Gần 38.500 lao động được giải quyết việc làm
Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm xuống còn 1,51% (giảm 0,66%) theo chuẩn Nghị định số 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ (vượt chỉ tiêu Nghị quyết giao là 0,4%).
Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững được các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh quan tâm tổ chức triển khai thực hiện. Trong năm, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tuyển sinh và đào tạo hơn 17.000 học viên (trình độ cao đẳng gần 1.330 học viên, trung cấp 3.000 học viên, sơ cấp trên 3.300 và đào tạo dưới 3 tháng hơn 9.600 học viên). Con số này đạt 115 % kế hoạch năm, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt hơn 76%.
Đồng Tháp cũng tổ chức 33 phiên giao dịch việc làm, đạt 118% kế hoạch đề ra; có gần 38.500 lao động được giải quyết việc làm, đạt 128%, trong đó hơn 2.000 lao động đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng.
Thời gian qua, tỉnh xác định đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, giúp giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế xã hội địa phương, góp phần giảm nghèo bền vững.
Do đó, công tác tư vấn, vận động người dân được tổ chức với nhiều hình thức như: phát thông tin trên loa, trên bảng điện tử, màn hình led, các bảng pano, tờ rơi... Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố phối hợp tuyên truyền các phiên giao dịch việc làm hàng tháng trên đài truyền thanh để người dân nắm bắt dễ dàng.
Toàn tỉnh đã tuyên truyền, tư vấn cho hơn 78.000 lượt người; tổ chức in và phát trên 316.000 tờ rơi, phát hành 500 bản tin thị trường lao động; tuyên truyền trên 140 bảng pano cố định lắp tại các xã, phường, thị trấn, trường học, bến xe, bến đò, chợ, khu du lịch trên địa bàn.
Cấp thẻ BHYT, giảm học phí
Về lĩnh vực sức khỏe, giáo dục, Đồng Tháp đã cấp gần 74.000 thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho người thuộc hộ nghèo, cận nghèo; hộ nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình; miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho gần 29.000 học sinh. Trong năm, tỉnh cũng hỗ trợ xây mới, sửa chữa 2.600 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn; hỗ trợ dạy nghề cho gần 650 lao động.
Về việc giải ngân nguồn vốn giảm nghèo bền vững, tổng kinh phí thực hiện là gần 59 tỷ đồng, đạt 74% vốn được giao. Kết quả thực hiện chính sách tín dụng đối với hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, học sinh, sinh viên có doanh số cho vay đạt trên 460 tỷ đồng.
Về thông tin, các sở chức năng phối hợp với Báo Đồng Tháp thực hiện chuyên trang “Giảm nghèo”, “Giảm nghèo thông tin” để tuyên truyền đến người dân những mô hình, cách làm ăn, chăn nuôi trồng trọt hiệu quả, tấm gương vượt khó thoát nghèo… Đồng thời, phối hợp với Đài phát thanh và truyền hình Đồng Tháp thực hiện “Chương trình Vượt dốc” để biểu dương hộ thoát nghèo tiêu biểu. Các địa phương tổ chức hàng trăm cuộc đối thoại về chính sách giảm nghèo với hàng nghìn lượt người tham dự.
Khi được tiếp cận những thông tin hữu ích, tích cực, người dân có thể từng bước học tập, làm theo trong lao động sản xuất, khơi dậy ý chí nỗ lực thoát nghèo, thay vì chỉ trông chờ vào nguồn hỗ trợ từ Nhà nước.
Hà Thu