khu vực Đông Nam Á nếu đi qua khu vực này có thể giảm khoảng 30-70% về cự ly so với vận chuyển đến cảng ở Singapore, giá bốc xếp cũng tiết giảm đến 40-54%.
Dự án đang được hãng tàu MSC lớn nhất thế giới rất quan tâm, tìm hiểu và mong muốn tham gia hợp tác đầu tư, cũng như tích cực phối hợp với doanh nghiệp Việt Nam (TCT Hàng hải Việt Nam - VIMC) cùng nghiên cứu đầu tư.
Đề xuất Cảng Trần Đề tại tỉnh Sóc Trăng cũng nhận được sự quan tâm của nhiều đơn vị. Dự án có tổng diện tích khoảng 5.400ha. Tổng mức đầu tư trong giai đoạn đến năm 2030 dự kiến 51.320 tỷ đồng và giai đoạn tổng thể đến năm 2050 là 145.283 tỷ đồng.
Cảng có thể tiếp nhận các tàu container trên 100.000 tấn, trở thành cửa ngõ của khu vực ĐBSCL. Việc đầu tư cụm cảng này sẽ giúp giải quyết thực trạng phần lớn lượng hàng hóa ĐBSCL đang phải luân chuyển lên các cảng ở khu vực TP.HCM, làm phát sinh chi phí cho doanh nghiệp.
Tập đoàn Adani (Ấn Độ) cũng đang xúc tiếp việc nghiên cứu, đầu tư khu vực cảng biển tại Liên Chiểu (Đà Nẵng) với mức đầu tư khoảng 2 tỷ USD, bao gồm đầu tư hạ tầng kỹ thuật để có thể làm được hàng tổng hợp, hàng rời, hàng lỏng/khí và container.
Hay giữa năm 2022, CTCP Xuân Thiện Nam Định đề xuất xây dựng cảng Xuân Thiện Nam Định với mức đầu tư dự kiến lên đến 35.000 tỷ đồng (tương đương gần 1,5 tỷ USD). Cục Hàng hải Việt Nam đã nhận được hồ sơ của doanh nghiệp và nghiên cứu hồ sơ về dự án.
Cần đầu tư hàng trăm nghìn tỷ đồng
Theo báo cáo của Bộ GTVT về việc hoàn thiện “Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, tổng nhu cầu đầu tư cho hệ thống cảng biển tính đến năm 2030 vào khoảng 312.625 tỷ đồng.
Trong đó, nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng hàng hải công cộng khoảng hơn 70.000 tỷ đồng và nhu cầu vốn đầu tư cho bến cảng hơn 242.000 tỷ đồng.
Giai đoạn này cũng kêu gọi đầu tư bến cảng tại các cảng biển tiềm năng như Vân Phong và Trần Đề. Đến năm 2030 sẽ đầu tư bến khởi động khu bến Nam Đồ Sơn (Hải Phòng), các bến cảng tại khu vực Cái Mép Hạ, hạ lưu Cái Mép Hạ và khu bến Trần Đề (Sóc Trăng).
Theo thống kê của Bộ GTVT, đến tháng 10/2022, cả nước có 296 bến cảng với chiều dài khoảng 107km cầu cảng (gấp 5 lần năm 2000). Đồng thời, đã hình thành các cảng cửa ngõ quốc tế tại khu vực phía bắc và phía nam cũng như tiếp nhận thành công tàu container đến 145.000 tấn tại khu bến Lạch Huyện (Hải Phòng), đến 214.000 tấn tại khu bến Cái Mép.
Về nguồn vốn đầu tư trong lĩnh vực hàng hải, nguồn vốn ngoài ngân sách huy động đầu tư trong giai đoạn 2011-2020 là khoảng 173.400 tỷ đồng, xấp xỉ 86% tổng vốn đầu tư. Nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới đã có mặt tại Việt Nam để hình thành các liên doanh đầu tư xây dựng và khai thác cảng biển.
Đơn cử như DP World của Các tiểu Vương quốc Ả-rập thống nhất (nhà khai thác cảng số 5 thế giới) tham gia đầu tư bến cảng SPCT (TP.HCM), SSA Marine (nhà khai thác cảng thứ 9 thế giới) đầu tư khai thác bến cảng SSIT (Bà Rịa - Vũng Tàu), APMT của Đan Mạch (nhà khai thác cảng số 2 thế giới) đầu tư khai thác cảng CMIT (Bà Rịa - Vũng Tàu); các hãng tàu MOL, NYK đầu tư bến cảng Lạch Huyện (Hải Phòng)...