Sau khi bán 3 lượng vàng miếng SJC với giá 67,5 triệu đồng/lượng vào ngày 27/1, chị Phùng Thị Nguyệt ở Thanh Trì (Hà Nội) khoe, số vàng này được chị mua từ dịp vía Thần Tài năm ngoái và năm 2021 nên bây giờ đem bán, lãi gần 28 triệu đồng.
Chị chia sẻ, ngày vía Thần Tài năm 2021 chị mua được 2 lượng vàng miếng SJC với giá 56,3 triệu đồng/lượng. Giữ đến nay, chị đem bán được 67,5 triệu đồng/lượng. Tính ra sau 2 năm cất vàng trong két, chị lãi 11,2 triệu đồng/lượng.
Năm ngoái, trước vía Thần Tài một ngày, chị mua 1 lượng với giá 62,07 triệu đồng/lượng và 4 chỉ vàng nhẫn tròn trơn. Đến giờ, vàng nhẫn giữ lại còn vàng miếng đem bán lãi được gần 5,5 triệu đồng/lượng.
“Lãi suất tiền gửi tiết kiệm ở ngân hàng đang rất cao nên số tiền hơn 200 triệu đồng thu được từ bán vàng tôi quyết định đem gửi tiết kiệm. Như vậy một năm cũng được khoảng 18 triệu đồng tiền lãi”, chị nói và cho biết, vía Thần Tài năm nay chị chỉ mua 2 chỉ vàng nhẫn để lấy may mắn.
Giữ thói quen mua vàng vào ngày vía Thần Tài 5 năm nay, bà Dương Thị Mai ở Núi Trúc (Ba Đình, Hà Nội) mỗi năm mua 1 lượng vàng miếng vừa để lấy may và vừa làm của để dành.
“Lúc tôi mua mọi người thường khuyên không nên bởi vàng ngày Thần Tài giá thường rất cao. Mua như vậy sẽ thiệt. Tôi thì nghĩ mua lấy may và cũng để tích trữ lâu dài nên không sao”, bà nói.
Đến giờ, bà Mai có 5 lượng vàng miếng. Trong đó, lượng vàng miếng đầu tiên bà mua năm 2018 giá chỉ khoảng 37,6 triệu đồng/lượng. Theo đó, cứ mỗi năm giá lại tăng thêm và đến giờ đã lên mức 67,5 triệu đồng/lượng thì bà đem đi bán.
Như vậy, lượng vàng đầu tiên bà mua lãi khoảng gần 30 triệu đồng, còn 1 lượng vàng mua năm 2022 lãi ít nhất cũng gần 5,5 triệu đồng.
“Sáng 28/1 tôi đem bán hết thu về hơn 337 triệu đồng. Số tiền này tôi dự tính tháng tới vợ chồng đứa con trai chuyển về nhà mới sẽ cho chúng một khoản để mua sắm vật dụng trong nhà, còn lại đem gửi tiết kiệm”, bà tính toán.
Theo các chuyên gia, vàng là kênh trú ẩn an toàn, đầu tư lâu dài sẽ sinh lời. Những năm gần đây, rất nhiều người có thói quen mua vàng vào ngày vía Thần Tài để cầu may mắn tài lộc, mong cuộc sống sung túc nên đa phần sẽ mua lượng vàng nhỏ từ 0,5 chỉ đến vài chỉ.
Song, cũng có người mua cả lượng vàng, thậm chí cả vài lượng vì ngoài cầu may họ còn để tích trữ, “giắt lưng” phòng những trường hợp cần dùng.
Thực tế, trong giai đoạn từ 2018-2022, giá vàng ngày vía Thần Tài (mùng 10 tháng Giêng Âm lịch) ghi nhận đà tăng qua từng năm.
Cụ thể, ngày vía Thần Tài năm 2018 (25/2/2018) Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) tại Hà Nội niêm yết giá vàng SJC ở mức 36,8-37,04 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào - bán ra.
Vào ngày vía Thần Tài 2019 (14/2/2019), giá vàng SJC ghi nhận ở mức giá 36,75-37,07 triệu đồng/lượng mua vào và bán ra. Mức giá này gần như không có biến động so với ngày vía Thần Tài 2018.
Ngày vía Thần Tài 2020 (3/2/2020), Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 43,7 triệu đồng/lượng (mua vào) và 44,42 triệu đồng/lượng (bán ra). So với ngày vía Thần Tài 2019, giá vàng miếng SJC tăng 6,95-7,35 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào - bán ra.
Đến năm 2021, ngày vía Thần Tài (21/2/2021) giá vàng SJC ở mức 55,67 triệu đồng/lượng ở mua vào và 56,37 triệu đồng/lượng chiều bán ra. Còn ngày vía Thần Tài năm 2022 (10/2/2022), giá vàng SJC ở mức 61,65 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 62,67 triệu đồng/lượng chiều bán ra.
Năm nay, sát ngày vía Thần Tài giá vàng có xu hướng tăng mạnh. Theo đó, ngày 27/1 chốt phiên giá vàng miếng của SJC ở mức 67,5 triệu đồng/lượng (mua vào) và 68,52 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 600 nghìn đồng/lượng so với kết phiên giao dịch 19/1 (trước kỳ nghỉ Tết Quý Mão 2023).
Sáng 28/1, giá vàng miếng của SJC tăng 200 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và bán ra so với kết thúc phiên giao dịch ngày 27/1 lên mức 67,7 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 68,72 triệu đồng/lượng chiều bán ra. Giá vàng nhẫn cũng có xu hướng tăng cao.