Ngày 26/9, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo Cục Xuất bản, In và Phát hành chủ trì phối hợp với Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội thảo Đổi mới, nâng cao hiệu quả của liên kết xuất bản.
Những kết quả đáng ghi nhận
Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành khẳng định, thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động xuất bản, cùng với quá trình cổ phần hóa, liên kết xuất bản trở thành một trong những giải pháp quan trọng, thúc đẩy xuất bản phát triển. Liên kết xuất bản chính thức được đưa vào Luật Xuất bản năm 2004 và tiếp tục được khẳng định trong Luật Xuất bản năm 2012.
Những năm qua, liên kết xuất bản góp phần đẩy nhanh sự phát triển của hoạt động xuất bản cả về tốc độ, quy mô, số lượng và chất lượng, thu được những kết quả đáng ghi nhận.
Nếu năm 2004, cả nước mới xuất bản được khoảng 24.000 đầu sách, 250 triệu bản sách thì đến năm 2022 toàn ngành đã xuất bản được trên 38.000 đầu xuất bản phẩm, trong đó có trên 32.000 đầu sách với trên 598 triệu bản xuất bản phẩm, trong đó có 530 triệu bản sách.
Như vậy sau gần 20 năm, quy mô xuất bản đã tăng gấp hơn 2 lần, đưa mức bình quân sách/người/năm từ 2,1 bản năm 2004 lên 5,3 bản năm 2023, tiệm cận chỉ tiêu nêu trong Chỉ thị 42-CT/TW: 6 bản sách/người/năm.
Đóng góp vào kết quả này có vai trò quan trọng của hoạt động liên kết xuất bản, bao gồm liên kết giữa các nhà xuất bản, liên kết nhà xuất bản với tác giả, chủ sở hữu tác phẩm, liên kết in, liên kết hạ tầng công nghệ và đặc biệt liên kết giữa nhà xuất bản với các đơn vị phát hành.
Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành lấy ví dụ, một số nhà xuất bản và đơn vị phát hành thông qua hoạt động liên kết đã biết tận dụng thời cơ, tích lũy nguồn lực, phát triển đội ngũ như: NXB Trẻ, NXB Xây dựng, NXB Thông tin và Truyền thông.
Với các đơn vị liên kết, ý thức xây dựng và phát triển thương hiệu dần được hình thành. Nhiều đơn vị đã phát triển rất tốt thương hiệu như Alphabooks, Nhã Nam, Phương Nam, Đinh Tỵ Books, Saigon Books, 1980 Books…
Chủ trương liên kết xuất bản là đúng đắn
Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu cùng quan tâm thảo luận một số giải pháp: Kiểm soát chặt chẽ quy trình xuất bản, quy trình liên kết xuất bản bảo đảm chất lượng xuất bản phẩm, đẩy lùi vấn nạn sách vô bổ, thậm chí sai phạm; các nhà xuất bản và đối tác liên kết trên tinh thần hợp tác cùng có lợi; các nhà xuất bản cần nâng cao chất lượng đội ngũ, có tiêu chuẩn hợp lý trong liên kết, tránh bị thao túng…
Theo bà Ngô Thu Phương - Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Văn học, đối với NXB Văn học, trong nhiều năm trở lại đây, sách liên kết chiếm một khối lượng lớn trên tổng số đầu sách xuất bản, dao động từ 60-70%. Có rất nhiều những tác phẩm văn học có giá trị về nội dung và nghệ thuật được xuất bản thông qua hình thức liên kết.
Với một số lượng đầu sách liên kết hàng năm nhiều như vậy, việc chú trọng vào công tác thẩm định, biên tập, quản lý, phân cấp trách nhiệm và đặc biệt là sự phối kết hợp chặt chẽ với các đối tác liên kết luôn được NXB Văn học đặt lên hàng đầu.
Trong khi đó, bà Ngô Thị Thu Ngần – Phó Giám đốc, Phó Tổng Biên tập NXB Phụ nữ Việt Nam cho biết, đơn vị mình kiên định xây dựng thương hiệu riêng với một hệ đề tài tự in phong phú, đáp ứng nhu cầu đa dạng của các đối tượng độc giả chính là phụ nữ, gia đình, trẻ em và đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước.
Theo đại diện NXB Tổng hợp TP.HCM, hoạt động liên kết xuất bản nói chung và thực tế ở NXB trong gần 20 năm qua cho thấy chủ trương liên kết xuất bản là đúng đắn, góp phần thúc đẩy xã hội hóa ngành xuất bản nói riêng và sự phát triển của toàn ngành nói chung.
Hoạt động liên kết với các đơn vị tư nhân, bên cạnh câu chuyện nguồn thu, đã mang đến những hiệu quả tích cực đối với đơn vị. Trước tiên, sự xuất hiện của logo nhà xuất bản trên mỗi ấn phẩm là một cơ hội để quảng bá thương hiệu của đơn vị, trong đó có việc quảng bá ở những mảng sách mà trước đây, đơn vị ít quan tâm đầu tư.
Phát biểu kết luận hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm mong muốn, trong việc liên kết xuất bản, cả hai bên đều phải cùng lớn mạnh chứ không thể chỉ có một bên khỏe mạnh và bên kia ngược lại.
“Về mặt quản lý nhà nước, chúng tôi coi đây là hướng đi khác, bên cạnh hướng đi chỉ có quản. Nếu không thúc đẩy phát triển được thì quản không mang lại hiệu ứng, muốn đạt được điều này, chúng ta phải cùng làm với nhau.
Bộ không phân biệt nhà xuất bản với đơn vị làm sách bởi họ đều có giá trị trong kết quả chung này. Chỉ có điều, chúng tôi muốn câu chuyện liên kết xuất bản sòng phẳng hơn, công bằng hơn, không quá vô lý như hiện nay”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm khẳng định.