Trong phiên 28/6, cổ phiếu NVL tăng 4,3% lên mức 15.600 đồng/cp, có thời điểm tăng lên mức 15.850 đồng. Đây là mức cao nhất 6 tháng qua. 

Cổ phiếu Novaland tăng mạnh trong bối cảnh nhiều dự án của doanh nghiệp được chỉ đạo gỡ khó. Áp lực dòng tiền với Novaland cũng giảm bớt, khi doanh nghiệp đã lùi được thời hạn thanh toán 7.000 tỷ đồng trái phiếu.

Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2023, Chủ tịch Novaland Bùi Thành Nhơn cho biết, 2022 là một năm giông tố, để lại những tổn thất nặng nề và những bài học quý giá cho tập đoàn.

Trong cơn khủng hoảng, không có tiền hoạt động, tiền vốn và tiền bán hàng bị ngân hàng siết chặt, Novaland đã chấp nhận mất mát, cam kết nỗ lực hành động bù đắp cho khách hàng, cổ đông.

Novaland đã qua khó khăn? (Ảnh: NVL)

Trong quý IV/2022 và nửa đầu năm 2023, Novaland đã giải quyết rất nhiều vấn đề như hoãn nợ, bán tài sản, chuyển nợ thành cổ phần; phối hợp với những tổ chức tư vấn quốc tế, các chuyên gia hàng đầu để tái cấu trúc, kiểm soát dòng tiền.

Tương tự Novaland, sau ĐHCĐ, cổ phiếu HBC của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình tăng trần và vượt mệnh giá. Chốt phiên 28/6, HBC có giá 10.100 đồng/cp, tăng 6,77%. Tính từ 1/6, cổ phiếu HBC tăng hơn 20%.

Đáng chú ý, trên thị trường, diễn biến của nhóm Apec tiếp tục xấu đi. APS giao dịch ở mức 10.600 đồng/cổ phiếu. API 9.300 đồng/cổ phiếu và IDJ 9.800 đồng/cổ phiếu. Nhà đầu tư tháo chạy khỏi nhóm này, liên tục đặt lệnh bán giá sàn, trống bên mua.

Tin doanh nghiệp

Thị trường chứng khoán còn một số sự kiện quan trọng khác của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn.

* DPM: Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) đặt kế hoạch thận trọng với doanh thu hợp nhất 17.372 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2.250 tỷ đồng, chia cổ tức 40% - mức khá cao so với mặt bằng chung.

* SPC: CTCP Bảo vệ thực vật Sài Gòn thông qua việc trả cổ tức đợt 1 năm 2022 bằng tiền mặt theo tỷ lệ 7%. Ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức vào 21/7 và thanh toán bắt đầu từ ngày 14/8.

* DIG: Chiều 28/6 tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 của DIC Corp (DIG) chỉ có 535 cổ đông tham dự, đại diện cho số cổ phần chiếm 36,91% vốn điều lệ. Theo quy định, đại hội (lần 1) của DIG bất thành.

* LDG: Sau 2 lần bất thành, CTCP Đầu tư LDG thông báo tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023 lần 3 vào ngày 31/7.

* VGC: Tổng công ty Viglacera vừa có thông báo Nghị quyết HĐQT phê duyệt thực hiện góp vốn vào CTCP Viglacera Thái Nguyên. Tổng công ty Viglacera là cổ đông sáng lập, tỷ lệ sở hữu 51% tổng số vốn điều lệ của Viglacera Thái Nguyên, tương ứng 306 tỷ đồng.

* BSR: CTCP Lọc hóa Dầu Bình Sơn thông báo chốt quyền trả cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 22/8.

Thông tin giao dịch

* NVL: CTCP NovaGroup vừa thông báo đã bị công ty chứng khoán bán giải chấp hơn 1,65 triệu cổ phiếu CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) trong giai đoạn từ 21-23/6 và 26-28/6. Sau giao dịch, tổ chức này đã giảm sở hữu từ 539,2 triệu cổ phiếu NVL xuống còn hơn 537,5 triệu cổ phiếu, tương ứng 27,56%.

* IBC: CTCP Tập đoàn Giáo dục Egroup đã bị công ty chứng khoán bán giải chấp 4,26 triệu cổ phiếu IBC của CTCP Tập đoàn đầu tư Apax Holdings. Giao dịch thực hiện từ 22/6 đến 28/6.

* PCG: Công ty TNHH Đầu tư Việt Tú đã bán toàn bộ 2,8 triệu cổ phiếu PCG của CTCP Đầu tư phát triển Gas đô thị. Giao dịch thực hiện ngày 19/6.

* POM: Bà Đỗ Nhung, em của ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT CTCP Thép Pomina, đăng ký bán 5,3 triệu cổ phiếu POM, từ ngày 3/7 đến 28/7 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. 

* TIG: CTCP Tập đoàn Đầu tư Thăng Long thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ 9,9 triệu cổ phần sở hữu tại CTCP HDE Holdings, với giá 15.000 đồng/cổ phần. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý II/2023.

* TKC: Quỹ Đầu tư tài chính MKDS, tổ chức đầu tư đã mua vào hơn 1,15 triệu cổ phiếu của CTCP Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Tân Kỷ trong ngày 23/6. 

VN-Index

Chốt phiên 28/6, VN-Index tăng 4,02 điểm (+0,35%) lên 1.138,35 điểm. HNX-Index giảm 0,57 điểm (-0,25%) về 230,25 điểm. UPCoM-Index tăng 0,34 điểm (+0,39%) lên 85,99 điểm.

Theo Chứng khoán Tiên Phong (ORS), khả năng VN-Index hướng đến mục tiêu quanh mức 1.200 điểm là vẫn còn khi dòng tiền vẫn được duy trì ở mức ổn định trên 15.000 tỷ đồng/phiên.

Tuy nhiên, đà tăng này sẽ trở nên thận trọng khi dòng tiền đang tìm về nhóm vốn hóa lớn, nhóm có tốc độ tăng khá chậm nếu so với nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ trong thời gian qua.

Chứng khoán SHS nhận định, về góc nhìn trung- dài hạn thị trường đã tích lũy rất tốt trong 6 tháng trước đây với mô hình tích lũy tin cậy. Sau những giai đoạn phục hồi ngắn hạn liên tiếp, VN-Index đang ở vùng kháng cự mạnh quanh 1.150 điểm.