Mua vàng cầu tài lộc giá cao
Trong văn hóa của phương Đông nói chung và người Việt nói riêng, vàng biểu thị cho những giá trị tốt đẹp, đại diện cho phú quý, sung túc và may mắn. Ngày vía Thần Tài luôn là ngày quan trọng của năm đối với những người kinh doanh, buôn bán...
Trong gần một thập kỷ qua, hoạt động mua vàng ngày Thần Tài (10 tháng Giêng) diễn ra sôi động. Người người chen nhau đi mua vàng với mong muốn có lộc may mắn, đẩy giá vàng tăng nhanh trong khoảng 1 tuần. Doanh nghiệp kinh doanh vàng lãi lớn. Chỉ sau một đêm, giá vàng giảm nhanh.
Xu hướng mua vàng Thần Tài lan rộng ra mọi tầng lớp. Người dân thường chọn mua các sản phẩm bằng vàng như: nhẫn tròn trơn, vàng miếng, trang sức bằng vàng ta, vàng tây gắn đá ngọc quý thiên nhiên, lì xì mạ vàng, hũ muối, hũ gạo bằng vàng...
Thống kê các năm gần đây cho thấy, giá vàng trong phiên trước và chính ngày Thần Tài thường tăng nhanh hơn khá nhiều, từ khoảng 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/lượng so với mức tăng giá vàng thế giới quy đổi ở cùng thời điểm.
Giá vàng ngày vía Thần Tài năm nay (Quý Mão) có mức tăng mạnh hơn các năm trước do giá vàng thế giới trong những ngày đầu năm mới 2023 tăng vọt, lên mức cao nhất trong 9 tháng. Giá vàng miếng tăng 500 nghìn đồng/lượng chỉ trong hai phiên giao dịch sau Tết Nguyên đán sau khi đã tăng 1 triệu đồng/lượng trong tuần giáp Tết.
Trong khi đó, giá vàng nhẫn và các sản phẩm vàng Thần Tài khác tăng nhanh hơn, mức chênh giữa giá mua vào và bán ra cũng lớn hơn vài trăm nghìn đồng/lượng so với mức chênh vàng miếng.
Giá vàng Thần Tài năm nay càng trở nên đắt đỏ hơn khi giá vàng trong nước trong nhiều tháng qua ở mức cao hơn giá thế giới quy đổi rất nhiều, khoảng 13 triệu đồng/lượng, đối với vàng miếng, vàng chỉ bốn số chín.
Tính tới chiều 28/1, giá vàng thế giới ở mức 1.927,5 USD/ounce, quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 55,4 triệu đồng/lượng, đã bao gồm thuế và phí, thấp hơn khoảng 12,8 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.
Giá vàng miếng SJC hôm 28/1 được doanh nghiệp mua vào và bán ra ở mức 67,3 triệu đồng/lượng và 68,32 triệu đồng/lượng.
Các mặt hàng có chế tác tinh xảo còn có giá cao hơn nữa. Một số mặt hàng được săn mua nhiều có thể tăng vọt như trường hợp sản phẩm mỹ nghệ đúc rỗng theo con vật theo năm như mèo năm nay hay gà năm 2018.
Thống kê của một số doanh nghiệp kinh doanh vàng cho thấy, hàng trăm ngàn sản phẩm vàng Thần Tài đã được bán ra mỗi dịp ngày vía Thần Tài trong những năm gần đây. Có những năm cả nghìn người đã xếp hàng mua vàng ở các cửa hàng lớn tại Hà Nội như khu vực Trần Nhân Tông (Hai Bà Trưng),...
Vàng giảm nhanh sau ngày vía Thần Tài
Có một thực tế là, gần như năm nào cũng vậy cứ ngay sau ngày vía Thần Tài giá vàng lại giảm nhanh.
Trong phiên giao dịch ngày 22/2/2021, tức một ngày sau ngày vía Thần Tài (21/2/2021), giá vàng trong nước giảm 250 ngàn đồng/lượng và hướng về mốc 56 triệu đồng/lượng bất chấp giá vàng thế giới có xu hướng tăng.
Trong năm 2020, vàng cũng giảm mạnh hơn 1,3 triệu đồng/lượng sau ngày vía Thần Tài. Giá vàng miếng mua vào và bán ra ngày 3/2/2020 (ngày 10 Tháng Giêng) là 43,78 triệu đồng/lượng và 44,82 triệu đồng/lượng.
Chỉ một ngày sau ngày vía Thần Tài, ngày 4/2/2020, giá vàng miếng giảm xuống còn 43,55 triệu đồng/lượng.
Điều này có nghĩa là, nếu một người mua vàng vào ngày Thần Tài và bán ra một hôm sau đó sẽ lỗ khoảng 1,3 triệu đồng/lượng. Người mua lỗ chủ yếu do mức chênh giữa giá mua vào và bán ra và do giá giảm sau ngày vía Thần Tài.
Đấy là đối với vàng miếng. Với vàng nhẫn, vàng trang sức, mức chênh giữa giá mua vào và bán ra còn lớn hơn so với vàng miếng khoảng 20-50% tùy năm. Mức lỗ theo đó sẽ lớn hơn theo tỷ lệ.
Năm 2023, sát ngày vía Thần Tài, mức chênh giữa giá mua vào và bán ra đối với vàng miếng là 1 triệu đồng/lượng, còn đối với vàng nhẫn là 1,2 triệu đồng/lượng.
Trên thực tế, giá vàng tăng mạnh khoảng một tuần trước ngày vía Thần Tài, rồi quay đầu giảm ngay sau khi 'cất mẻ lưới' ngày Thần Tài và giảm thêm vào các ngày sau đó.
Thống kê cho thấy, giá vàng miếng hầu như đều giảm nhanh sau 1 ngày, 3 ngày và 1 tuần sau ngày vía Thần Tài. Tỷ lệ giảm giá vàng nhẫn, vàng trang sức còn cao hơn nhiều so với vàng miếng.
Doanh nghiệp bán các sản phẩm vàng Thần Tài ở mức giá cao, nhưng mua lại ở mức giá thấp hơn nhiều.
Nhiều người mua những sản phẩm vàng trang sức món nhỏ, một chỉ, nửa chỉ hoặc mạ vàng, hoặc vàng 24K... ít khi bán ra. Tuy nhiên, cũng có không ít người mua vàng nhẫn 2-5 chỉ, vàng miếng một vài lượng dịp Thần Tài.
Nếu nắm giữ lâu theo năm, lợi nhuận từ việc mua vàng ngày vía Thần Tài đều thấp hơn lợi nhuận mua vàng các ngày sau đó. Còn nếu bán trong ngắn hạn thì đa số người mua lỗ do giá vàng trong nước giảm giá nhanh sau ngày vía Thần Tài.
Doanh nghiệp lãi lớn
Khi hàng vạn người tung tiền cầu may, các nhà buôn đương nhiên trúng đậm. Với hàng trăm ngàn sản phẩm, mỗi sản phẩm 0,5-5 chỉ, mỗi doanh nghiệp cũng bán được hàng tấn vàng trong dịp ngày vía Thần Tài, ngang bằng một vài tháng kinh doanh bình thường.
Với mức chênh vài trăm ngàn đồng cho tới cả triệu đồng/lượng (như năm nay) và doanh thu hàng trăm cho tới cả nghìn tỷ đồng, nhiều đơn vị kinh doanh vàng kiếm bộn tiền.
Những ngày trước ngày vía Thần Tài 2023, cổ phiếu PNJ thuộc CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận của bà Cao Thị Ngọc Dung tăng mạnh, sát đỉnh cao lịch sử dù ngành bán lẻ có triển vọng không mấy sáng sủa.
Trong phiên giao dịch đầu tiên của năm Quý Mão, ngày 27/1, cổ phiếu PNJ tăng mạnh thêm 5.100 đồng lên 94.000 đồng/cp. Đây là phiên tăng thứ 6 liên tiếp của cổ phiếu này, là mức giá gần sát mức lịch sử 95.000 đồng/cp (giá điều chỉnh) ghi nhận hồi giữa năm 2022.
Cổ phiếu PNJ tăng mạnh và về sát đỉnh cao lịch sử nhờ dòng tiền đổ vào rất mạnh trong bối cảnh doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh kỷ lục trong năm 2022 và công ty của bà Cao Ngọc Dung bước vào mùa cao điểm tiêu thụ vàng - dịp Tết Nguyên đán và mua lễ ngày vía Thần Tài (mùng 10 tháng Giêng Âm lịch).
Gần đây, nhu cầu vàng miếng có xu hướng giảm nhưng nhu cầu vàng trang sức tăng mạnh, nhất là vào dịp lễ tết và ngày vía Thần Tài các năm. Riêng đợt bán hàng vàng dịp Thần Tài, PNJ có thể thu được cả nghìn tỷ đồng, bằng 5-7% cả năm.